Chia sẻ:

Yếu tố nào khiến cổ phiếu dệt may hết hấp dẫn?

Kết quả kinh doanh không khả quan, thách thức do Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại và việc bị ảnh hưởng xuất khẩu vào thị trường Anh tác động không nhỏ đã khiến cổ phiếu ngành dệt may sẽ không còn duy trì đà tăng mạnh như những năm trước và xu hướng biến động chủ yếu là đi ngang và giảm.

Nhà đầu tư nên thận trọng

Từ đầu tháng 2 tới nay, sau khi có thông tin nhiều công ty trong ngành dệt may xin nới room tối đa đã khiến cổ phiếu dệt may tạo “sóng” mới. Đơn cử, cổ phiếu EVE của CTCP Everpia Việt Nam (EVE) đã tăng “phi mã” 50% chỉ trong vòng một tháng sau khi công ty này thực hiện nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%

Hiện tại, nhóm dệt may còn có trường hợp thuộc diện kín room 49% như CTCP Mirae (KMR). Cũng như trường hợp của EVE, doanh nghiệp này được nắm giữ chủ yếu bởi cổ đông nước ngoài. Khi mà EVE đã hoàn tất việc nới room thì trường hợp KMR tiến hành nới room lên ngưỡng tối đa hẳn cũng là điều không quá bất ngờ. Có lẽ, sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc nới room là nguyên nhân chính khiến các cổ phiếu dệt may như EVE, KMR… bứt phá mạnh trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, ngoài EVE, KMR tăng giá thì đa số cổ phiếu khác đều giảm khá mạnh. Đáng chú ý là CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM), cái tên được kỳ vọng rất lớn từ TPP giảm 27% từ mức giá 38.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 28.000 đồng/cổ phiếu; CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) cũng giảm khoảng 20%, giảm mạnh nhất là CTCP Đầu tư và Thương mại (TNG) với mức 34%.

Mặc dù đã có làn sóng kỳ vọng tăng trưởng rất lớn, thế nhưng kể từ lúc có tin TPP được thông qua, giá cổ phiếu dệt may đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua, và xem như không mang lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư nếu nắm giữ từ đầu năm 2015 đến nay.

Có nhiều ý kiến cho rằng, ngành dệt may đang gặp một số rào cản vì thế rủi ro cũng tăng dần. Theo đó, nhóm cổ phiếu này sẽ không còn tăng tốc theo chu kỳ hiện tại nên các chuyên gia chứng khoán khuyên nhà đầu tư xem xét thận trọng từng cổ phiếu một trước khi đầu tư.

Lợi nhuận thấp, cổ phiếu mất điểm

Ngoài những áp lực TPP mang lại thì bản thân ngành dệt may đang đối mặt với một nghịch lý là dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm. Điều này cũng khiến cho nhóm cổ phiếu này “mất giá” mạnh trong thời gian qua.

Kết thúc quý 1/2016, tổng doanh thu thuần của 10 doanh nghiệp may mặc niêm yết kỳ này đạt hơn 3.478 tỷ đồng, tăng nhẹ 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 14,8%, chỉ đạt hơn 147 tỷ đồng.

Có thể nói, trong số 10 công ty may mặc công bố kết quả kinh doanh, CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) là doanh nghiệp có kết quả đáng thất vọng nhất, mặc dù đây không phải là doanh nghiệp có mức lợi nhuận thấp nhất. CTCP Vải sợi May mặc miền Bắc (TET) cũng không ngoại lệ. Lợi nhuận của công ty này cũng sụt giảm mạnh do không còn được hưởng khoản thu nhập bất thường từ việc được hưởng chính sách giảm tiền thuê đất.

Hai doanh nghiệp khác là GMC và TCM cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, GMC đạt doanh thu gần 290 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% trong khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 36,5%, còn 9,8 tỷ đồng. Trong khi đó TMC mặc dù doanh thu tăng 21,4% nhưng lợi nhuận lại sụt giảm tới 34,2%, còn 22 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành dệt may đang phải đối mặt với một áp lực mới đó là việc Anh rời khỏi EU. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vào EU chiếm khoảng 19-20% tổng kim ngạch mặt hàng dệt may, trong đó thị trường Anh chiếm khoảng 3,8-4%.

Chia sẻ về sự kiện này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), cho biết việc Anh rời EU dứt khoát sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Thứ nhất là đồng bảng Anh và đồng EUR mất giá sẽ ảnh hưởng đến giá bán, giá mua của nhà nhập khẩu, giá chênh lệch giữa các đồng tiền cũng sẽ rẻ hơn. Hơn nữa, do biến động về tình hình chính trị như vậy nên sức mua của người tiêu dùng EU cũng như người Anh sẽ có sự thay đổi.

Từ nguyên nhân trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp dệt may. Cụ thể, về đơn đặt hàng nguyên phụ liệu đặt mua trước đã chốt giá với nhà nhập khẩu, nhà sản xuất nguyên phụ liệu, nhưng khi tỷ giá thay đổi có thể phải đàm phán lại, việc này sẽ ảnh hưởng đến cả giá đầu vào của sản phẩm. Như vậy sẽ liên quan đến đơn hàng dài hạn của doanh nghiệp ít nhất từ năm 2017 trở đi. Nhưng ngay trong quý 4/2017 sẽ ảnh hưởng trực tiếp, như vậy đơn hàng năm 2017 sẽ chững lại.

Cũng theo ông Giang, trước mắt, việc này sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm người lao động Việt Nam. Kéo theo đó là ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU trong năm nay ngoài dự định.

 

Mai Trinh

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.