Chia sẻ:

VN-Index có thể điều chỉnh về 1.000 điểm và đi lên trở lại vào giữa tháng 7

Chiều ngày 18/4, tại buổi MBS Talk 14 do CTCP Chứng khoán MB (MBS) tổ chức, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường MBS nhận định VN-Index đã cán mốc 1.200 điểm nhờ nhiều yếu tố tích cực, triển vọng dài hạn sẽ tiếp tục gia tăng. Thế nhưng, trong ngắn hạn đang có những chuyển biến tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới và trong nội tại cũng có thay đổi nhất định. Dự báo, trong ngắn hạn, VN-Index có thể điều chỉnh về mức cân bằng 1.000-1.100 điểm.

 

Trong trường hợp thị trường thế giới có chuyển biến khó khăn hơn thì khả năng VN-Index sẽ mất mốc 1.000 điểm để về mốc cân bằng thấp nhất 920 điểm. VN-Index có thể tạo đáy tại đây và dự đoán đi lên trở lại vào giữa tháng 7, đầu tháng 8, tiến đến cột mốc 1.280 điểm.

 

Về ngắn hạn, thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ IPO lớn như Techcombank, Vinhomes,… với tổng lượng tiền lên đến hơn 3 tỷ USD. Để có tiền mua các cổ phiếu IPO này, ngoài việc rót thêm vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tái cơ cấu lại danh mục của mình bằng việc bán bớt đi các cổ phiếu bluechips có sẵn trong danh mục qua đó tác động không tốt đến thị trường. Tuy nhiên, theo thống kê của ông Sơn, thông thường, sau khi các cổ phiếu có vốn hóa lớn như thế này niêm yết thì giá cổ phiếu sẽ gia tăng đáng kể với các câu chuyện đằng sau. Đây là động lực mạnh đẩy VN-Index lên các tầm cao mới.

 

Bên cạnh câu chuyện IPO, câu chuyện về thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và nguồn tiền từ thoái vốn khả năng cũng được hấp thụ thông qua thị trường chứng khoán tạo điểm nhấn giúp triển vọng thị trường thêm lạc quan trong dài hạn.

 

Theo nghiên cứu của MBS, với quyết định 1232/2016 của Chính phủ, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ có khoảng 62 DNNN được chuyển giao cho SCIC thực hiện thoái vốn. Một số doanh nghiệp lớn đáng chú ý như Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Licogi,… giá trị ước tính là 355 tỷ đồng.

 

 

MBS cũng cập nhật thêm về tiến trình thoái vốn thuộc các Bộ và UBNN các tỉnh, cụ thể, trong giai đoạn 2017-2020, sẽ tiến hành thoái vốn tại 349 doanh nghiệp trong đó không bao gồm việc thoái vốn tại các công ty nông, lâm nghiệp và các công ty con và công ty liên kết của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa; doanh nghiệp thuộc: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Tổng công ty Bia – Rượu Nước giải khát Hà Nội. Tổng giá trị dự kiến thu về đạt 190 nghìn tỷ đồng.

 

Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải sẽ thoái 65,6% vốn góp tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với giá trị ước tính đạt 115.6 nghìn tỷ đồng. Ngoài ACV, còn có 4 đơn vị khác được thoái vốn tiến đến không nắm giữ cổ phần chi phối như VEAM, IDICO, Vigalacera và TCT Dược Việt Nam.

 

 

 

 

 

Với những dự báo khả quan về thị trường trong trung – dài hạn, ông Sơn cũng đưa ra một số cơ hội đầu tư, trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính (1) nhóm cổ phiếu đầu ngành ngân hàng, BĐS, chứng khoán, VLXD; (2) nhóm cổ phiếu DNNN cổ phần hóa và có câu chuyện thoái vốn Nhà nước; (3) nhóm cổ phiếu Midcap có tốc độ tăng lợi nhuận cao.

NGỌC ĐIỂM


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.