Một báo cáo mới đây của CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) đề cập đến tác động của việc nâng lãi suất từ FED đến TTCK Việt Nam. Theo CTCK này, tỷ giá USD/VND ở mức 23.010, tăng 1,3% và cao nhất từ đầu năm do (i) lo ngại khả năng leo thang mâu thuẫn thương mại Mỹ – Trung, (ii) kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền khác do chính sách nâng dần lãi suất của FED.
Chênh lệch giữa tỷ giá USD/VND tự do và liên ngân hàng tăng lên 0,72%, cao nhất từ ngày 7/2/2017. Tuy mức này chưa đáng lo ngại nhưng cũng cần theo dõi sát. HSC cho rằng, FED có khả năng sẽ nâng lãi suất nhiều lần hơn (dự kiến 4 lần trong năm nay thay vì 3 lần như trước đây).
Cuối năm 2016, khi chênh lệch giữa tỷ giá USD/VND tự do và liên ngân hàng nới rộng, NHNN đã bình ổn thị trường tự do bằng cách bơm thêm USD vào thị trường liên ngân hàng thông qua việc bán khoảng 1,1 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối và hoãn áp dụng thông tư hạn chế vay USD. Các biện pháp can thiệp đã có tác dụng sau vài tuần.
Nhìn vào lịch sử, diễn biến giữa tỷ giá USD/VND tự do có vai trò cảnh báo sớm. Nếu tỷ giá USD/VND tự do tăng, HSC cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chưa can thiệp cho đến khi chênh lệch giữa tỷ giá USD/VND tự do và liên ngân hàng nới rộng lên 1,5-2%.
Mặt khác, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn trụ khá vững từ đầu năm, chỉ tăng 0,59%, đây là mức không cao nếu so với các đồng tiền lớn khác trên thế giới, ở vào 0,5-2% (Đồng Rupiah của Indonesia giảm 4,7% từ đầu năm và giảm 6,25% so với cùng kỳ, đồng Rupia của Ấn Độ giảm 6,35% từ đầu năm và giảm 5,3% so với cùng kỳ…).
Nguyên nhân có sự khác biệt là do các yếu tố kinh tế vĩ mô Việt Nam tốt nhất trong các nền kinh tế mới nổi (tăng trưởng GDP cao, lạm phát vẫn thấp, thặng dư tài khoản vãng lai). Bên cạnh đó, nợ bằng ngoại tệ của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam ở mức vừa phải. Nợ bằng ngoại tệ của Chính phủ và có liên quan đến Chính phủ là khoảng 41,4 tỷ USD, bằng 21,7% GDP tính tại thời điểm cuối năm 2015, phần lớn là nợ ODA, là các khoản vay ưu đãi. Trong khi đó, nợ của khối tư nhân gồm cả DNNN, doanh nghiệp tư nhân và tổ chức tài chính là khoảng 41,2 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, HSC lưu ý đến sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Việt Nam. Lãi suất giữa USD và VND đảo chiều (lãi suất USD kỳ hạn 1 tháng tăng 2,1-2,15%, trong khi lãi VND giảm xuống 1,6-1,85%). Trong khi đó, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu bằng VND kỳ hạn 10 năm và lợi suất trái phiếu bằng USD kỳ hạn 10 năm giảm, từ 3,7% vào cuối năm 2016 xuống 1,83%.
Năm nay, HSC giữ nguyên dự báo tiền đồng giảm giá 2% so với USD. Tuy nhiên, dự báo của HSC dựa trên giả định chỉ số đô la ICE dao động 94-97 vào cuối năm nay. Nếu chỉ số này tăng trên 97, khi đó NHNN có thể phải chủ động hơn để bảo vệ tiền đồng. Bằng cách bơm thêm USD vào hệ thống liên ngân hàng hoặc có thể là yêu cầu điều chỉnh tăng lãi suất ngắn hạn.
HSC cho rằng, TTCK chịu tác động gián tiếp bởi diễn biến tỷ giá nhưng chỉ trong hiện tại. Những biến động về tỷ giá không đủ để ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý NĐT trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên thị trường vẫn chịu tác động do lo ngại về căng thẳng chiến tranh thương mại dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, HSC cũng lưu ý, tỷ giá USD/VND tăng ít hơn 2% sẽ chưa cần phải lo ngại. Chỉ khi tỷ giá tăng hơn 2% trong 1 năm nhất định, dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng. Mặc dù, lo ngại của thị trường đã tăng lên trong những tuần gầy đây, HSC cho rằng đây chưa phải là trở ngại lớn của thị trường trong hiện tại.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.