Đại diện Ngân hàng nhà nước (NHNN) mới đây cho biết cơ quan này hiện để ngỏ khả năng xem xét lại mức lãi suất điều hành theo hướng “tiếp tục duy trì như hiện nay hay giảm lãi suất trong điều kiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được đảm bảo như lạm phát, tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng”. Có thể thấy trong bối cảnh lãi suất toàn cầu có nhiều biến động, bất ổn địa chính trị gia tăng, NHNN dường như đang chờ thêm các tín hiệu để ra quyết sách phù hợp.
ĐIỂM TIN KINH TẾ – TÀI CHÍNH
1. Tin Quốc tế
Chờ đón nhiều dữ liệu kinh tế quốc tế quan trọng
Tuần này, hàng loạt dữ liệu kinh tế quan trọng sẽ được công bố, bao gồm dữ liệu lạm phát của châu Âu và Úc, số liệu GDP của Mỹ và chỉ số PMI từ Trung Quốc. Đặc biệt, BoJ sẽ công bố quyết định lãi suất vào ngày 31/10, dù không có kỳ vọng thay đổi lớn trong chính sách. Bên cạnh đó, biến động của đồng nhân dân tệ là một điểm đáng chú ý, khi áp lực bán mạnh đang đẩy đồng tiền này xuống mức giảm khoảng 1.9% trong tháng 10, sau khi dữ liệu cho thấy lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc giảm mạnh 27.1% trong tháng 9.
Ngân hàng Trung ương Nga (NHTW Nga) tăng mạnh lãi suất
Ngân hàng Trung ương Nga (NHTW Nga) hôm 25/10 đã quyết định tăng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản lên 21%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2003 tăng lãi suất để ứng phó với sự gia tăng của lạm phát và rủi ro lạm phát. Thống đốc NHTW Nga Elvira Nabiullina cho biết: lần tăng lãi suất này không giống với năm 2022 khi NHTW Nga cũng tăng mạnh lãi suất lên 20% để ngăn chặn dòng tiền chảy ra khỏi các ngân hàng, … Và khi nhiệm vụ ổn định tài chính hoàn thành, NHTW Nga đã nhanh chóng giảm lãi suất xuống 7.5%, để hỗ trợ nền kinh tế.
2. Tin Trong nước
Nguồn huy động củng cố tăng trưởng tín dụng
Việc huy động vốn từ dân cư của các nhà băng đạt con số kỷ lục là điều không bất ngờ. Các số liệu này cũng nối tiếp bức tranh tiền gửi vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng cao trong 2 năm qua cho thấy kênh tiết kiệm vẫn vượt qua các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… Vì dù các kênh này có thể mang lại khả năng sinh lời cao nhưng rủi ro cũng lớn. Do vậy, các nhà đầu tư vẫn lựa chọn kênh gửi tiết kiệm vì quyền lợi của họ luôn được bảo đảm, khả năng sinh lời cũng tương đối khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã tăng trở lại. Chưa kể nhà đầu tư còn có thể gửi tiết kiệm online ngay trên ứng dụng của các nhà băng với lãi suất còn cao hơn gửi tại quầy kèm nhiều ưu đãi khác. Không chỉ vậy, cũng có rất nhiều sản phẩm tiền gửi được các ngân hàng thiết kế tùy theo khẩu vị đầu tư của từng nhóm khách hàng. Điều này giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn đối với khả năng sinh lời từ tiền nhàn rỗi của mình. Đây là những yếu tố giúp tiết kiệm là kênh đầu tư sáng giá trong bối cảnh hiện tại.
Giai đoạn cuối năm là thời điểm nhu cầu về vốn của doanh nghiệp sẽ tăng cao để mở rộng sản xuất, kinh doanh phục vụ dịp Tết. Việc huy động vốn tốt hỗ trợ tích cực thanh khoản của các ngân hàng, giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để cho vay. Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng là 9%, điều này cho thấy các ngân hàng đang làm rất tốt nhiệm vụ trung gian luân chuyển vốn trong nền kinh tế. Thậm chí, thời điểm này mức độ tăng trưởng tín dụng còn lớn hơn mức độ tăng của huy động vốn.
Mặt khác, việc huy động vốn tốt cũng giúp các TCTD thuận lợi hơn cho việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Từ đó, góp phần tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giữ ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Rào cản tín dụng cuối năm
Tín dụng ngân hàng đang được đẩy ra nhiều hơn trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn nhu cầu sử dụng vốn cao hơn. Tuy nhiên, nguồn cung tăng cũng chưa đủ đảm bảo những rủi ro về phía cầu.
Theo đánh giá chung từ phía NHNN trong cuộc họp báo gần nhất, mức tăng trưởng vẫn chưa đồng đều, có tổ chức tín dụng tăng sát chỉ tiêu được thông báo, nhưng cũng có bên tăng trưởng âm.
Nhìn chung, các ngân hàng đang chịu áp lực từ đầu vào (chi phí vốn) và áp lực đầu ra khi tìm khách hàng cho vay và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng cuối năm (cung ứng vốn để tăng trưởng GDP chứ không chỉ là mục tiêu tín dụng), đồng thời phải đảm bảo chất lượng tín dụng và các quy định cơ cấu nợ xấu sắp hết hiệu lực. Chính sách tiền tệ dường như đang phải bù đắp cho chính sách tài khóa, khi giải ngân vốn đầu tư công chưa đủ mục tiêu.
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
1. Thị trường tiền tệ liên ngân hàng
Lãi suất VND: lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 25/10, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 3.92% (+1.19%); 1 tuần 4.03% (+1.07%); 2 tuần 4.22% (+0.98%); 1 tháng 4.30% (+0.63%) so với tuần trước đó.
Lãi suất USD: ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 25/10, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4.83%; 1 tuần 4.88%; 2 tuần 4.92% và 1 tháng 4.94%.
Thời hạn |
Kết tuần 2 tháng 10 (11/10/24) | Kết tuần 3 tháng 10 (18/10/24) | Kết tuần 4 tháng 10 (25/10/24) | Biến động |
Qua đêm |
3.22 | 2.73 | 3.29 | +1.19 |
1 tuần | 3.45 | 2.96 | 4.03 |
+1.07 |
2 tuần | 3.62 | 3.24 | 4.22 |
+0.98 |
1 tháng | 3.90 | 3.67 | 4.30 |
+0.63 |
Bảng: Lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng
Nguồn: Website Ngân hàng Nhà Nước
Dự báo thị trường tiền tệ
- Thanh khoản của hệ thống ngân hàng là yếu tố quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ yếu tố này trước khi có quyết định cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá có thể tăng cao hơn nếu NHNN giảm lãi suất điều hành, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Một trong những giải pháp giúp cải thiện thanh khoản thời gian tới có thể đến từ hành động mua ngoại tệ trở lại của nhà điều hành. Với lượng kiều hối và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân cao điểm rơi vào các tháng cuối năm và đầu năm kế tiếp, nhà điều hành sẽ quan sát thời điểm thích hợp để hành động.
- Ngoài ra, nếu bất ổn địa chính trị trở nên phức tạp hơn, dòng vốn đầu tư quốc tế có thể lại bị ảnh hưởng, khi đó NHNN buộc phải thận trọng hơn trong việc điều chỉnh lãi suất điều hành để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Bởi những yếu tố đó mà lãi suất điều hành khó giảm thêm trong thời gian tới.
2. Thị trường Trái phiếu chính phủ
Trên thị trường sơ cấp: Ngày 23/10, Kho bạc nhà nước đấu thầu thành 7,565 tỷ đồng/10,500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 72%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 1,500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được 5,620 tỷ đồng/6,000 tỷ đồng gọi thầu và 30 năm huy động được 445 tỷ đồng/1,000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 15 năm không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở tất cả các kỳ hạn đều không thay đổi so với phiên đấu thầu trước, cụ thể kỳ hạn 5 năm là 1.89%; 10 năm là 2.66%và 30 năm là 3.10% so với phiên đấu thầu trước.
Trên thị trường thứ cấp: Giá trị giao dịch Outright và Repos đạt trung bình trung bình 14,089 tỷ đồng/phiên, tăng khá so với mức 11,203 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua tăng ở các kỳ hạn 5 năm-15 năm trong khi giảm ở kỳ hạn 30 năm và đi ngang ở các kỳ hạn còn lại. Chốt phiên 25/10, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1.85% (không đổi); 2 năm 1.86% (không đổi); 3 năm 1.88% (không đổi); 5 năm 1.91% (+0.01%); 7 năm 2.20% (+0.04%); 10 năm 2.70% (+0.03%); 15 năm 2.89% (+0.03%); 30 năm 3.16% (-0.002%) so với phiên cuối tuần trước.
Kỳ hạn |
Lãi suất trúng thầu TPCP ngày 23/10 (KBNN) |
5 năm |
1.89% (không đổi) |
10 năm |
2.66% (không đổi) |
30 năm |
3.10% (không đổi) |
Kỳ hạn |
Khối lượng gọi thầu KBNN ngày 30/10 (tỷ VND) |
5 năm |
3,000 |
10 năm |
6,000 |
15 năm |
1,000 |
30 năm |
1,000 |
Bảng: Kết quả trúng thầu và khối lượng gọi thầu trên thị trường sơ cấp
Dự báo thị trường TPCP
- Tuần qua, tỷ lệ trúng thầu trên thị trường sơ cấp duy trì mức ổn định kèm lãi suất trúng thầu không đổi ở các kỳ hạn.
- Thị trường thứ cấp ghi nhận giá trị giao dịch tăng khá so với tuần trước đó đi kèm mức lợi suất tăng chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn và không đổi ở kỳ hạn dài.
- Mặt bằng lãi suất TPCP ổn định ở mức thấp có thể tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất nói chung và tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất.
3. Thị trường mở
Thị trường ngày 11-18/10, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 17,000 tỷ đồng, lãi suất giữ nguyên ở mức 4.0%. Có 13,014.57 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN 2 kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Kỳ hạn 14 ngày có 13,400 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất biến động từ 3.74% xuống 3.6%, phiên cuối tuần ở mức 3.7%; kỳ hạn 28 ngày có 41,250 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 4 phiên đầu tuần ở mức 4.0%, phiên cuối tuần giảm xuống mức 3.99%.
Như vậy, NHNN hút ròng 41,635,43 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 13,014.57 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 66,950 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
4. Thị trường ngoại hối
Trong tuần qua, tỷ giá biến động mạnh.
- Tỷ giá trung tâm được NHNN tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên, chỉ giảm nhẹ phiên cuối tuần. Chốt ngày 25/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24,255 VND/USD, tăng 42 đồng so với phiên cuối tuần trước đó..
- Tỷ giá VND/USD liên ngân hàng tăng mạnh ở 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại sau đó. Kết thúc phiên 25/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25,376, tăng 216 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
- Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng mạnh tuần qua. Chốt phiên 25/10, tỷ giá tự do tăng 440 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25,700 VND/USD và 25,800 VND/USD.
Tỷ giá ngày 21/10/2024 | Tỷ giá ngày 28/10/2024 | ||||
Ngoại tệ |
Mua | Bán | Mua | Bán | Biến động |
USD |
23,400 | 25,389 | 23,400 | 25,450 | 61 |
EUR |
25,011 | 27,644 | 24,877 | 27,495 | -149 |
JPY |
154 | 170 | 150 | 166 |
-4 |
GBP | 30,031 | 33,192 | 29,858 | 33,001 |
-191 |
CHF | 26,604 | 29,405 | 26,517 | 29,308 |
-97 |
AUD | 15,444 | 17,070 | 15,221 | 16,823 |
-247 |
CAD | 16,671 | 18,426 | 16,580 | 18,326 |
-100 |
Bảng: Tỷ giá giao dịch tham khảo tại Sở giao dịch NHNN
Nguồn: Website NHNN
Dự báo thị trường ngoại hối
- Hiện nay, vẫn còn thách thức cho chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm 2024, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang nhiều biến động khi xung đột địa chính trị, cộng thêm kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ nới lỏng đẩy giá đồng USD tăng. Đồng USD bật tăng mạnh đã khiến tỷ giá của Việt Nam tăng trong những ngày qua.
- Dù tỷ giá tăng nhanh trong những ngày qua, và có thể tăng nhẹ từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, việc FED và các NHTW lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, dòng kiều hối, xuất khẩu và giải ngân FDI tăng mạnh là những yếu tố duy trì sự ổn định tỷ giá.
- Trước áp lực tỷ giá gia tăng, từ cuối tuần trước NHNN đã thực hiện phát hành tín phiếu hút tiền về điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng, giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Quyền miễn trừ trách nhiệm
Tất cả những thông tin nêu trong báo cáo phân tích đều đã được thu thập, đánh giá với mức cẩn trọng tối đa có thể. Tuy nhiên. do các nguyên nhân chủ quan và khách quan từ các nguồn thông tin công bố. nhóm thực hiện báo cáo là Phòng Nguồn vốn và Đầu tư – Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình – không đảm bảo về tính xác thực của các thông tin được đề cập trong báo cáo phân tích cũng như không có nghĩa vụ phải cập nhật những thông tin trong báo cáo sau thời điểm báo cáo này được phát hành.
ABS cung cấp trọn bộ tài liệu hỗ trợ đầu tư, bao gồm báo cáo cổ phiếu, báo cáo triển vọng ngành, khuyến nghị đầu tư, bản tin thị trường định kỳ,…được nghiên cứu và phân tích toàn diện và chuyên sâu, cập nhật tức thời và thường xuyên. Xem thêm bộ tài liệu đầu tư này tại đây.