Chia sẻ:

“Tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng”

Ngày 20/7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập. Ngày 28/7/2000 là phiên giao dịch đầu tiên của thị trường. Đên nay, thị trường đã tròn 17 tuổi với giá trị vốn hóa toàn thị trường là gần 1,9 triệu tỷ đồng.

 

Bên cạnh sự tham gia của nhà đầu tư trong nước thì khối nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đầu tư vào TTCK Việt. Tuy nhiên, với quy mô còn khiêm tốn cùng với những hạn chế về nhiều mặt như pháp lý, công bố thông tin khiến cho khối nhà đầu tư này vẫn chưa đẩy mạnh đầu tư vào thị trường.

 

Nhân dịp này, BizLIVE có buổi trò chuyện với ông Christopher Bertram Brinkeborn Beselin, Thành viên sáng lập Endurance Capital.

 

Xin ông cho biết ông đã tham gia thị trường chứng khoán Việt bao lâu rồi?

 

Tôi tới Việt Nam khoảng 6 năm về trước. Thời gian đầu tôi tham gia xây dựng sàn thương mại điện tử Lazada. Khoảng 3 năm trở lại đây tôi thấy cơ hội tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt và bắt đầu tham gia vào.

 

Quan sát của ông thì thị trường hiện có sự biến chuyển ra sao so với thời gian trước khi ông mới tham gia?

 

Thời điểm đó trên thị trường, giá trị các công ty bị đánh giá rất thấp. Nhiều công ty họ không truyền thông tốt nên nhà đầu tư không hiểu hết được hoạt động, giá trị của công ty. Khi đó hành lang pháp lý liên quan tới thị trường cũng chưa được chú trọng, đặc biệt là về tỷ lệ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

 

Hiện tại những quy định được gỡ bỏ dần dần nên thị trường Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của NĐTNN, thúc đẩy giá trị giao dịch được cải thiện.

 

Hay gần đây là việc triển khai chứng khoán phái sinh được nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên thực sự với NĐTNN họ chưa hứng thú lắm với sản phẩm này vì thị trường Việt còn mới mẻ. Nhưng vấn đề quan trọng là có những dấu hiệu chứng tỏ cho thấy thị trường Việt Nam đang có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn.

 

Và theo tôi việc được mua bán trong ngày hiện được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn.

 

Đánh giá của ông về việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng?

 

Tôi không quá bất ngờ khi thị trường Việt Nam không được nâng hạng. Thứ nhất, TTCK Việt Nam cần có thêm thời gian để hoàn thiện. Chẳng hạn như về tỷ lệ giới hạn sở hữu của NĐTNN, hiện tại rất ít công ty có mở rộng room lên 100%.

 

Họ chuộng đầu tư cổ phiếu ngành nào?

 

Đó là những cổ phiếu hàng tiêu dùng, những công ty có thương hiệu mạnh ở Việt Nam bởi nó dễ dàng cho nhà đầu tư nước ngoài có thể hiểu được về công ty, họ có thế mạnh cạnh tranh nhất định như Vinamilk, Sabeco…

 

NĐTNN cũng đánh giá cao hoạt động thoái bớt vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước để nhà đầu tư có thể tham gia vào. Khi họ tham gia vào các doanh nghiệp này thì có thể đưa người vào hội đồng quản trị qua đó giúp công ty quản trị, hoạt động tốt hơn.

 

Nhà đầu tư nước ngoài họ đánh giá ra sao về sự hấp dẫn của TTCK Việt hiện nay so với một số nước trong khu vực?

 

Nếu so sánh với các nước khác trong khu vực như Indonesia, Philippines… có P/E hiện đang ở 20 lần thì hiện TTCK Việt đang là 16 lần. NĐTNN họ thấy TTCK Việt Nam rất hấp dẫn, định giá công ty, thị trường còn thấp so với nước khác. Nhìn vào kinh tế vĩ mô, tăng tưởng GDP, tình hình chính trị ổn định hơn so với các nước trong khu vực.

 

Tôi rất lạc quan với TTCK Việt Nam và cho rằng nguồn tiền đổ vào TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Nguồn tiền của NĐTNN đổ vào Việt Nam trong quý II/2017 cho thấy cao hơn các thị trường khác trong khu vực mặc dù TTCK Indonesia, Philippines lớn gấp 3-5 lần thị trường Việt.

 

Tuy nhiên, thị trường cũng đứng trước những thử thách. Nguồn tiền đổ vào thị trường cao theo đó đòi hỏi yêu cầu cao hơn với thị trường, chẳng hạn như tôi đã đề cập về tỷ lệ sở hữu của NĐTNN cần được cải thiện.

 

Xin cảm ơn ông!

HUYỀN TRÂM


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.