Chia sẻ:

‘Thời’ của cổ phiếu ngân hàng

Kể từ sau Tết nguyên đán 2018, thị trường chứng khoán bắt đầu khởi sắc trở lại sau giai đoạn rung lắc mạnh vì ảnh hưởng từ TTCK thế giới. Chỉ tính từ 21/02 (ngày giao dịch đầu tiên năm Mậu Tuất), chỉ số VN-Index đã tăng 3% và dừng ở mức 1.119,6 điểm kết phiên 27/02.

 

Đóng góp vào sức tăng chung của thị trường không thể bỏ qua nhóm cổ phiếu ngân hàng – ngành đang cho thấy sức hấp dẫn lớn trong thời gian qua.

 

Tương quan mức tăng một số cổ phiếu ngân hàng

 

 

Từ 21/02, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh về thị giá và khối lượng giao dịch, trong đó đáng chú ý nhất là các mã CTG, VPB, VCB…

 

Từ phiên khởi đầu năm Mậu Tuất, thanh khoản cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HOSE: CTG) bất ngờ tăng mạnh, với khối lượng giao dịch trên 10 triệu cp/phiên, giá trị đạt trên 300 tỷ mỗi phiên.

 

Tính trung bình trong 5 phiên trở lại đây, thanh khoản của CTG ở mức 15,3 triệu cp/ phiên với giá trị giao dịch trung bình gần 456 tỷ đồng. Trong khi đó, năm Đinh Dậu, khối lượng giao dịch trung bình chỉ đạt 2,4 triệu cp phiên, với đỉnh điểm phiên cao nhất là 12,6 triệu cp (25/01/2018).

 

Cùng với thanh khoản, thị giá cổ phiếu CTG cũng liên tục tăng giá. Tới kết phiên 27/01, cổ phiếu CTG có giá 32.100 đồng/cp, tăng 18% so với phiên ngày 21/12 và tăng 29% từ đầu năm 2018.

 

Giá trị giao dịch của CTG trong hơn 1 tuần nay

 

 

Không riêng CTG, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) cũng có những phiên tăng điểm ấn tượng. Trên thị trường, VCB đang có 5 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 1 phiên tăng trần, tăng 33% từ đầu 2018. Khối lượng giao dịch trung bình đạt gần 2,5 triệu cp/phiên.

 

Bên cạnh đó, một loạt các cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh từ đàu năm như VPB (tăng 36%), BID (tăng 41%), MBB (tăng 26%), ACB (tăng 20%)…

 

Trong phiên 27/02, toàn bộ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở thành trụ đỡ chính cho chỉ số khi đồng loạt tăng mạnh giúp duy trì sắc xanh của VN-Index và HNX-Index.

 

Thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng kết phiên 27/02

 

 

‘Thuyền trưởng’ của thị trường năm 2018

 

Sự tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua đến từ những thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh năm 2017 và những triển vọng tích cực của 2018. Bên cạnh đó, một số thông tin về việc tăng vốn thông qua chào bán cổ phần cho NĐT nước ngoài cũng là yếu tố tích cực tác động đến thị trường. Các CTCK và chuyên gia nhận định ngân hàng sẽ là ngành dẫn dắt thị trường trong năm 2018.

 

Theo báo cáo hệ thống tài chính năm 2017 của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), lợi nhuận sau thuế của các tổ chức tín dụng ước tăng 44,5% so với năm 2016. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE cao hơn năm trước, ước đạt 0,69% và 10,2% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%).

 

Nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Viettinbank, BIDV, đều báo lãi kỷ lục. Vietcombank chính thức “cán đích” dẫn đầu hệ thống với lợi nhuận trước thuế lên tới 11.018 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng đầy đủ. VietinBank có mức lãi trước thuế cũng lên tới 9.200 tỷ đồng. BIDV khả quan không kém vượt lên chính mình so với năm trước tăng thêm hơn ngàn tỷ đưa lợi nhuận 2017 lên mức 8.800 tỷ đồng.

 

Năm 2018, theo dự báo một số CTCK và các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng 20 – 33%, một số ý kiến cho rằng con số này có thể lên tới trên 40%.

 

 

Điều này có được dựa trên một số yếu tố. Thứ nhất, nguồn thu nhập các ngân hàng bắt đầu có sự đóng góp đáng kể hơn từ hoạt động dịch vụ và ngoại hối nhờ mở rộng danh mục sản phẩm và sự khởi sắc của kinh tế vĩ mô.

 

Thứ hai, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 vẫn giữ ở mức cao (~17%) đồng thời NIM có thể cải thiện nhẹ do các ngân hàng chủ động dịch chuyển cơ cấu tín dụng theo hướng đẩy mạnh tăng trưởng bán lẻ, trong đó lĩnh vực cho vay tiêu dùng là mảng tiềm năng còn nhiều dư địa.

 

Đối với lĩnh vực phi tín dụng, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) – SSI Research nhận định việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào thu nhập từ phí của các nhà băng

 

Mặt khác, chi phí dự phòng rủi ro (DPRR) dự báo giảm mạnh ở một số ngân hàng đã hoàn thành nghĩa vụ trích lập DPRR trái phiếu đặc biệt là những yếu tố thúc đẩy kết quả lợi nhuận.

 

Cuối cùng, theo CTCK VDSC, năm 2018 có thể là thời điểm ghi nhận kết quả vượt trội về thu hồi nợ xấu nhờ sự ra đời của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, giải quyết gần như toàn diện các vấn đề các TCTD gặp phải trong quá trình xử lý nợ cũng như thu hồi tài sản đảm bảo.

 

Do đó, VDSC cho rằng các khoản nợ xấu trước đây khó thu hồi do vướng mắc về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, nợ xấu có tài sản đảm bảo là BĐS, quyền sử dụng đất, quyền phát sinh tài sản, hoặc vướng mắc về giá sẽ là những khoản nợ có khả năng thu hồi cao nhất.

 

Trong cơ cấu tài sản đảm bảo của VAMC, tài sản đảm bảo là BĐS và quyền phát sinh tài sản chiếm khoảng 70%. Theo kế hoạch, VAMC sẽ xử lý khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng số nợ xấu tổ chức này xử lý được đến cuối năm 2018 lên khoảng 140.000 tỷ đồng.

 

Trong năm nay, làn sóng niêm yết và tăng vốn của các tổ chức tín dụng tiếp tục diễn ra. 2018 là hạn chót cho việc chuẩn bị thí điểm tiêu chuẩn Basel II tại 14 nhà băng bao gồm BID, CTG, VCB, TCB, ACB, VPB, MBB, Maritime Bank, STB và VIB. Do đó, các ngân hàng này ước tính sẽ cần huy động khoảng hơn 3 tỷ USD.

 

Vừa qua, một số ngân hàng đã có thông tin chào bán cổ phần cho NĐT nước ngoài để tăng vốn.

 

 

Vietcombank dự kiến sẽ chào bán 10% vốn cho tổ chức nước ngoài trong 6 tháng đầu 2018. Lượng cổ phiếu trên sẽ được phát hành riêng lẻ hoặc được đấu giá công khai cho một lượng nhà đầu tư nước ngoài giới hạn. Quỹ Singapore GIC là một trong những nhà đầu tư tiềm năng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Vietcombank với 15% cổ phần – sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ này ở Vietcombank.

 

Tại BIDV, theo CTCK HSC, nhà băng này đã có phương án bán vốn cổ phần cho đối tác và hiện đang chuẩn bị tài liệu để nhận được phê duyệt chính thức. Đây sẽ là phương án phát hành vốn cấp 1 do không giống như các ngân hàng khác, BID không thể tăng vốn cấp 2 hơn nữa. HSC dự báo quy mô tăng vốn là khoảng 15% vốn mới.

 

Với Vietinbank, Thủ tưởng Chính phủ cho biết, một số tổ chức nước ngoài đang ngỏ ý muốn mua tiếp cổ phần của ngân hàng này.

TRÂM ANH


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.