Vì đâu Bộ Xây dựng gặp khó khi thoái vốn Viglacera?
Bộ Xây dựng vừa qua thông báo thực hiện thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (HNX: VGC) xuống 36% trong thời gian từ 27/6 đến 21/7. Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ bán khớp lệnh trên thị trường gần 80,6 triệu cổ phiếu, tương đương 17,97% vốn. Giá bán cổ phần phải là giá trần của ngày giao dịch nhưng không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán và không thấp hơn 26.100 đồng/cp trước ngày công bố thông tin.
Chia sẻ tại buổi roadshow thông tin về việc thoái vốn khỏi Viglacera, đại diện của Bộ Xây dựng cho biết đã tính toán kỹ khi lên phương án và kỳ vọng lượng vốn chào bán sẽ được nhà đầu tư khớp mua trong thời gian ngắn nhất có thể, tương tự như trường hợp thoái vốn tại Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG). Vào cuối năm 2017, Bộ Xây dựng đã bán toàn bộ 118 triệu cp DIG chỉ trong một phiên giao dịch tại mức giá trần của phiên giao dịch 19.250 đồng/cp.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường tiêu cực trong thời gian gần đây đã làm khó công cuộc thoái vốn khỏi Viglacera của Bộ Xây dựng. Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tuần qua, lãnh đạo Viglacera cho biết ngày 28/6 vừa qua là cơ hội để Bộ Xây dựng thoái vốn nhưng áp lực bán tăng quá mạnh nên đã không thể thực hiện được. Hệ lụy của điều này là Tổng công ty không trình việc cơ cấu lại nhân sự tại đại hội. Đồng thời, nếu ngày 21/7 việc chào bán không thành công thì Tổng công ty sẽ báo cáo lại và xin gia hạn thêm 60 ngày.
Theo chuyên gia của CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS), diễn biến thị trường tiêu cực khiến cho nhà đầu tư ngay khi có cơ hội kiếm lời thì lập tức chốt mà không dám nắm giữ dài lâu. Đó là lý do chính cho việc khi cổ phiếu VGC chốt phiên ngày 27/6 ở mức 23.800 đồng/cp, hội đủ điều kiện để Bộ Xây dựng có thể thoái vốn khỏi Viglacera tại mức giá trần 26.180 đồng vào phiên 28/6 thì nhiều nhà đầu tư đã canh chốt lời từ sớm. Khối lượng dư bán VGC phiên 28/6 lên đến 75 triệu đơn vị dù Bộ Xây dựng chưa kịp đặt lệnh bán.
Mặt khác, hiện tượng nhiều cổ phiếu cơ bản tốt, doanh nghiệp đầu ngành sau khi Nhà nước thoái vốn xong bất ngờ lao dốc mạnh như Sabeco, Nhựa Bình Minh cũng khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ chùn chân trong việc nắm giữ cổ phiếu lâu dài.
Diễn biến thị trường trong những phiên gần đây tiếp tục tiêu cực, VN-Index có phiên phục hồi nhưng thanh khoản vẫn yếu ớt. Trong bối cảnh này, nếu cổ phiếu VGC không thoát khỏi vùng giá quanh mốc 20.000 đồng/cp và lượng cung 75 triệu cp không được giải quyết thì công cuộc thoái vốn của Bộ Xây dựng dần có nguy cơ thất bại.
Khả năng không hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm
Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020, nhiệm vụ thoái vốn của các bộ, ngành vẫn còn rất nặng nề trong nửa cuối năm.
Danh sách thoái vốn của Bộ Xây dựng ngoài DIG, VGC, Bạch Đằng còn hàng loạt cái tên khác như Hancorp, Viwaseen, Coma, Lalima; ngoài ra còn các đơn vị chưa thực hiện được năm 2017 chuyển sang. Bộ Công Thương phải thoái vốn Petrolimex, Vinaincon, MIE, Vinatex, VNSteel, Habeco; Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) phải thoái vốn tại 121 đơn vị, trong đó có các cái tên quen thuộc như Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Y tế Domesco (DMC), Vinaconex (VCG)…
Để hấp thụ được lượng cổ phiếu lớn từ thoái vốn Nhà nước, thị trường chứng khoán cần phải tăng trưởng bền vững, qua đó thu hút dòng tiền đổ vào. Nhưng với diễn biến giảm mạnh nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia cũng như thành viên thị trường thì công cuộc thoái vốn Nhà nước đang thực sự gặp thách thức lớn.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với địa phương chiều 2/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, khó có khả năng đạt được kế hoạch đề ra năm 2018. 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 8 doanh nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa dù theo kế hoạch, cả năm phải có ít nhất 85 doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn với giá trị doanh nghiệp là 29,4 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn nhà nước là 15,2 nghìn tỷ đồng).
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.