Chia sẻ:

Thỏa thuận khủng ngoài sàn

Chuyển nhượng hàng hot

 

Vào ngày 9/1, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu hơn 154 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB).

 

Theo đó, bên chuyển nhượng là Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hong Kong) Limited. Standard Chartered Bank đã trở thành cổ đông chiến lược của ACB từ tháng 7-2005 khi NHNN cho phép ACB bán tối đa 10% cho ngân hàng Anh quốc này. Đến 2008, Standard Chartered Bank mua thêm 6,16% cổ phần và 7,1% trái phiếu chuyển đổi của ACB, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 15% cổ phần và 15,86% trái phiếu chuyển đổi, trong đó có phần bán của IFC .

 

Như vậy, sau 12 năm gắn bó với nhà băng này, Standard Chartered chính thức rút lui khỏi ACB. Trước đó, ông Andrew Colin Vallis – đại diện phần vốn góp của Standard Chartered cũng rời vị trí thành viên HĐQT ACB hồi tháng 11.

 

Bên nhận chuyển nhượng là Estes Investments Limited (51,3 triệu cp); Sather Gate Investments Limited (51,3 triệu cp); Whistler Investments Limited (51,3 triệu cp) và Boardwalk South Limited (154.100 cp).

 

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ACB cũng có mức tăng khá ấn tượng trong 1 năm qua từ vùng giá 21.000 đồng/cp lên khoảng 40.000 đồng/cp như hiện nay.

 

Sau đó vài ngày, cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cũng có giao dịch sang tay 1 triệu cp. Bên chuyển nhượng là Dempsey Hill Asia Fund. Bên nhận chuyển nhượng gồm 4 tổ chức là Vietnam Holding Limited (500.000cp), còn lại là nhóm Morgan Stanley và Emerging Markets Portfolio.

 

Cũng giống như ACB, cổ phiếu MWG sắp có 1 cuộc “chia tay” khi Quỹ đầu tư Mekong Capital đăng ký bán toàn bộ 5 triệu cp từ 9/1 đến 7/2. Nếu thành công, Mekong Capital sẽ hoàn tất thoái vốn tại MWG sau chục năm đầu tư, kể từ khi MWG mới thành lập.

 

Cổ phiếu MWG đã tăng 42% trong nửa năm trở lại đây và lập đỉnh lịch sử ở mức 137.500 đồng/cp. Phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu đứng ở mức giá 130.200 đồng/cp.

 

 

Giao dịch cân bằng trên sàn chứng khoán

 

Ở chiều mua, điểm nhấn là nhóm quỹ Korea Investment Management đã trở thành cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) vào ngày 5/1.

 

Cụ thể, KIM Vietnam Growth Equity Fund đã mua vào 600.000 cp NKG tăng sở hữu lên hơn 4,8 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 3,72%. Qua đó, cả nhóm quỹ đến từ Hàn Quốc này đã tăng tỷ lệ sở hữu tại NKG từ 4,66% lên 5,12%, tương ứng với 6,66 triệu cp và trở thành cổ đông lớn.

 

Không chỉ tăng sở hữu NKG, nhóm quỹ Hàn Quốc này cũng liên tiếp mua vào cổ phiếu SMC để trở thành cổ đông lớn và mới đây nhất đã sở hữu gần 3 triệu cp SMC, tương ứng tỷ lệ 7,02%.

 

Cũng ở chiều mua, Quỹ đầu tư Cân Bằng Bản Việt đã mua thêm 50.000 cp HSG để tăng sở hữu lên 150.000 cp từ 11/12/2017 đến 8/1. America LLC vẫn theo đuổi chiến lược mua bán nhỏ lẻ khi vừa mua thêm các cổ phiếu IDV, HMH và NET từ ngày 3/1 đến 5/1.

 

Ở bên bán, nhóm Dragon Capital đã thực hiện thoái 565.000 cp Tổng Công ty Viglacera – CTCP (HNX: VGC) vào hôm 9/1. Trong đó 4 quỹ đã bán ra là Amersham Industries Limited, Norges Bank, Idris Ltd và Auriga SPC Ltd. Như vậy, tổng nhóm NĐT này còn sở hữu 68,3 triệu cp VGC, tỷ lệ 15,94%.

 

Không chỉ nhóm Dragon bán ra, trước đó nhóm quỹ Vinacapital cũng thoái vốn tại VGC. Theo thông báo trước đó, VOF Investment Limited đã bán ra 707.000 cp dẫn đến cả nhóm NĐT này chỉ còn sở hữu 20,66 triệu cp, tương ứng với 4,84% và không còn là cổ đông lớn tại VGC.

 

Bên cạnh đó, Utilico Emerging Markets Limited đã bán 498.510 cp CNG từ 19/12-20/12, giảm tỷ lệ sở hữu về 7,75%, tương ứng gần 2,1 triệu cp. Trong khi đó, Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank đã bán được 313.235 cp PVD, giảm sở hữu còn 100.662 cp. Cuối cùng Vietnam Holding Ltd bán thành công 20.410 cp NAF vào hôm 8/1 và hiện còn sở hữu gần 2,4 triệu cp, tỷ lệ 7,96%.

HUY LÊ


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.