Vùng điểm mà VDSC dự báo đối với VN-Index tháng này là 633 – 679 và đối với HNIndex là 83-89.
Trong tháng Sáu, Brexit cuối cùng đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, không hề có một cuộc tháo chạy và sự hoảng loạn nhanh chóng được thay thế bằng sự phấn khích và tâm lý bắt đáy. Trong tháng Sáu, thanh khoản trung bình trên hai sàn tăng 17,2% so với tháng Năm nhưng giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ xấp xỉ 1/3 tháng trước, khoảng 280 tỷ đồng.
VDSC ước tính, trung bình cả tháng Sáu, NĐTNN chỉ đóng góp trên dưới 7% GTGD hằng ngày trên TTCK. Khoảng cách này cũng cho thấy sự tương phản về tâm lý giữa khối nội và khối ngoại. Trong khi chỉ số chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ, VN-Index đóng cửa tăng 2,2% và HNIndex tăng 3,4% trong tháng Sáu.
TTCK sôi động là vậy nhưng cục diện kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện tại theo VDSC đánh giá là “trong ấm, ngoài lạnh”. Brexit không tác động một cách trực tiếp nhưng khó có thể nói ảnh hưởng của nó đến Việt Nam là không đáng kể.
Trên TTCK, sự dồi dào về thanh khoản gần đây đã đưa VN-Index vượt mức đỉnh lịch sử 640 điểm trong những ngày đầu tháng Bảy. Trong đó, tín dụng cho kênh BĐS và cho vay SXKD có phần chậm lại là những nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, so với cùng kỳ năm ngoái, dòng tiền cũng không có sự chi phối mạnh mẽ bởi các cơ hội đầu tư khác (mua cổ phần thoái vốn từ SCIC, bất động sản,…).
Nhưng “nước nâng thuyền thì cũng có thể lật thuyền”, dòng tiền có thể nâng chỉ số cũng có thể nhấn chìm chỉ số khi nó rút đi. Theo quan sát của VDSC, sự sôi nổi của giao dịch có thể vẫn được duy trì trong tháng Bảy nhưng sau đó, nhu cầu vốn lưu động tăng lên từ tháng Tám có thể hút lượng vốn nhàn rỗi về khu vực sản xuất.
Tính đến hết Q2, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 1/3 mục tiêu của NHNN và thường thì các tháng cuối năm mới là cao điểm tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, rủi ro lạm phát có thể buộc NHNN thận trọng hơn trong việc điều tiết cung tiền trong 6 tháng cuối năm. Cuối cùng, nguy cơ tỷ giá leo thang trở lại là yếu tố có thể thay đổi xu hướng bơm ròng thanh khoản của NHNN hiện nay.
Diễn biến thị trường trong tháng Bảy không dễ để dự báo sau chuỗi ngày tăng điểm không mệt mỏi. Khó có thể nói VN-Index sẽ không thể tăng tiếp khi mà chỉ số này từng đạt mức P/E còn cao hơn 14 lần trong quá khứ. Cho đến thời điểm này, VDSC vẫn chưa thấy thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi kết quả kinh doanh quý 2 bắt đầu râm ran được tiết lộ. Với đa số dự báo KQKD từ các chuyên viên ngành là khả quan, thị trường hoàn toàn có thể tiếp tục chinh phục mốc điểm cao hơn trong tháng Bảy.
Vùng điểm dự báo đối với VN-Index tháng này là 633 – 679 và đối với HNIndex là 83-89
Ở vùng điểm này, cổ phiếu dẫn dắt và các cổ phiếu trụ bị đảo liên tục khiến cho việc chọn lựa cổ phiếu theo xu thế là không dễ. Dòng tiền sẽ tìm đến những cổ phiếu chưa tăng nhiều và định giá còn tương đối hấp dẫn, miễn là yếu tố cơ bản của doanh nghiệp không có gì tiêu cực.
Do vậy, VDSC cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào những cổ phiếu có KQKD từ hoạt động cốt lõi ổn định và/hoặc có tăng trưởng qua các năm, chỉ số P/E, P/B còn thấp so với mặt bằng chung và có KQKD quý 2 và cả năm 2016 kỳ vọng tích cực. Về nhóm ngành, VDSC vẫn duy trì đánh giá tích cực với các ngành như VLXD (sắt, thép, nhựa, xi măng, vv), xây dựng, bán lẻ, ô tô & phụ tùng, BĐS khu công nghiệp, du lịch và giải trí.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc