Chia sẻ:

Sự công hưởng của khối ngoại và thông tin nới room sẽ giúp cổ phiếu lớn duy trì sức mạnh

Vùng điểm dự báo của VDSC với VN-Index trong tháng này là 590-619 và với HN-Index là 78-82 điểm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã công bố Báo cáo chiến lược tháng 5/2016.

Theo VDSC, so với cuối năm 2015, bối cảnh TTCK Việt Nam hiện tại đã có những thay đổi rất rõ nét. Các yếu tố bên ngoài như tỷ giá, lãi suất USD, thương mại với Trung Quốc và sự rút lui của dòng vốn ngoại hiện đã không còn là yếu tố cản bước hai chỉ số. Thay vào đó, hoạt động mạnh mẽ của khối ngoại và việc giải tỏa các lo ngại lớn về vĩ mô lại thôi thức sự hứng khởi của nhà đầu tư.

Trong tháng Tư, VN-Index tăng 2,7%, đánh bại hoàn toàn ngưỡng cản tâm lý 580 điểm và HN-Index cũng tăng 2%. Dù giá trị mua tích lũy từ đầu năm vẫn âm khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng nếu loại trừ giao dịch từ việc chuyển đổi trái phiếu VIC, NĐTNN đã quay lại mua ròng 1.237 tỷ đồng trong tháng Tư. Không tính giao dịch của VIC, bốn tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng 1.086 tỷ đồng. VDSC cho rằng bên cạnh mặt bằng P/E hấp dẫn, sự cởi mở hơn về vấn đề room là động lực chính cho sự trở lại của khối ngoại.

Hiện tại, thị trường đang đối diện với nhiều thông tin tích cực, nhất là khi Chính Phủ nhiệm kỳ mới đang liên tục phát đi những thông điệp. Trong đó, việc giảm lãi suất dù chỉ tập trung cho một số ngành ưu tiên nhưng là động thái mang tính định hướng có thể tạo ra hiệu ứng tốt lên thị trường. Bên cạnh đó, việc nới room cho NĐTNN vẫn là vấn đề sát sườn tiếp tục được đón chờ trong tháng Năm.

Với thanh khoản tốt và hoạt động sôi nổi của khối ngoại thời gian gần đây, thị trường có thể sẽ duy trì được sự hứng khởi trong phần lớn thời gian của tháng Năm. Dù vậy, khi các điều kiện hội đủ và sự tích cực lan truyền sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng là lúc thị trường đối diện với khả năng chốt lời. Do vậy, giao dịch trên thị trường có thể sẽ không hình thành được xu hướng rõ ràng trong tháng Năm. Đồng thời, có khả năng sẽ xuất hiện một vài phiên giằng co kịch tích giữa bên mua và bên bán. Vùng điểm dự báo với VN-Index trong tháng này là 590-619 và với HN-Index là 78-82.

Theo VDSC, hai rủi ro có thể ảnh hưởng đến đà tăng của thị trường tháng này là khả năng thanh khoản suy giảm và sự yếu đi của nhóm cổ phiếu lớn. Về thanh khoản, dễ nhận thấy sau khi VN-Index vượt 590 điểm, thanh khoản đã tăng dần đều cho đến gần kỳ nghỉ lễ 30/04-01/05. Hai ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ kéo dài, thanh khoản đã vượt hơn 180 triệu cp/phiên. Nếu KLGD trong những ngày đầu tháng Năm tiếp tục giữ vững ở mức cao thì đây sẽ là dấu hiệu tốt để nhà đầu tư mạnh dạn tăng tỷ trọng cổ phiếu giao dịch ngắn hạn. VDSC kỳ vọng sự cộng hưởng của khối ngoại và thông tin nới room sẽ giúp nhóm cổ phiếu này duy trì sức mạnh đến hết tháng.

Gia tăng tỷ trọng nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn

Loại trừ các giao dịch có tính “nhiễu”, VDSC nhận thấy khối ngoại đã mạnh dạn hơn trong vòng một tháng trở lại đây. Thanh khoản duy trì ở mức cao ngay cả trong những phiên thị trường đi ngang hoặc giảm là dấu hiệu tốt về tâm lý. Trong khi thông tin KQKD quý chỉ có tác động đến từng cổ phiếu riêng lẻ, vấn đề nới room sẽ có hiệu ứng lên toàn thị trường thông qua nhóm cổ phiếu lớn. Trong tháng này, VDSC tin rằng nhà đầu tư ngắn hạn có thể gia tăng tỷ trọng nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và những cổ phiếu có beta cao để tận dụng xu hướng thị trường.

Trong bức tranh KQKD quý 1, ngành xây dựng và VLXD tiếp tục nổi lên với mức tăng trưởng vượt trội. Là nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam CTD ghi nhận mức trưởng doanh thu tăng gần 100% và LNST tăng hơn 200% trong quý 1 nhờ các công trình lớn từ 2015 chuyển sang. Các công ty sản xuất VLXD trong danh sách khuyến nghị của VDSC như HT1, DNP, BMP, KSB và HSG cũng công bố mức tăng trưởng LNST hai con số, riêng HSG tăng hơn 3 lần cùng kỳ. Với triển vọng ngành xây dựng và thị trường BĐS cả nước, VDSC tin rằng các doanh nghiệp nói trên sẽ giữ vững được đà tăng trưởng này trong năm 2016.

Bán lẻ (ô tô) và Du lịch cũng là những ngành được đánh giá cao không chỉ trong quý 1 và còn cả các quý tiếp theo. Trong khi tăng trưởng ô tô thương mại đang chậm lại, các nhà phân phối ô tô thương mại như SVC và PTB vẫn đang bán hàng tốt. Doanh số mảng ô tô của PTB tăng 24% trong quý 1 trong khi doanh thu của SVC tăng gần 50%. Đây là những doanh nghiệp được VDSC đánh giá cao về triển vọng kinh doanh dài hạn nhờ lợi thế về số lượng showroom và địa bàn hoạt động và sự gia tăng quy mô của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.
 

Bình An

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.