Chia sẻ:

Sẽ tinh giản khối CTCK, tiếp nhận một số hồ sơ hợp nhất và sáp nhập

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK NN có những chia sẻ về việc tái cấu trúc khối công ty chứng khoán (CTCK) bên lề sự kiện sáp nhập đầu tiên giữa 2 đơn vị của thị trường chứng khoán Việt Nam, SHB và SHBS.

 

Ông Sơn cho biết, UBCK NN sẽ triển khai các biện pháp nâng cao nâng lực hoạt động của các công ty chứng khoán, làm lành mạnh thị trường và cung cấp cho nhà đầu tư các dịch vụ tốt nhất. Việc tái cấu trúc này đã được UBCK NN thực hiện từ năm 2012, giảm số lượng các CTCK từ 104 xuống 77 đơn vị, trong đó một số công ty đã bị đình chỉ hoạt động, 8 thương vụ hợp nhất, 1 trường hợp sáp nhập là SHB và SHBS.

 

Theo vị Phó Chủ tịch UBCK NN, các công ty chứng khoán được khuyến khích tiến hành hợp nhất hoặc sáp nhập nhằm nâng cao năng lực các thành viên thị trường. Đối với các đơn vị không đủ năng lực tài chính, quản trị, không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết thì UBCK sẽ đình chỉ, tước giấy phép hoạt động của doanh nghiệp.

 

Trả lời câu hỏi về số lượng công ty chứng khoán thích hợp đối với thị trường Việt Nam, ông Sơn cho hay, không có khái niệm chung về con số cụ thể. Các CTCK lớn có những lợi thế nhất định trên thị trường về quy mô, tiềm lực tài chính; CTCK nhỏ cũng có thị trường riêng. Điều quan trọng là các đơn vị cần phải đảm bảo được năng lực tài chính, nguồn vốn cung ứng cho khách hàng. Các CTCK vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý. Trong 2 năm nay, một điểm tích cực là không có trường hợp CTCK bị thiếu tiền thanh toán cho nhà đầu tư.

 

Sáp nhập là phương pháp ưu việt để nâng cao năng lực CTCK

 

Về thương vụ sáp nhập CTCK đầu tiên trên thị trường Việt Nam giữa CTCP Chứng khoán SHB (SHBS) vào CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), ông Sơn cho biết, mặc dù là trường hợp đầu tiên nhưng khung pháp lý và chuẩn mực về báo cáo tài chính cho việc này đã được cơ quan chức năng chuẩn bị và có sẵn từ trước. Việc sáp nhập sẽ giúp doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt hơn và tạo dựng vị thế trên thị trường. Hiện nay, UBCK NN cũng đang nhận được một số hồ sơ về việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị chứng khoán và đang tiếp tục nghiên cứu tính khả thi.

 

Đứng ở vị thế người trong cuộc, ông Vũ Đức Tiến, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc của SHS cho biết, trong những phương án nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh của CTCK, sáp nhập là phương án ưu việt hơn.

 

Theo ông Tiến, phương án tăng vốn điều lệ chỉ có thể cải thiện về mặt tài chính của doanh nghiệp, cải thiện nguồn vốn hoạt động. Phương pháp hợp nhất được áp dụng giữa 2 đơn vị chưa thực sự khỏe mạnh, hình thành công ty mới nhằm cải thiện năng lực, điều này vẫn tiềm ẩn rủi ro.

 

Với phương pháp sáp nhập, CTCK bên cạnh khả năng tăng quy mô vốn, nâng cao tài sản, có thể hợp nhất hệ thống khách hàng, đồng thời sử dụng thương hiệu của công ty lớn trên thị trường, vì thế đây là giải pháp khá toàn diện cho doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, phương pháp này cũng đòi hỏi CTCK cần xác định rõ quy mô và vị thế của bản thân và đối tượng sáp nhập. Theo ông Hiếu, điều khó khăn nhất đối khi thực hiện phương án này là tìm đúng đối tượng, thuyết phục doanh nghiệp đi tới bước sáp nhập. Mặt khác, với riêng thương vụ sáp nhập giữa SHS và SHB, do là trường hợp đầu tiên trên thị trường Việt Nam nên còn nhiều phát sinh, chưa có kinh nghiệm từ tiền lệ trước.

 

Lê Hải


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.