Chia sẻ:

SCIC dự kiến bán 9% cổ phần Vinamilk trong tháng 12

Về trường hợp của Vinamilk, trước hết SCIC sẽ bán 9% cổ phiếu. Thời gian dự kiến có thể kết thúc khâu chuẩn bị cuối tháng 11và tháng 12 sẽ bán phần còn lại của VNM. Các phần lớn còn lại đang cân nhắc bán theo chỉ đạo.

Thông tin trên được SCIC chia sẻ tại “Hội nghị về thoái vốn Nhà nước và Đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán”, tổ chức ở Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) chiều ngày 25/10.

Tại hội nghị, Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước là những nội dung cốt lõi trong chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ. Do đó, trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo ban hành nhiều văn bản liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước với niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Do vậy, vai trò của thị trường chứng khoán trong việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước một cách hiệu quả đang được chú trọng rất lớn. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cần có có những giải pháp hiệu quả để triển khai các chính sách mới này, nhằm tạo nên một hiệu ứng tốt cho nền kinh tế, củng cố niềm tin của công chúng đầu tư vào các chương trình cải cách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Theo Ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản hiện nay các quy định tại Luật số 69 và NĐ 91 đã tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện thoái vốn thuận lợi trên cơ sở quy định rõ về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, phương thức thoái vốn.

Chẳng hạn, theo NĐ 9, đối với công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom thì việc chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phiếu) thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận) theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.

Ngoài ra, thực hiện chỉ thị của Chính phủ, Bộ tài chính cũng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị định một số nội dung khác liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp không có giao dịch, các quy định về việc bán vốn dưới mệnh giá…

Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, trong tiến trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ, SCIC cũng phối hợp chặt chẽ với 2 Sở để thực hiện quy trình công khai, minh bạch và hiệu quả. Theo ông Hiển trong quá trình thoái vốn thì SCIC vừa làm vừa tháo gỡ bởi vì trong quá trình làm xuất hiện những trường hợp khác nhau. Mới gần đây nhất SCIC đã được Bộ tài chính thông qua cơ chế cho phép bán vượt biên độ cổ phiếu niêm yết.

Tính thời điểm hiện nay, SCIC tiếp nhận 999 doanh nghiệp, bán được 928 doanh nghiệp, tương đương 90% tổng số lượng chào bán. Giá vốn 6.000 tỷ thu về hơn 14,000 tỷ, gấp 2,5 lần. Trong năm 2016, SCIC có hơn 100 DN cần bán. Trong đó, đã có 54 doanh nghiệp đã bán được sau 9 tháng, đạt 2,3 lần giá vốn.

Theo ông Hiển, điểm quan trọng giúp cho công tác bán vốn của SCIC mang lại hiệu quả cao là việc nghiên cứu kỹ thị trường và doanh nghiệp để xác định giá khởi điểm hợp lý, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, xây dựng và duy trì mạng lưới các nhà đầu tư quan tâm, tổ chức bán công khai minh bạch.

Dù vậy, vấn đề bán cổ phần của SCIC không phải toàn bộ được suôn sẽ. Ông Hiển cho biết tốc độ bán vốn đang chậm lại do số lượng doanh nghiệp còn lại không còn nhiều, mặt khác số còn lại là những doanh nghiệp khó bán, bán 2, 3 lần chưa bán được. Những doanh doanh nghiệp tốt thì hầu như đã bán hết rồi.

Thực tế những trường hợp gần đây của SCIC không thành công do giá bán cao hơn so với giá giao dịch trên thị trường của cổ phiếu đó, nên khi đưa ra thị trường thì không bán được, giá trị doanh nghiệp ghi trên sổ sách thì cao nhưng hiệu quả hoạt động kém do tài sản đã không còn mang lại hiệu quả hoạt động kinh doanh. Thời gian càng kéo dài thì doanh nghiệp càng khó cơ cấu lại hoạt động và tìm đối tác chiến lược mới.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp được nhìn nhận là có giá trị doanh nghiệp cao hơn nhiều so với giá giao dịch trong thị trường cần phải tính toán phương thức thoái vốn làm sao để mang lại giá trị cao nhất cho doanh nghiệp.

Về trường hợp của Vinamilk, trước hết SCIC sẽ bán 9% cổ phiếu. Thời gian dự kiến có thể kết thúc khâu chuẩn bị cuối tháng 11và tháng 12 sẽ bán phần còn lại của VNM. Ông Hiển cho biết hiện có rất nhiều nhà đầu tư từ trong và ngoài nước quan tâm rất đến không chỉ VNM và một số doanh nghiệp khác trong số 10 DN lớn SCIC đang nắm giữ.

Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đưa ra ý kiến của mình về phương án bán gói 9% vốn của SCIC. Theo VAFI, cách thoái vốn theo từng gói 9% sẽ loại bỏ nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược tham gia đấu giá làm hạn chế sức cầu, hạn chế sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán VNM sẽ rất thấp. VAFI cho rằng chọn phương án thoái vốn một lần tại doanh nghiệp nhà nước sẽ có lợi hơn so với cách làm của SCIC hiện tại. Riêng tại Vinamilk, nhà nước có thể sẽ thu được ít hơn so với phương án bán ngay 1 lần là 1 tỷ đô la Mỹ.

Cuối cùng, Ông Nguyễn Trọng Dũng nhấn mạnh phải tăng cường hoạt động trao đổi thông tin trực tiếp giữa cơ quan quản lý, vận hành thị trường chứng khoán với các doanh nghiệp Nhà nước, công ty chứng khoán… nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tham gia thị trường chứng khoán.

Mục tiêu vừa giải quyết được về mặt cơ chế chính sách để xúc tiến nhanh quá trình thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của chính phủ. Mặt khác, mang về nguồn thu ngân sách hiệu quả nhất nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

 

Hoàng Trung

 

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.