Giao dịch trên thị trường đang diễn ra hết sức thận trọng.
Áp lực bán đang diễn ra mạnh hơn, mức độ giảm của nhiều cổ phiếu là khá lớn. Cụ thể, các mã như BID, CTG, GAS, HSG, ROS, TCB, VIC, VRE… đều đồng loạt giảm sâu và đẩy các chỉ số thị trường lao dốc. VN-Index có thời điểm giảm hơn 9 điểm.
Hiện tại, có một vài thông tin bên lề ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Hầu hết các chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ ngày 20/6 đều tăng, riêng Dow Jones có ngày giảm liên tiếp thứ 7, dài nhất kể từ tháng 3/2017. Dow Jones giảm 42,41 điểm, tương đương 0,2%, xuống 24.657,8 điểm, ngày giảm liên tiếp thứ 7. S&P 500 tăng 4,73 điểm, tương đương 0,2%, lên 2.767,32 điểm với 7 trong số 11 lĩnh vực thuộc chỉ số này tăng điểm. Nasdaq tăng 55,93 điểm, tương đương 0,7%, đóng cửa ở mức cao kỷ lục 7.781,51 điểm nhờ đà tăng của các cổ phiếu công nghệ sinh học.
Trong khi đó, giá dầu WTI ngày 20/6 tăng sau khi số liệu cho thấy nguồn dự trữ dầu thô từ Mỹ giảm hai tuần liên tiếp và thị trường dự báo các nhà sản xuất dầu mỏ trên thế giới sẽ không tăng sản lượng nhiều.
Một thông tin cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm ở thời điểm hiện tại là Vào rạng sáng ngày thứ Năm (21/06), MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới. Theo kết quả vừa công bố, TTCK Việt Nam thậm chí còn chưa lọt vào danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market). Thông tin về việc TTCK Việt Nam chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lần này tiếp tục khiến nhà đầu tư ít nhiều thất vọng. Nếu được nâng hạng, TTCK có thể hút thêm vốn từ các quỹ đầu tư thụ động vào thị trường mới nổi.
Trong khi đó, việc Argentina được điều chỉnh từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market) và Kuwait được xem xét nâng hạng ắt sẽ tác động tới tỷ trọng của chỉ số MSCI Frontier Markets Index, và có khả năng làm thay đổi tỷ trọng của các cổ phiếu Việt Nam trong chỉ số này. MSCI cũng đưa ra một bảng tính toán mô phỏng về chỉ số MSCI Frontier 100 Index cho trường hợp Argentina và Kuwait được nâng hạng. Đáng chú ý nhất trong bảng này là tỷ trọng của Việt Nam tăng rất nhiều từ 17,72% (hiện tại) lên 28,37% (mô phỏng) và số lượng cổ phiếu Việt cũng tăng từ 17 lên 30.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm với sắc đỏ bao trùm thị trường, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đã đồng loạt giảm giá và đẩy các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Các mã trụ cột như VRE, VIC, SHB, PVS… là những nhân tố chính khiến thị trường gặp khó khăn. VRE đang giảm 1,5% xuống 40.000 đồng/CP. VIC giảm 1,6% xuống 123.000 đồng/CP.
Mặc dù vậy, đà giảm của thị trường chung là không quá mạnh do vẫn còn khá nhiều mã vốn hóa lớn tăng giá như VPB, VHM, TPB… Trong đó, VPB sau phiên tăng trần hôm qua thì đến giờ tiếp tục tăng 1,8% lên 31.650 đồng/CP. TPB tăng 1,5% lên 27.800 đồng/CP.
Sau khoảng 45 phút giao dịch, VN-Index giảm 3,37 điểm (-0,34%) xuống 977,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 21 triệu cổ phiếu, trị giá 400 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,9 điểm (-0,8%) xuống 111,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5,6 triệu cổ phiếu, trị giá chỉ 62 tỷ đồng.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc