Chia sẻ:

Phân tích kỹ thuật – Phần 3: Ngưỡng hỗ trợ, kháng cự

PTKT – Phần 3: Ngưỡng hỗ trợ, kháng cự

 

Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự là hai chỉ số quan trọng trong phân tích kỹ thuật, được sử dụng để xác định xu hướng biến động của giá và điểm mua, bán. Rất nhiều nhà đầu tư sử dụng ngưỡng hỗ trợ, kháng cự trong quyết định giao dịch do dễ sử dụng và tính chính xác tương đối cao so với các chỉ báo kỹ thuật khác. Chứng khoán An Bình (ABS) sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về định nghĩa và ứng dụng của ngưỡng hỗ trợ, kháng cự trong bài viết này.

 

Ngưỡng hỗ trợ là vùng giá của cổ phiếu mà ở đó xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ đảo chiều tăng trở lại. Tại vùng giá này, nhiều nhà đầu tư thực hiện mua vào, chiếm ưu thế so với lực bán của cổ phiếu đó. Ngược lại thì ngưỡng kháng cự là vùng giá của cổ phiếu mà ở đó xu hướng tăng được kỳ vọng sẽ đảo chiều giảm trở lại.

 

Có thể giải thích là tại ngưỡng hỗ trợ hầu hết nhà đầu tư tin rằng định giá cổ phiếu đã rẻ và giá sẽ tăng cao hơn, còn ngưỡng kháng cự là mức giá mà nhà đầu tư tin rằng giá đã cao hơn giá trị của công ty và sẽ quay đầu giảm.

 

Ngưỡng hỗ trợ được xác định bằng cách nối 1 đường ngang giữa các đáy của cổ phiếu, ngược lại với ngưỡng kháng cự là nối các đỉnh. Cách xác định chi tiết như hình dưới.

 

 

Nguồn: ABS

 

Theo đồ thị chỉ số VNINDEX từ cuối 2021 đến tháng 4/2022, giá liên tục giảm về ngưỡng 1420-1440 và bật tăng trở lại tạo thành ngưỡng hỗ trợ. Ngược lại giá lên đến vùng 1500-1530 thì có xu hướng bật giảm trở lại, nối các vùng này ta có ngưỡng kháng cự mạnh ở đây.

 

Phá vỡ ngưỡng hỗ trợ, kháng cự

Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự được kiểm nghiệm hay được nối bởi càng nhiều điểm thì càng hiệu quả. Ngưỡng kháng cự, hỗ trợ bị phá vỡ khi giá tăng hoặc giảm mạnh vượt ra khỏi ngưỡng này và sẽ tiếp tục đi theo xu hướng này.

 

Khi công ty công bố thông tin kết quả kinh doanh tốt hay tiềm năng tăng trưởng tốt thì nhà đầu tư sẵn sàng mua với mức giá cao hơn Ngưỡng kháng cự. Khối lượng giao dịch lúc này thường tăng cao. Giá sau khi vượt được ngưỡng kháng cự thường có xu hướng tăng mạnh do nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua vào với mức giá cao hơn và những nhà đầu tư từng bán ra cổ phiếu cũng bắt đầu kỳ vọng giá tiếp tục tăng và có thể mua lại.

 

Ngược lại, khi có thông tin kém tích cực/thấp hơn kỳ vọng của nhà đầu tư thì giá có thể phá vỡ ngưỡng hỗ trợ và tiếp tục giảm sâu hơn. Có thể thấy như chỉ số VNINDEX đã không giữ được ngưỡng hỗ trợ 1420-1440 vào tháng 04/2022. Sau khi mất mốc này, chỉ số tiếp tục sụt giảm sâu về vùng 1300, 1100 và nhiều khả năng đã tạo đáy tại vùng 900 điểm.

 

Điểm mua, điểm bán

Dựa vào đặc tính trên, chúng ta có thể thực hiện chiến lược mua, bán tại như sau:

  • Mua khi giá giảm về vùng hỗ trợ và bắt đầu bật tăng trở lại
  • Mua khi giá tăng vượt vùng kháng cự
  • Bán khi giá tăng lên vùng kháng cự và bắt đầu giảm trở lại
  • Bán khi giá giảm xuống dưới vùng kháng cự

 

Ngoài ra, để tăng hiệu quả bạn cần kết hợp với khối lượng và phân tích thị trường, ngành cũng như các yếu tố tài chính, hoạt động của doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo các bài viết về phân tích cơ bản như Đọc hiểu báo cáo tài chính, phân tích chỉ số tài chính trên website của ABS.

 


 

Series các bài viết Phân tích kỹ thuật

 

Phần 1: Phân tích kỹ thuật là gì?

 

Phần 2: Lựa chọn khung thời gian phù hợp với chiến lược đầu tư

————————————-

Series các bài viết khác của ABS

 

1.  Series PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH

 

2. Series ĐỌC HIỂU BÁO CÁO TÀI CHÍNH

—————————

Huấn luyện viên đầu tư ABS

Follow page ABS để tiếp tục nhận được các bài viết kiến thức đầu tư:  Tại đây

Link tải App ABS Invest với đầy đủ bộ công cụ hỗ trợ đầu tư: Tại đây