Chia sẻ:

Phân tích chỉ số tài chính – Phần 6: Chỉ số đánh giá (Tiếp)

Trong hai số bài viết gần đây trong series phân tích chỉ số tài chính, ABS đã giới thiệu đến bạn EPS – Chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phần và P/E – Chỉ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu. Đây có lẽ cũng là hai chỉ số tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng nhiều nhất trong việc phân tích cơ bản cổ phiếu và doanh nghiệp. Trong số bài viết lần này chúng ta cùng đi tìm hiểu thêm một chỉ số đánh giá quan trọng nữa: Tỷ suất cổ tức (Dividend Yield)  

Tỷ suất cổ tức (DY – Dividend Yield)  
  • Định nghĩa và công thức  

Nếu là một nhà đầu tư thu nhập (income investor – Là nhà đầu tư tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận từ các nguồn thu nhập như cổ tức, lãi suất hoặc tiền thuê) thì sẽ không có nhiều chỉ số tài chính quan trọng hơn tỷ suất cổ tức. Chỉ số này biểu thị suất sinh lời từ đầu tư (ROI) trong kỳ (thường là một năm) khi xem xét mối quan hệ tương quan giữa mức cổ tức nhận được (khoản nhận về)  và giá trị thị trường của cổ phiếu (khoản đầu tư).  

Tỷ suất cổ tức được sử dụng rộng rãi để so sánh các khoản đầu tư với nhau: cổ phiếu với cổ phiếu, cổ phiếu với các loại tài sản khác. Điều này là bởi vì hầu hết lợi nhuận từ các khoản đầu tư đều được biểu diễn dưới dạng phần trăm (Yield, ROI…) dù cho tài sản là bất động sản, trái phiếu hay khoản tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Thứ mà tỷ suất cổ tức làm đó là chuyển lợi nhuận đầu tư trong thị trường cổ phiếu sang dạng lợi suất phần trăm để nhà đầu tư có thể dễ dàng so sánh với các loại hình đầu tư thay thế khác của cổ phiếu.  

Nếu bạn đầu tư vào một công ty với kỳ vọng tăng trưởng vốn (capital growth) hay nói theo cách dễ hiểu hơn là tăng giá cổ phiếu thì bạn sẽ không cần chú ý lắm đến tỷ suất cổ tức của công ty đó. Tuy nhiên rất nhiều chuyên gia về tài chính tin rằng cổ tức là thứ lợi nhuận “thật” duy nhất khi đầu tư vào thị trường cổ phiếu. Điều này lấy cơ sở từ ý tưởng của “giả thuyết thị trường hiệu quả” và “giả thuyết bước đi ngẫu nhiên của thị trường” , sự tăng trưởng vốn khi đầu tư vào cổ phiếu hoàn toàn có tính cơ hội và bạn sẽ chứng kiến giá cổ phiếu lên hay xuống với tần suất đều nhau. Cổ tức bạn nhận được từ việc nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp do đó là thứ duy nhất có thể dự đoán và định giá được, chúng xác định cái gọi là “giá trị thật”. Với những người đồng ý với quan niệm này , hoặc những người chỉ đơn thuần đầu tư để lấy thu nhập từ cổ tức, việc sử dụng tỷ suất cổ tức để đo lường lợi nhuận hàng năm từ cổ phiếu, làm cơ sở so sánh với các cơ hội đầu tư thay thế khác là vô cùng cần thiết.  

 

 

 

Trong đó: 

– Cổ tức hàng năm mỗi cổ phiếu: Lấy thông tin từ các phương tiện truyền thông về tài chính, các thông cáo/báo cáo của doanh nghiệp.  

– Giá thị trường của cổ phiếu: Lấy thông tin từ các trang dữ liệu thị trường hoặc môi giới của bạn.  

Ví dụ: Ngày 24/5/2022 HSX thông báo về việc CTCP Vinhomes trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông bằng tiền với 2000 đồng/ cổ phiếu. Giá cổ phiếu VHM thời điểm đó là 66.900 đồng, do đó tỷ suất cổ tức của VHM là 2000/66900 = 3%. Kết quả được hiển thị dưới dạng phần trăm, DY của VHM là 3% có nghĩa là nếu mua VHM (thời điểm 24/5/2022) thì trong 1 năm nhà đầu tư sẽ có 3% lợi nhuận đến từ cổ tức.  

  • Tỷ suất cổ tức thay đổi có ý nghĩa gì?  

Có 3 lý do “số học” khiến tỷ suất cổ tức của một công ty thay đổi: Giá cổ phiếu thay đổi, lợi nhuận thay đổi (khi tỷ lệ chi trả cổ tức – payout ratio và giá cổ phiếu không đổi) hoặc tỷ lệ chi trả cổ tức thay đổi (khi giá cổ phiếu và lợi nhuận doanh nghiệp không đổi). Lý do khiến lợi nhuận doanh nghiệp thay đổi đã được đề cập rất nhiều ở các số trước trong series phân tích chỉ số tài chính của ABS, mời các bạn tìm đọc lại; Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu thay đổi như chúng tôi có đề cập trong bài viết về P/E: Vẫn luôn là một ẩn số mà các chuyên gia tài chính và nhà đầu tư trên toàn thế giới đang tìm kiếm.  

 

 

Việc tỷ lệ chi trả cổ tức thay đổi là lựa chọn của ban quản lý và lãnh đạo của doanh nghiệp. Chính sách chi trả cổ tức của một doanh nghiệp có thể được chọn do các cổ đông cơ sở của doanh nghiệp đó yêu cầu trả lại các khoản tiền mặt dư thừa; hoặc cũng có thể do ban quản lý doanh nghiệp tin rằng cổ tức cao hơn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu hơn, từ đó đẩy giá cổ phiếu tăng lên có lợi cho toàn bộ cổ đông hiện tại.  

Ở chiều hướng ngược lại, việc một doanh nghiệp cắt giảm mức cổ tức hàng năm cho cổ đông cũng có rất nhiều nguyên nhân. Hai nguyên nhân chính đó là (1) doanh nghiệp không có tiền dư thừa; có lẽ do kinh doanh không được thuận lợi hoặc cần tiền để chi tiêu trong tương lai gần cho mục đích tách biệt với việc chia cổ tức. Lý do tiếp theo là (2) cả ban quản lý và cổ đông của doanh nghiệp đều tin rằng doanh nghiệp này có thể sử dụng tiền để phát triển nhanh hơn, sản xuất nhiều ROE và tăng trưởng vốn (capital growth) hơn so với khi cổ đông nhận tiền cổ tức. Ví dụ: Nếu ban lãnh đạo quyết định chi trả mức cổ tức thấp hơn, giữ lại tiền mặt để phát triển kinh doanh và đạt ROE 20%, cộng với giá cổ phiếu tăng 15%, điều này với nhiều người là tốt hơn rất nhiều so với  việc nhận cổ tức về và gửi ngân hàng khoản cổ tức này với lãi suất chỉ vừa đủ phòng chống rủi ro lạm phát.  

  • Hạn chế của tỷ suất cổ tức 

Một trong những hạn chế lớn nhất của chỉ số này đó là nó chỉ hữu dụng đối với các nhà đầu tư thu nhập (income investors). Nếu là nhà đầu tư tăng trưởng (ví dụ: kỳ vọng giá cổ phiếu tăng và kiếm lời theo cách đó) thì cổ tức không phải là yếu tố quá quan trọng. Thực tế là bạn sẽ chỉ nhìn vào chỉ số này để xem liệu tỷ suất sinh lời thấp có dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao của doanh nghiệp khi giữ lại tiền đầu tư hay không mà thôi.  

Hai giáo sư đại học từ những năm 50 của thế kỷ trước là Modigliani và Miller (từng thắng giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1985) phát biểu rằng cổ tức cao hay thấp đều không có bất cứ ảnh hưởng nào đến giá trị của một doanh nghiệp. Các nhà đầu tư cá nhân có thể lựa chọn tái đầu tư khoản cổ tức được chi trả vào cổ phiếu của doanh nghiệp (tương đương giảm mức tiền mặt/cổ tức được nhận) hoặc bán cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường, nhận tiền và tự tạo “cổ tức” cho chính bản thân mình.  

 

ABS xin khép lại phần 6: Chỉ số đánh giá trong series phân tích chỉ số tài chính ở đây. Trong những số bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm các chủ đề thú vị trong phân tích cơ bản, cách kiếm tiền từ thị trường cổ phiếu bằng phương pháp phân tích cơ bản: các lý do cơ bản để bán hoặc mua cổ phiếu, chọn giá đúng cho cổ phiếu bằng phương pháp DCF…v…v. Mời Quý khách hàng của ABS và các bạn độc giả cùng đón đọc!