Chia sẻ:

PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 4: Chỉ số hiệu suất hoạt động (Tiếp) 

Trong số bài viết cuối cùng của phần 4 , chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tiếp những chỉ số còn lại trong nhóm chỉ số hiệu suất hoạt động được dùng phổ biến trong phân tích đầu tư. ABS cũng sẽ giới thiệu đến các bạn khái niệm về “chu kỳ chuyển đổi tiền mặt” – một khái niệm hữu ích có thể khiến bạn thích thú hơn trong việc phân tích các chỉ số tài chính. Bắt đầu thôi! 

 

Chỉ số vòng quay tổng tài sản  
  • Định nghĩa: Chỉ số vòng quay tổng tài sản là một chỉ số tài chính đo lường mức độ hiệu quả trong việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, chỉ số này cho biết mỗi đồng tài sản của doanh nghiệp tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu. Một công ty có vòng quay tổng tài sản cao thường được xem là vận hành hiệu quả hơn so với các đối thủ cùng ngành với chỉ số thấp hơn.  
  • Công thức tính: 

 

 

Trong đó: 

  • Doanh thu thuần là doanh thu mà doanh nghiệp thu được sau khi trừ đi các khoản trả hàng, chiết khấu, khuyến mại, phụ cấp bán hàng. 
  • Tổng tài sản bình quân là trung bình cộng của tổng tài sản đầu kỳ và tổng tài sản cuối kỳ của doanh nghiệp.  

Ví dụ:  

Công ty Cổ phần Vinhomes có doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm 2022 là 62.393 tỷ đồng. Tổng tài sản đầu kỳ và cuối kỳ lần lượt là 230.516 và 361.204 tỷ đồng (trung bình 295.860 tỷ đồng). Chỉ số vòng quay tổng tài sản của Vinhomes trong kỳ 2022 là 0,21 = 62.392/295.860 (xem thêm bảng 1). Chỉ số vòng quay tổng tài sản của Vinhomes trong giai đoạn 2019-2022 đạt khoảng 0,3 – có thể hiểu Vinhomes cần 3 năm để xoay được 1 vòng tài sản hay chuyển đổi toàn bộ tài sản (nhà cửa, dự án dở dang, tồn kho, khoản phải thu…) thành doanh thu. Như đã phân tích nhiều lần, năm 2022 doanh thu thuần của Vinhomes giảm mạnh trong khi các dự án mới trong năm làm tổng tài sản của công ty tăng lên è Vòng quay tổng tài sản của mã VHM giảm. Tuy nhiên năm 2022 là một năm khó khăn chung đối với các công ty bất động sản, các chỉ số của Vinhomes trong giai đoạn 2019-2021 thuộc loại tốt trong ngành. Chúng ta cần phân tích chỉ số này thêm vài kỳ (năm) để có kết luận chính xác nhất về giá trị nội tại của doanh nghiệp.  

 

 

Thuyết minh chỉ số vòng quay tổng tài sản:  

  • Thông thường, chỉ số này càng cao thì càng tốt khi nó biểu thị cho hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Ngược lại, chỉ số vòng quay tổng tài sản thấp chứng tỏ doanh nghiệp đang sử dụng tài sản chưa hiệu quả, nguyên nhân có thể đến từ hàng tồn kho hết đát, bán hàng chậm, vòng quay khoản phải thu thấp hoặc tài sản cố định không hoạt động đúng công suất. Vì là một chỉ số tổng hợp nên muốn vòng quay tổng tài sản cao thì các chỉ số hiệu suất hoạt động còn lại phải tốt.  
  • Chỉ số vòng quay tài sản của doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau có sự khác biệt lớn. Thông thường các ngành có lợi nhuận cận biên thấp như bán lẻ thì chỉ số này sẽ cao hơn, tuy nhiên lại không có nhiều ý nghĩa. Các ngành bất động sản, tiện ích có nhu cầu sử dụng vốn lớn để trang bị cho máy móc, thiết bị, đất đai hay thậm chí tiền mặt thường có vòng quay tài sản nhỏ, việc sử dụng nó mang lại nhiều thông tin hữu ích cho cả nhà đầu tư và ban quản lý doanh nghiệp.  

 

Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt (Cash Conversion Cycle – CCC) 
  • Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt, như ABS đã biểu diễn một cách trực quan trong ảnh 1, sử dụng 3 chỉ số ngày (day ratios) để tính toán bao gồm: Thời gian doanh nghiệp nắm giữ hàng tồn kho trong tay hay số ngày tồn kho; Thời gian doanh nghiệp thu tiền hàng còn tồn đọng từ khách hàng hay số ngày phải thu và thời gian doanh nghiệp phải trả tiền hàng cho nhà cung cấp hay số ngày phải trả. Loại chỉ số này đo lường mức độ hiệu quả của doanh nghiệp bằng cách biểu diễn thời gian cần thiết từ lúc doanh nghiệp trả tiền nguyên vật liệu thô cho nhà cung cấp (tiền ra – màu đỏ) đến lúc doanh nghiệp thu tiền bán sản phẩm cho khách hàng (tiền vào – màu xanh). Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản lý do chúng ta gọi nó là chu kỳ chuyển đổi tiền mặt: Vì nó đo lường khoảng thời gian từ lúc tiền ra khỏi một doanh nghiệp đến lúc tiền về lại doanh nghiệp đó.  

 


 

  • Để tính toán các chỉ số ngày (day ratios), chúng ta chỉ cần lấy số ngày trong kỳ chia cho số vòng quay trong kỳ đó. Ví dụ vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp trong 1 quý là 10 thì số ngày tồn kho của doanh nghiệp đó là 9 = 90/10 . Rất đơn giản phải không nào! Dưới đây là các công thức tính chỉ số ngày của doanh nghiệp với kỳ phổ biến là 1 năm:  

 

  

Ví dụ về Công ty Cổ phần Vinhomes: 

  • Vòng quay hàng tồn kho năm 2022 là 0,68 nên số ngày tồn kho là 536 = 365/0,68 
  • Vòng quay khoản phải thu năm 2022 là 1,08 nên số ngày phải thu là 337 = 365/1,08 
  • Vòng quay khoản phải trả năm 2022 là 0,90 nên số ngày phải trả là 404 = 365/0,90 
  • Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt = 536 + 337 – 404 = 469 ngày. Như vậy chu kỳ chuyển đổi tiền mặt của Vinhomes trong năm 2022 là 469 ngày, tương đương với 1 năm 3 tháng.  

 

 

Thuyết minh chu kỳ chuyển đổi tiền mặt:  

  • Khi một doanh nghiệp mất nhiều thời gian hơn để thu hồi các khoản bán hàng còn tồn đọng, hoặc có quá nhiều hàng tồn kho trong tay, hoặc chi trả cho các chi phí của nó quá nhanh thì chu kỳ chuyển đổi tiền mặt sẽ trở nên dài hơn. Một chu kỳ chuyển đổi tiền mặt dài có nghĩa là doanh nghiệp mất nhiều thời gian hơn để sinh tiền. Với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng không trả được nợ, thậm chí là vỡ nợ và phá sản trong tương lai gần.  
  • Ngược lại, khi doanh nghiệp thu hồi các khoản thanh toán của khách hàng nhanh chóng, dự đoán chính xác lượng hàng tồn kho cần thiết cho sản xuất, chi trả các hoá đơn mua sắm nguyên vật liệu chậm đi, chu kỳ chuyển đổi tiền mặt sẽ ngắn lại. Một chu kỳ chuyển đổi tiền mặt ngắn đồng nghĩa với một doanh nghiệp vững mạnh hơn về mặt tài chính . Doanh nghiệp có thể sử dụng khoản tiền dư ra để mua sắm thêm nguyên vật liệu hoặc thanh toán các khoản nợ đang tồn đọng.  
  • Một kinh nghiệm trong đầu tư của các chuyên gia là nếu như các công ty có cùng chỉ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) hoặc chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) thì chúng ta nên đầu tư vào công ty có chu kỳ chuyển đổi tiền mặt ngắn nhất. Nó biểu thị rằng công ty đó sản xuất ra lợi nhuận tương tự như các công ty còn lại, nhưng trong khoảng thời gian nhanh hơn, tốt hơn.  

 

ABS xin được khép lại phần 4 – Chỉ số hiệu suất hoạt động tại đây. Ở phần tiếp theo trong sê-ri bài viết về phân tích chỉ số tài chính, chúng ta sẽ cùng nhau đến với bộ chỉ số tài chính mới – Chỉ số cơ cấu tài chính hay còn được gọi là đòn bẩy tài chính. Mời các bạn cùng đón đọc! 

 


 

Xem thêm các bài viết khác trong series Phân tích chỉ số tài chính

 


 

Series các bài viết khác của ABS

 

1. Series PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

 

2. Series ĐỌC HIỂU BÁO CÁO TÀI CHÍNH

 


 

Huấn luyện viên đầu tư ABS 

Follow page ABS để tiếp tục nhận được các bài viết kiến thức đầu tư:  Tại đây 

Link tải App ABS Invest với đầy đủ bộ công cụ hỗ trợ đầu tư: Tại đây