PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 1: Giới thiệu về phân tích chỉ số tài chính
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 2: Chỉ số khả năng thanh toán
Ở phần 2 trong series bài viết về phân tích chỉ số tài chính của Công ty chứng khoán An Bình (ABS), chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về loại chỉ số tài chính đầu tiên: Chỉ số khả năng thanh toán, đi kèm trong bài viết là ví dụ cụ thể đối với Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) và lưu ý về việc phối hợp với các chỉ số tài chính khác để có góc nhìn toàn cảnh hơn về năng lực, vị thế tài chính của doanh nghiệp. Trong phần 3 này, chúng ta sẽ đến với loại chỉ số tài chính thứ 2: Chỉ số khả năng sinh lời (hay Profitability Ratios) và đi tiếp ví dụ với VHM để xem với thanh khoản sụt giảm thì khả năng sinh lời của công ty sẽ tốt lên hay xấu đi trong năm 2022.
Chỉ số khả năng sinh lời là gì?
Chỉ số khả năng sinh lời là một công cụ tài chính đo lường khả năng sản sinh ra lợi nhuận của một doanh nghiệp từ doanh thu, tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đó trong một khoảng thời gian (thường là 1 năm). Nói một cách dễ hiểu hơn, loại chỉ số này cung cấp thông tin về mức độ hiệu quả của doanh nghiệp khi sử dụng các nguồn lực của nó để sinh lời.
Nhìn vào bảng 1 chúng ta có thể thấy 2 loại chỉ số khả năng sinh lời chính: Biên lợi nhuận và Tỷ suất sinh lời:
- Biên lợi nhuận: Biên lợi nhuận mô tả khả năng chuyển đổi từ doanh thu sang lợi nhuận của doanh nghiệp ở các mức độ đo lường khác nhau. Mỗi loại lợi nhuận (lợi nhuận gộp, lợi nhuận ròng, lợi nhuận hoạt động, EBIT, EBITDA…v..v) lại có một biên lợi nhuận khác nhau, khi mang ra so sánh với doanh thu thuần của doanh nghiệp.
- Tỷ suất sinh lời: là khả năng tạo ra lợi nhuận cho cổ đông/chủ sở hữu của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế được mang ra so sánh với các nguồn lực khác nhau như tài sản, vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư… để xác định xem trong kỳ kinh doanh, 1 đồng nguồn lực sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Các suất sinh lời phổ biến có thể kể đến là ROAA, ROAE, ROI…
Các chỉ số khả năng sinh lời được sử dụng phổ biến nhất?
Biểu đồ 1 biểu thị một số loại chỉ số khả năng sinh lời phổ biến và công thức tính
Biên lợi nhuận ròng hay Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS – Return on sales)
Biên lợi nhuận ròng hay tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (viết tắt là ROS) được xác định bằng tỷ lệ của lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần trong kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số này cho nhà đầu tư biết với mỗi 100 đồng doanh thu thì doanh nghiệp sẽ thu về được bao nhiêu đồng lợi nhuận ròng. Ví dụ ROS = 15% thì tức là trong kỳ công ty tạo ra 100 tỷ thì doanh nghiệp có lợi nhuận ròng 15 tỷ.
Lợi nhuận sau thuế là khoản lợi nhuận cuối cùng công ty thu được sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí, lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, do đó ROS càng cao cho thấy công ty quản lý chi phí càng hiệu quả và ngược lại ROS thấp nhiều khả năng đến từ việc công ty quản lý chi phí chưa tốt. Các nhà đầu tư có thể đi sâu hơn vào các thông tin trên thuyết minh báo cáo tài chính để xác định các khoản mục chi phí chiếm tỷ trọng lớn hoặc tăng giảm bất thường trong kỳ để xác định nguyên nhân làm cho ROS thay đổi.
Để nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn, ABS đưa ra ví dụ về phân tích khả năng sinh lời trên cổ phiếu Vinhomes (Mã CK: VHM)
Chỉ số khả năng sinh lời (%) | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 |
ROS | 39.42 | 45.83 | 46.48 |
ROAE | 35.56 | 35.21 | 20.46 |
ROAA | 13.26 | 17.42 | 9.68 |
Bảng 1: Hệ số khả năng sinh lời của Công ty Cổ phần Vinhomes 2020-2022 | |||
Theo bảng 1, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của VHM trong năm 2022 đạt 46,48% tức là cứ 1 đồng doanh thu VHM kiếm được sẽ tạo ra 0,46 đồng lợi nhuận sau thuế. ROS năm 2022 và 2021 tăng so với năm 2020 vì giá vốn bất động sản đã chuyển nhượng (một khoản mục trong giá vốn hàng bán) trong năm 2021 và 2022 giảm so với năm 2020 trong khi mức doanh thu thuần không có nhiều biến động. Có thể nói một cách khách quan rằng, trong năm 2021 và 2022, Vinhomes đã kinh doanh hiệu quả hơn khi bán các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn năm trước.
Ở bài viết sau, ABS sẽ cùng bạn đến với 2 chỉ số khả năng sinh lời đặc biệt quan trọng trong phân tích tài chính đó là ROA và ROE. Cùng theo dõi và đón đọc nhé !
Xem thêm các bài viết khác trong series Phân tích chỉ số tài chính
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 1: Giới thiệu về phân tích chỉ số tài chính
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 2: Chỉ số khả năng thanh toán
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 3.1: Chỉ số khả năng sinh lời
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 3.2: Chỉ số khả năng sinh lời
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 4.1: Chỉ số hiệu suất hoạt động
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 4.2: Chỉ số hiệu suất hoạt động
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 4.3: Chỉ số hiệu suất hoạt động
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 5: Chỉ số đòn bẩy tài chính
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 5.2: Chỉ số đòn bẩy tài chính
Huấn luyện viên đầu tư ABS
Follow page ABS để tiếp tục nhận được các bài viết kiến thức đầu tư: Tại đây
Link tải App ABS Invest với đầy đủ bộ công cụ hỗ trợ đầu tư: Tại đây