PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 3: Chỉ số khả năng sinh lời (Tiếp)
Ở bài viết trước, ABS đã cùng bạn tìm hiểu về định nghĩa và tầm quan trọng của chỉ số khả năng sinh lời trong phân tích tài chính doanh nghiệp. Chúng ta cũng đã nói về một loại chỉ số tài chính được sử dụng phổ biến đó là ROS – Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. Ở bài viết này, chúng ta cùng đến với 2 chỉ số khả năng sinh lời quan trọng khác là ROA và ROE rồi cùng kết luận xem Công ty Cổ phần Vinhomes trong ví dụ “sinh lời” tốt hơn hay kém đi trong năm 2022 nhé.
Chỉ số khả năng sinh lời (%) | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 |
ROS | 39.42 | 45.83 | 46.48 |
ROAE | 35.56 | 35.21 | 20.46 |
ROAA | 13.26 | 17.42 | 9.68 |
Bảng 1: Hệ số khả năng sinh lời của Công ty Cổ phần Vinhomes 2020-2022 |
Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA – Return on assets)
Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản được sử dụng phổ biến nhất dưới dạng tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROAA – Return on average assets) được tính bằng tỷ lệ của lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân trong kỳ kinh doanh của doanh nghiệp (lý do vì lợi nhuận là số liệu được tính theo kỳ, tài sản của doanh nghiệp có thể biến động trong kỳ tính lợi nhuận. Tổng tài sản bình quân trong kỳ được tính bằng trung bình cộng tài sản đầu kỳ và tài sản cuối kỳ của doanh nghiệp):
ROAA cho biết quy mô lợi nhuận ròng thu được từ mỗi đồng đầu tư vào tổng tài sản của doanh nghiệp. Ví dụ ROAA của Vinhomes trong năm 2022 là 9,68% biểu thị rằng trung bình Vinhomes tạo ra 0,0968 đồng lợi nhuận sau thuế với mỗi đồng vốn tài sản. Nhìn chung ROAA càng cao thì càng tốt vì ROAA càng cao chứng tỏ khả năng sinh lời trên vốn đầu tư hoặc tần suất khai thác tài sản của doanh nghiệp càng lớn. Tuy nhiên khi sử dụng ROAA để phân tích tài chính doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần chú ý một số điểm sau:
- ROAA của các công ty cổ phần có sự khác biệt rất lớn và phụ thuộc nhiều vào ngành nghề kinh doanh. Ví dụ, những công ty trong lĩnh vực công nghiệp nặng như sắt thép cần nhiều tài sản cố định giá trị lớn nên ROAA thường sẽ thấp hơn so với các công ty dịch vụ hoặc công nghệ thông tin không yêu cầu nhiều tài sản cố định. Do đó để xác định xem ROAA của một công ty có tốt hay không, chúng ta cần mang nó ra so sánh với các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực, so sánh với trung bình ngành , và so sánh với ROAA của chính doanh nghiệp đó trong quá khứ.
- Một số doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ có ROAA tạm thời cao, tuy nhiên không phải vì hoạt động hiệu quả mà vì thiếu hụt đầu tư vào tài sản, có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong lâu dài. Các doanh nghiệp lớn cần được trang bị một lượng vốn lớn để có thể bắt đầu hoạt động nên ROAA trong giai đoạn này thường không cao. Do đó, ngoài lưu ý về ngành nghề hoạt động, chúng ta cần lưu ý thêm về quy mô hoạt động của doanh nghiệp. ROAA của Vinhomes trong các năm gần đây mặc dù vẫn cao hơn ROA trung bình ngành Bất động sản là 3,63% nhưng sụt giảm mạnh từ 17,42% năm 2021 xuống 9,68% năm 2022. Các nhà đầu tư cần phân tích kỹ xem nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ việc công ty hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hay đang đầu tư vào khối lượng lớn tài sản chưa mang lại lợi nhuận ngay trong năm (nhưng có thể mang lại lợi ích cho công ty trong dài hạn) để đưa ra các quyết định của mình.
- Với trường hợp doanh nghiệp có nhiều tài sản đi thuê để hoạt động, các tài sản này không được hạch toán trên Bảng cân đối kế toán nhưng vẫn đóng góp vào quá trình tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. ROAA lúc này bị “thổi phồng” và để điều chỉnh chúng ta cần cộng thêm giá trị tài sản đi thuê vào mẫu số của công thức để đánh giá chính xác hơn khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
- Các nhà đầu tư cũng nên chú ý tới lãi suất trung bình mà doanh nghiệp phải trả cho các khoản vay nợ. Nếu ROAA của doanh nghiệp cao hơn chi phí đi vay thì có nghĩa là công ty đang tận dụng tốt đòn bẩy tài chính, có thể vay thêm để đầu tư thêm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE – Return on equity)
Tương tự như tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân, chúng ta thường sử dụng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE – Return on average equity) để đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp. ROAE được tính bằng tỷ lệ của lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân trong kỳ của doanh nghiệp:
ROAE cho biết quy mô lợi nhuận ròng thu được từ mỗi đồng vốn đầu tư của các chủ sở hữu (hay cổ đông) vào doanh nghiệp. Ví dụ, ROAE của Vinhomes trong năm 2022 là 20,46% nghĩa là trung bình với mỗi đồng vốn do chủ sở hữu VHM đầu tư, doanh nghiệp này tạo ra 0,2 đồng lợi nhuận sau thuế. ROAE của Vinhomes trong các năm gần đây đều cao hơn ROAE trung bình ngành là 14,56% cho thấy công ty đã sử dụng đống vốn của cổ đông một cách hiệu quả để tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình.
Thông thường, ROAE càng cao chứng tỏ ban lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng vốn của cổ đông càng hiệu quả, do đó đây là tiêu chí được các nhà đầu tư rất quan tâm, hay được xem xét để ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp. Tuy nhiên khi sử dụng ROAE, ngoài các lưu ý về ngành nghề hoạt động và quy mô công ty giống ROAA, chúng ta cần lưu ý thêm một số điểm sau:
- Cần đề phòng trường hợp doanh nghiệp có ROAE cao vì hoạt động lệ thuộc nhiều vào vốn vay, khiến cơ cấu tài chính mất cân bằng (đòn bẩy quá cao), tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính như vỡ nợ, phá sản…
- ROAE có thể bị ảnh hưởng bởi các thủ thuật kế toán của doanh nghiệp, ví dụ như việc sử dụng các khoản vay để mua lại cổ phiếu, khiến ROAE bị “thổi phồng” lên đáng kể.
- Chú ý đến trường hợp thu nhập ròng âm và vốn chủ sở hữu âm có thể tạo ra chi sổ ROAE cao giả tạo.
- Cần so sánh ROAE với tỷ lệ lãi suất trung bình của các khoản vay, để ngắn gọn chúng ta gọi là lãi vay ngân hàng:
- Nếu ROAE nhỏ hơn lãi vay ngân hàng và công ty sử dụng khoản vay ngân hàng bằng hoặc cao hơn vốn chủ sở hữu thì lợi nhuận tạo ra của doanh nghiệp cũng chỉ để trả lãi vay ngân hàng.
- Nếu ROAE cao hơn lãi vay ngân hàng thì các nhà đầu tư phải đánh giá xem công ty đã khai thác hết khả năng chiếm dụng vốn tín dụng hay chưa để đánh giá tiềm năng tăng trưởng ROAE trong tương lai của công ty.
ROAE và ROAA bao nhiêu thì là tốt?
Đây là câu hỏi quen thuộc của nhiều nhà đầu tư mới, và câu trả lời quen thuộc của các nhà đầu tư kinh nghiệm hơn là: ROAA, ROAE tốt hay xấu còn phụ thuộc vào ROAA, ROAE trung bình trong ngành, so sánh chúng tốt nhất là nên so sánh với các công ty trong cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.
Một doanh nghiệp muốn có đủ năng lực tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế phải có chỉ số ROE/ROAE đạt mức tối thiểu là 15%. Đây là một tiêu chí quan trọng của Warren Buffett khi lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư. Cũng theo phương pháp chọn chứng khoán CANSLIM của William O’Neil, cổ phiếu của doanh nghiệp có ROE tối thiểu 15% mới đáng được đưa vào cân nhắc. Ở các nước có tỷ lệ lạm phát cao (thường là 2 chữ số) ROA và ROE kỳ vọng của doanh nghiệp tương ứng là khoảng 12% và 22%.
Lợi nhuận của doanh nghiệp có thể biến động lớn qua các năm, chúng ta không nên chỉ xét ROAA, ROAE của một năm riêng lẻ mà nên xét qua nhiều năm, tối thiểu là 3 năm. Nếu ROAE >15% theo tiêu chuẩn kể trên, doanh nghiệp có thể được coi là làm ăn sinh lời hiệu quả.
Mối quan hệ giữa ROAA và ROAE?
Mối quan hệ giữa ROAA và ROAE được thể hiện như sau:
Các nhà đầu tư thường chú ý đến ROAE hơn bởi vì chỉ số này phản ánh trực tiếp đồng vốn bỏ ra với đồng lợi nhuận thu về của nhà đầu tư. Tuy nhiên khi nhìn vào công thức ở trên, nếu ROAE cao mà ROAA lại thấp thì các nhà đầu tư cần lưu tâm đến việc sử dụng nợ của một doanh nghiệp (đòn bẩy tài chính cao).
Nói một cách dễ hiểu hơn, vì ROAE=ROAA x Đòn bẩy tài chính nên muốn xem ROAE cao có thực sự tốt không thì chúng ta cần đặt phép so sánh giữa đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp với đặc thù sử dụng nợ của ngành nghề mà doanh nghiệp hoạt động. Với các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính thì đòn bẩy tài chính thường cao, ROAE/ROAA có thể lên tới 15-20 lần, lý do vì tài sản của các công ty này chủ yếu là tài sản tài chính được hình thành từ các khoản nợ ngắn hạn như khoản gửi tiết kiệm của khách hàng tại ngân hàng. Trong khi đó các công ty trong ngành hàng tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống thường duy trì ROAA/ROAE=2 nghĩa là cơ cấu vốn được chia đều cho nợ và vốn chủ sở hữu. Nếu ROAE cao vì công ty sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn so với đặc thù sử dụng vốn nợ của ngành thì nhà đầu tư cần cân nhắc thêm về sức khoẻ tài chính của công ty trước khi ra đưa ra quyết định đầu tư của mình.
Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
ROAE/ROAA | 2,7 | 2,0 | 2,1 |
Bảng 2: Đòn bẩy tài chính của Công ty Cổ phần Vinhomes 2020-2022 |
Kết luận về chỉ số khả năng sinh lời của Vinhomes 2020-2022:
- Biên lợi nhuận ròng cải thiện trong năm 2021 và 2022 so với năm 2020 vì Vinhomes bán các sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao hơn (chi phí giá vốn như đất nền rẻ so với giá bán bất động sản thành phẩm)
- ROAA năm 2022 giảm mạnh so với năm 2021, nhưng khi nhìn sâu vào báo cáo tài chính, tổng tài sản của VHM tăng chủ yếu nằm ở các khoản mục bất động sản để bán đang xây dựng (nằm trong hàng tồn kho) và bất động sản xây dựng dở dang dài hạn (nằm trong tài sản dài hạn), chứng tỏ công ty tập trung phát triển thêm nhiều dự án bất động sản quy mô lớn trong năm 2022. Nếu vẫn kinh doanh tốt, ROAA có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn từ các dự án này.
- ROAE cũng giảm sâu trong năm 2022, nhưng lý do chính đến từ việc ROAA của công ty giảm mạnh như giải thích ở trên. Nhìn vào bảng 2 chúng ta có thể thấy đòn bẩy tài chính duy trì ở mức cân bằng trong giai đoạn này, cơ cấu vốn nợ và vốn chủ sở hữu là ngang bằng nhau.
- ROAE và ROAA vẫn duy trì ở mức tốt so với trung bình ngành và các tiêu chuẩn quốc tế về việc chọn cổ phiếu doanh nghiệp (ROAE>15%)
Vậy theo bạn khả năng sinh lời của VHM tốt lên hay xấu đi trong năm 2022? Phần tiếp theo, ABS sẽ cùng với bạn đến với bộ chỉ số tài chính quan trọng tiếp theo: Chỉ số hiệu suất hoạt động để xem xem liệu VHM có đủ “năng lực” để “giải quyết” các dự án lớn hình thành trong năm 2022 không nhé!
Xem thêm các bài viết khác trong series Phân tích chỉ số tài chính
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 1: Giới thiệu về phân tích chỉ số tài chính
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 2: Chỉ số khả năng thanh toán
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 3.1: Chỉ số khả năng sinh lời
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 3.2: Chỉ số khả năng sinh lời
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 4.1: Chỉ số hiệu suất hoạt động
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 4.2: Chỉ số hiệu suất hoạt động
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 4.3: Chỉ số hiệu suất hoạt động
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 5: Chỉ số đòn bẩy tài chính
-
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 5.2: Chỉ số đòn bẩy tài chính
Series các bài viết khác của ABS
1. Series PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
2. Series ĐỌC HIỂU BÁO CÁO TÀI CHÍNH
—————————
Huấn luyện viên đầu tư ABS
Follow page ABS để tiếp tục nhận được các bài viết kiến thức đầu tư: Tại đây
Link tải App ABS Invest với đầy đủ bộ công cụ hỗ trợ đầu tư: Tại đây