Chia sẻ:

PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 2: Chỉ số khả năng thanh toán

PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 1: Giới thiệu về phân tích chỉ số tài chính

 

Ở phần 2 trong sê-ri bài viết về phân tích chỉ số tài chính của ABS, chúng ta cùng đến với loại chỉ số tài chính đầu tiên: Chỉ số khả năng thanh toán hay còn gọi là chỉ số thanh khoản của doanh nghiệp.   

Chỉ số khả năng thanh toán là gì?  

Chỉ số khả năng thanh toán là chỉ số tài chính được dùng để đo lường khả năng chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn của một doanh nghiệp, được tính bằng tỉ lệ giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn của nó. Tài sản ngắn hạn bao gồm tiền mặt và các tài sản dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong ngắn hạn , trong khi nợ ngắn hạn là các khoản nợ sẽ đến hạn trong vòng 1 năm. Một doanh nghiệp có chỉ số khả năng thanh toán cao chứng tỏ doanh nghiệp đó có năng lực tài chính tốt, đảm bảo khả năng chỉ trả cho các nghĩa vụ ngắn hạn.  

Tại sao chỉ số khả năng thanh toán lại quan trọng trong phân tích tài chính?  

Chỉ số khả năng thanh toán cung cấp thông tin về khả năng trả các khoản nợ, hoá đơn và các nghĩa vụ khác khi đến hạn mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Dưới đây là một số lý do tại sao chỉ số này lại quan trọng trong phân tích tài chính: 

  • Biểu thị sức khoẻ tài chính doanh nghiệp: Một công ty có chỉ số thanh khoản cao thường là công ty có sức khoẻ tài chính tốt, có lợi thế khi đứng trước các cơ hội kinh doanh,  trong khi chỉ số thanh khoản thấp có thể là dấu hiệu của một công ty đang gặp các khó khăn về tài chính.  
  • Đại diện cho khả năng trả nợ của doanh nghiệp: Tổ chức tín dụng, chủ nợ và các nhà đầu tư sử dụng chỉ số thanh khoản để xác định khả năng trả nợ của một công ty. Một công ty có chỉ số thanh khoản cao thường được coi là ít rủi ro hơn và có khả năng trả nợ tốt hơn. 
  • Hỗ trợ việc lập kế hoạch tài chính: Chỉ số thanh khoản cung cấp thông tin hữu ích cho việc lập kế hoạch và ra quyết định tài chính. Ví dụ, một công ty có chỉ số thanh khoản thấp có thể sẽ cần phải giảm nợ vay, huy động thêm vốn hoặc bổ sung tài sản ngắn hạn trong tương lai gần.  

Các loại chỉ số khả năng thanh toán phổ biến? 

1.Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (Current Ratio): Hệ số khả năng thanh toán hiện thời là một công cụ thường được sử dụng để đánh giá thanh khoản ngắn hạn của một doanh nghiệp, được tính bằng cách lấy tài sản ngắn hạn chia cho nợ ngắn hạn của doanh nghiệp đó. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời bằng hoặc lớn hơn 1 được coi là tốt, biểu thị rằng công ty có đủ tài sản ngắn hạn để chi trả cho các nghĩa vụ ngắn hạn. Ví dụ (xem bảng 1) hệ số khả năng thanh toán hiện thời của VHM giảm từ 1,25 thời điểm cuối năm 2021 xuống còn 0,99<1 trong năm 2022 cho thấy Vinhomes có thể gặp vấn đề về thanh khoản trong năm 2023.

2. Hệ số khả năng thanh toán nhanh (Quick Ratio): Hệ số khả năng thanh toán nhanh là công cụ chặt chẽ hơn so với hệ số khả năng thanh toán hiện thời khi nó loại trừ hàng tồn kho ra khỏi tài sản ngắn hạn của công ty. Lý do là hàng tồn kho khó có thể chuyển đổi sang tiền mặt một cách nhanh chóng khi công ty bị gặp các vấn đề về thanh khoản.Tương tự như hệ số khả năng thanh toán hiện thời, hệ số khả năng thanh toán nhanh lớn hơn hoặc bằng 1 được coi là tốt. 

3. Hệ số khả năng thanh toán tức thời (Cash Ratio): Hệ số khả năng thanh toán tức thời là công cụ chặt chẽ nhất để đo lường mức độ thanh khoản của doanh nghiệp khi nó chỉ xem xét tiền và các khoản tương đương tiền là nguồn tài sản chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn. Hệ số này được tính bằng cách chia Tiền và các khoản tương đương tiền (trong mục tài sản ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán) cho nợ ngắn hạn. Ví dụ ở bảng 1, hệ số khả năng thanh toán tức thời của VHM trong hai năm 2021 và 2022 là 0,06 đồng nghĩa với việc Vinhomes có thể thanh toán ngay tức khắc 6% nợ ngắn hạn bằng tiền. 

 

 

4. Ngoài 3 chỉ số kể trên, người ta cũng hay sử dụng hệ số khả năng thanh toán lãi vay để đo lường thanh khoản của một doanh nghiệp. Nó được tính bằng cách chia lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của doanh nghiệp cho chi phí lãi vay doanh nghiệp phải trả trong kỳ. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay càng cao thì càng tốt, hệ số này nhỏ hơn 1 chứng tỏ thu nhập của doanh nghiệp không đủ để chi trả lãi vay, điều này là rất rủi ro đối với thanh khoản của doanh nghiệp trong ngắn hạn. 

  Các lưu ý khi sử dụng chỉ số khả năng thanh toán ? 

  • Phải được đem ra so sánh với chỉ số ngành: Một lưu ý cần nhắc lại là chúng ta phải thực hiện so sánh chỉ số khả năng thanh toán của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác trong ngành, bởi vì các ngành khác nhau có yêu cầu về chỉ số này khác nhau. Ví dụ, một công ty bán lẻ phải có hệ số khả năng thanh toán hiện thời cao hơn so với một công ty công nghệ, vì công ty bán lẻ có giá trị hàng tồn kho lớn (hàng tồn kho là một khoản mục trong tài sản ngắn hạn của công ty). Hàng tồn kho có thể được các công ty này bán thanh lý để thanh toán các khoản nợ đến hạn trong trường hợp cần thiết.  
  • Chú ý đến các thay đổi qua thời gian: Phân tích chỉ số khả năng thanh toán của doanh nghiệp qua thời gian là một bước quan trọng trong việc xác định độ ổn định và sức khoẻ tài chính doanh nghiệp. Việc này cung cấp các thông tin giá trị về hiệu quả tài chính trong ngắn hạn của doanh nghiệp, giúp xác định xu hướng thay đổi, phát hiện cảnh báo sớm và làm cơ sở cho công tác cải thiện tài chính trong doanh nghiệp.  
  • Phối hợp với các chỉ số tài chính khác: Chỉ số khả năng thanh toán chỉ là 1 trong số các công cụ đánh giá hiệu quả tài chính. Để có cái nhìn toàn cảnh về vị thế tài chính của một doanh nghiệp, chúng ta cần kết hợp thêm với các chỉ số tài chính khác. Một công ty có thể có chỉ số thanh khoản tốt nhưng nếu chỉ số khả năng sinh lời thấp, công ty hoàn toàn có thể gặp các khủng hoảng về tài chính trong tương lai gần.  

Ví dụ, hệ số khả năng thanh toán hiện thời và hệ số khả năng thanh toán nhanh của ngành Bất động sản lần lượt là 2,65 và 1,92 cao hơn so với các con số của Vinhomes trong bảng 1. Đồng thời, hệ số thanh khoản của công ty này cũng giảm mạnh trong năm 2022 cho thấy công ty có thể gặp các vấn đề về thanh khoản trong năm 2023.
Ở bài viết sau, ABS sẽ cùng bạn đi tiếp loại chỉ số tài chính thứ 2: Chỉ số khả năng sinh lời để xem liệu VHM có đang gặp các vấn đề thực sự về tài chính hay không nhé!

 


 

Xem thêm các bài viết khác trong series Phân tích chỉ số tài chính

  


 

Huấn luyện viên đầu tư ABS 

Follow page ABS để tiếp tục nhận được các bài viết kiến thức đầu tư:  Tại đây 

Link tải App ABS Invest với đầy đủ bộ công cụ hỗ trợ đầu tư: Tại đây