Chia sẻ:

PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 1: Giới thiệu về phân tích chỉ số tài chính

Các nhà đầu tư chắc hẳn đã được nghe rất nhiều về thuật ngữ “chỉ số tài chính”. Đúng vậy, phân tích chỉ số tài chính là một bước rất quan trọng trong việc lựa chọn doanh nghiệp, ngành để đầu tư. Ở sê-ri bài viết lần này, Chứng khoán An Bình (ABS) sẽ khái quát cho bạn những kiến thức quan trọng và hữu ích nhất về chỉ số tài chính để các bạn có thể tự thực hiện phân tích các mã cổ phiếu mà mình quan tâm.  

Vậy phân tích chỉ số tài chính là gì? 

Phân tích chỉ số tài chính là một phương pháp định lượng sử dụng các số liệu thu thập được trong báo cáo tài chính như bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ để đánh giá sức mạnh tài chính của một doanh nghiệp, cụ thể là đánh giá tính thanh khoản, hiệu quả hoạt động, khả năng sinh lời, khả năng trả nợ… của doanh nghiệp. Phân tích chỉ số tài chính là một viên gạch nền quan trọng trong phân tích cơ bản.  

Tại sao việc phân tích chỉ số tài chính lại rất quan trọng? 

Phân tích chỉ số tài chính quan trọng bởi vì nó giúp chúng ta miêu tả chính xác hơn về tình hình hoạt động, tình hình tài chính của một doanh nghiệp. Lấy ví dụ như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines (mã cổ phiếu:HVN) với doanh thu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đạt xấp xỉ 71 nghìn tỷ VNĐ trong năm 2022. Con số nhìn qua thì có vẻ rất tốt, tuy nhiên nếu phân tích khả năng sinh lời của công ty thông qua chỉ số tài chính, chúng ta có thể thấy công ty vẫn có biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng âm trong năm qua (biên lợi nhuận ròng – ROS âm trong giai đoạn 2020-2022 như hình 1 minh hoạ bên dưới). Các con số tĩnh trong báo cáo tài chính có thể không giải thích được đầy đủ về hiệu quả hoạt động của công ty, do đó chúng ta cần tới các chỉ số tài chính.  

 

 

Ai là người cần sử dụng phân tích chỉ số tài chính? 

Theo định nghĩa thì tất cả những người quan tâm đến tình hình hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp đều cần sử dụng phân tích chỉ số tài chính: 

  • Các nhà quản lý tài chính: Nhà quản lý tài chính phải nắm được thông tin về tính hiệu quả của mọi chức năng tài chính trong doanh nghiệp và phân tích chỉ số tài chính là một công cụ quý giá và toàn diện để phục vụ cho việc này.  
  • Đối thủ cạnh tranh: Các doanh nghiệp khác trong ngành tìm kiếm thông tin về đối thủ của mình để ra các đối sách cạnh tranh thích hợp trong từng giai đoạn.  
  • Các nhà đầu tư:  Các nhà đầu tư hiện tại hay tiềm năng , giao dịch trên sàn hay thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm đều cần thông tin từ việc phân tích chỉ số tài chính để xác định xem họ có nên đầu tư vào một doanh nghiệp hay không.  

Sử dụng phân tích chỉ số tài chính như thế nào là đúng? 

Một chỉ số tài chính sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu đứng một mình, chúng sẽ chỉ có giá trị khi được mang ra so sánh với:  

  • Chỉ số của doanh nghiệp trong quá khứ: Thay vì tập trung vào các con số trong hiện tại, các công ty có xu hướng quan tâm hơn đến sự thay đổi của các con số này qua thời gian để đánh giá xem các thay đổi của họ có mang lại hiệu quả không và rủi ro có thể còn tồn đọng trong tương lai là gì. Để thực hiện phân tích chỉ số tài chính theo thời gian, chúng ta lựa chọn các chỉ số tài chính quan trọng, lập bảng tính toán chúng định kỳ (hàng tháng/quý/năm), cân nhắc các yếu tố mùa vụ hoặc các biến động ngắn hạn tác động lên công ty và phân tích sự thay đổi của chúng bằng việc trả lời các câu hỏi: Nó có cải thiện lên không? Tốc độ thay đổi như thế nào? Nguyên nhân khiến nó thay đổi là gì? 
  • Chỉ số của các công ty khác cùng ngành: Thử tưởng tượng rằng một công ty có chỉ số ROE (Return on Equity) là 10% và mọi người trong công ty đều hài lòng với chỉ số này cho đến khi họ nhận ra các đối thủ cạnh tranh của họ đều có chỉ số ROE ở mức 25%? Phân tích chỉ số tài chính sẽ đặc biệt hữu dụng khi chúng ta mang ra so sánh với các công ty khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên để tâm đến các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chỉ số tài chính của doanh nghiệp như: cấu trúc vốn khác nhau, quy mô doanh nghiệp, dòng sản phẩm mà doanh nghiệp phân phối.  
  • Tiêu chuẩn ngành: Các tiêu chuẩn ngành thường xuyên được cập nhật bởi các bên liên quan ngoài doanh nghiệp như tổ chức tín dụng chẳng hạn. Các tổ chức tín dụng sẽ đặt ra các mốc yêu cầu cho chỉ số tài chính của một doanh nghiệp và nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn này, toàn bộ khoản vay có thể bị siết hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một mức điều chỉnh lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro cao hơn của tổ chức tín dụng.  

Các loại chỉ số tài chính phổ biến nhất? 

Có 6 loại chỉ số tài chính mà các nhà đầu tư nên quan tâm bao gồm:  

  • Chỉ số khả năng thanh toán 
  • Chỉ số hiệu suất hoạt động 
  • Chỉ số cơ cấu tài chính (đòn bẩy tài chính) 
  • Chỉ số khả năng sinh lời 
  • Chỉ số khả năng trả nợ 
  • Chỉ số giá thị trường 

Trong các bài viết sắp tới, ABS sẽ đồng hành cùng các bạn trong việc tìm hiểu kỹ hơn về ứng dụng của từng loại chỉ số tài chính kể trên với các ví dụ thực tế sinh động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các bạn cùng theo dõi nhé! 

 


 

Xem thêm các bài viết khác trong series Phân tích chỉ số tài chính

 


 

Series các bài viết khác của ABS

 

1. Series PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

 

2. Series ĐỌC HIỂU BÁO CÁO TÀI CHÍNH

—————————

 

Huấn luyện viên đầu tư ABS 

Follow page ABS để tiếp tục nhận được các bài viết kiến thức đầu tư:  Tại đây 

Link tải App ABS Invest với đầy đủ bộ công cụ hỗ trợ đầu tư: Tại đây