Theo báo cáo thị trường tiền tệ vừa công bố của Bộ phận SSI Retail Research, chứng khoán bước vào tháng 7 Âm lịch với tâm lý tích cực nhờ số liệu lợi nhuận 6 tháng 2018 của các doanh nghiệp niêm yết. VN-Index chốt phiên ngày 31/8 tại ngưỡng 989,54 điểm, tăng 3,47% so với tháng trước tương ứng với 33,15 điểm.
Đà tăng của VN-Index trong tháng 8 chủ yếu nhờ sự nâng đỡ từ nhóm Dầu khí và Ngân hàng. Giá dầu Brent phục hồi mạnh, tăng thêm 4,26% so với tháng trước đã tác động tích cực đến diễn biến của GAS. Theo ước tính, giá dầu Brent tăng thêm 1 USD thì lợi nhuận trước thuế (LNTT) của GAS tăng thêm 150 tỷ đồng. Giá cổ phiếu GAS tăng 17,3% so với tháng trước, đóng góp tới 10,4 điểm tăng cho VN-Index.
BID, VCB và CTG là 3 cổ phiếu Ngân hàng nổi bật nhất trong tháng 8, nhóm này đóng góp tới 17,2 điểm tăng cho VN-Index. Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển cho ngành Ngân hàng đã thu hút dòng tiền vào cổ phiếu nhóm này. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ hạ từ mức tối thiểu 65% về mức 51% từ năm 2021 và 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank và Vietinbank sẽ được niêm yết tại các sở giao dịch chứng khoán nước ngoài.
Sau giai đoạn điều chỉnh sâu từ tháng 4 đến đầu tháng 7, tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam đã ổn định hơn khi hy vọng từ các vòng đám phán thương mại và đồng USD đảo chiều giảm. Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về Chiến lược nâng hạng thị trường chứng khoán củng cố niềm tin cho giới đầu tư. Thanh khoản thị trường tháng 8 cải thiện so với tháng 7. Giá trị giao dịch bình quân tính trên cả 2 sàn tăng thêm 13% so với tháng trước, đạt mức 4.982 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì xu hướng bán ròng, tạo áp lực lên nhiều cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE. Khối ngoại bán ròng hơn 1.500 tỷ trên HOSE, tập trung chủ yếu vào VIC (1.300 tỷ đồng) ,VNM (1.064 tỷ đồng) và VHM (514 tỷ đồng). Giao dịch của khối ngoại là nguyên nhân chính khiến cho các cổ phiếu trên rơi vào trạng thái điều chỉnh trong tháng 8. Tính chung cả 3 sàn, quy mô bán ròng của khối ngoại đạt mức 1.250 tỷ đồng, do nhóm này thực hiện mua ròng trên HNX (100,2 tỷ đồng) và Upcom (196,2 tỷ đồng).
Sự hồi phục của thị trường đã đẩy định giá P/E bình quân của VN Index lên 17,6, tăng đáng kể so với mức trung bình tháng 7 là 16,8. Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, mức P/E của VN Index vẫn thấp hơn so với Indonesia (19,9), Malaysia (19,3) và Phillipines (19,8).
Thị trường cơ sở diễn biến tích cực đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, từ đó làm thị trường phái sinh hạ nhiệt. Tổng khối lượng giao dịch (KLGD) trên thị trường phái sinh trong tháng 8 đạt 1,8 triệu hợp đồng, tương đương với bình quân 79.539 hợp đồng/phiên, giảm 38% so với tháng trước, đây cũng là mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Khối lượng mở vào phiên giao dịch cuối tháng 8 là 15.320 hợp đồng, giảm 9,1% so với thời điểm cuối tháng 7.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.