Hiện nay, mặt bằng lãi suất margin đang nằm trong khoảng 14%/năm, tuy nhiên một số CTCK lại công bố những gói sản phẩm margin với lãi suất chỉ từ 7-9%/năm. Điều này gây bất ngờ ngay cả với những người làm việc trong ngành CK.
Thủ thuật
Có thể nhìn nhận đây là một hình thức nhằm quảng bá tên tuổi, thương hiệu của CTCK. Bởi quy luật khá phổ biến, khi thị trường vào vùng đỉnh, các CTCK thường rất thoải mái cho vay margin, và ngược lại khi thị trường xuống đáy lại siết trở lại. Hiện tượng sale off margin có khớp với quy luật này hay không, có lẽ phải có thêm thời gian quan sát. |
Nhân viên môi giới một CTCK lớn phân tích, sẽ là vô lý nếu lãi suất margin bị hạ xuống bởi xu hướng lãi suất chung trong năm 2017 có thể tăng, nên lãi margin nếu không tăng cũng sẽ phải đi ngang. Mặt khác, các CTCK huy động vốn đầu vào thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay NH cũng từ 8-9%/năm, vậy làm sao có thể cho vay margin với lãi suất thấp hơn được?
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế lại có phần khác. Kể từ 1-3, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) triển khai sản phẩm mới Smart12 với lãi suất hấp dẫn chỉ 8,9%/năm và phí giao dịch ưu đãi 0,15%. Theo đó, khách hàng đăng ký sử dụng Smart12 khi mua CP ngày rồi bán CP trả nợ trong vòng 12 ngày lịch, sẽ được hưởng mức lãi suất ký quỹ ưu đãi 8,9%/năm vì MBKE chỉ tính lãi kể từ ngày lịch thứ 2 sau ngày phát sinh giao dịch mua.
Kèm theo đó, MBKE cũng sẽ áp dụng thu phí giao dịch ở mức thấp nhất hiện tại là 0,15% cho khách hàng sử dụng Smart12. Trưởng phòng môi giới một CTCK có vốn ngoại chia sẻ, sắp tới đây CTCK của anh cũng sẽ có những sản phẩm margin với lãi suất từ 6-9%/năm, mặc dù lãi suất nhìn chung của công ty anh cũng đang ở mức 14%/năm. Vậy đâu là nguồn tin dẫn đến một loạt CTCK sale off sản phẩm như vậy?
Nguyên nhân thứ nhất, cũng như quần áo hay hàng điện tử, các nhà phân phối thường xuyên có nhu cầu “clear” (xả kho) để thu hồi vốn, các CTCK cũng có nhu cầu “đẩy vốn” để thu lãi nhằm trang trải các loại chi phí khác nhau. CTCK có 1.000 tỷ đồng cho vay margin với lãi suất 14%/năm chưa chắc đến cuối năm đã thu về được 140 tỷ đồng tiền lãi, vì còn phải phụ thuộc vào biến động của thị trường.
Thị trường yếu, CP không tăng giá thì NĐT không hào hứng mua vào, margin vì vậy có thể trở thành áp lực. Hạ lãi suất margin cũng có thể xem như một cách để CTCK chia sẻ chi phí lãi vay với NĐT, đồng thời vẫn duy trì được nguồn thu của mình.
Song không phải CTCK nào cũng sẽ huy động vốn từ phát hành trái phiếu hay vay NH. Các CTCK cũng có nguồn vốn tự có, vốn tích lũy được từ lợi nhuận, vì vậy cũng có thể điều chỉnh lãi suất cho vay một cách linh hoạt.
Thực tế, với những CTCK có lợi thế từ các tập đoàn nước ngoài, các mối quan hệ, nên có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau với lãi suất hấp dẫn cũng không quá khó khăn. Hiểu một cách đơn giản, để cho vay margin 8%/năm và có lãi, một số CTCK có thể có nguồn để vay với lãi suất 5-6%/năm. Vì đôi khi, chính các đơn vị tìm được CTCK để cho vay với lãi suất như vậy cũng có nhu cầu đẩy vốn ra thị trường để hưởng lãi.
Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn cả chính là việc giảm mạnh lãi suất margin, nhưng các CTCK lại kèm thêm một loạt điều kiện theo kiểu bán bơ kèm lạc, hoặc thậm chí có thể ví như mua 1 tặng 1 nhưng tính tiền 2. Tại một CTCK thường hiện diện trong top 10 của thị trường, lâu nay vẫn có sản phẩm với tên gọi T6, T8 hay T12 cũng nhằm mục đích giảm lãi suất margin cho khách.
Theo đó, khách hàng sẽ phải đáp ứng một loạt điều kiện bao gồm GTGD, giá trị tài sản, thời hạn giao dịch mà nếu không thỏa sẽ không được cung cấp. Cần lưu ý rằng, các sản phẩm sale off margin thường đi kèm với thời hạn ngắn, chẳng hạn 12 ngày lịch cũng chưa đến 2 tuần, chưa được 10 phiên giao dịch.
Ràng buộc điều kiện
Thời hạn ngắn cũng buộc NĐT phải lướt nhiều hơn, mua vào, bán ra nhanh hơn, NĐT có thể không có lãi, nhưng CTCK chắc chắn thu được tiền bao gồm phí giao dịch và cả lãi margin. Như vậy, hạ lãi suất margin có thể giảm đi phần lãi vay cho mỗi giao dịch, nhưng nếu tần suất giao dịch tăng lên, xem như CTCK vẫn lãi nhờ số lượng. Điều này cũng giống như việc các hệ thống phân phối bán sale off nhiều sản phẩm để đạt đủ sản lượng nhằm hưởng chiết khấu từ nhà sản xuất.
Một chi tiết cũng không thể bỏ qua, đó là nếu “lỡ” vi phạm các điều khoản, chẳng hạn như giữ CP quá thời hạn quy định trong sản phẩm, mức lãi margin mà NĐT có thể chịu theo như cam kết trong hợp đồng sẽ còn cao hơn 14%/năm, chẳng hạn như tại một CTCK lớn có thể đẩy lên mức 18%/năm. Tất nhiên, đây là thỏa thuận giữa CTCK và NĐT, nhưng theo như chia sẻ của một NĐT kỳ cựu, nhiều người đôi khi vội vã hoặc thiếu tỉnh táo chỉ nhìn vào những mức lãi suất hấp dẫn, mà quên đi những mức “lãi phạt”.
Mức lãi suất margin 14%/năm đã được duy trì trong thời gian rất dài và chưa một CTCK nào, đặc biệt là CTCK lớn bộc lộ ý định “phá giá” trong phạm vi lớn, đó là điều có thể thấy được. Mặt khác, các chương trình sale off margin thường cũng chỉ triển khai trong khoảng vài tháng.
Thực tế, trừ những NĐT lướt sóng chuyên nghiệp, những NĐT thông thường cũng không quá quan tâm đến lãi suất margin, chênh lệch một vài % tính trên năm cũng không đáng kể. Vậy nên, các chương trình sale off margin nếu có cũng chỉ giống như thêm “hương hoa” cho chuỗi sản phẩm dịch vụ của CTCK thêm đa dạng. Cho đến khi nào một loạt CTCK trong top 5 cùng đẩy mạnh vào sản phẩm này thì một xu hướng lãi suất margin mới có thể được định hình, còn thời điểm này chưa.
Thái Ca
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc