Chia sẻ:

P/E trung bình ngành thép ở mức 6,1 lần

Cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp.

Tại cuộc hội thảo “Ngành Thép & Thị trường chứng khoán 2017” chiều 13/3, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc cho rằng tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới. Ông Đăng nhận định, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp. Đó là tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín; khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ.

 Về vấn đề tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín, có thể nói HPG là một ví dụ điển hình cho việc phát triển theo hướng đi này và trụ vững trong giai đoạn khó khăn của ngành thép thời gian qua. Việc tổ chức quy trình sản xuất khép kín sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, với chu trình sản xuất khép kín cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm ở từng khâu sản xuất chặt chẽ hơn.

Về phần khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành, ông Đăng cho rằng doanh nghiệp nếu nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, bài bản vào các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.

Còn về đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ. Ông Đăng cho biết, theo thống kê của Hiệp hội thép Thế giới, ngoài bán thành phẩm, các sản phẩm gia công sau cán như tôn mạ, ống thép là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu thép toàn cầu. Hiện nay, tôn mạ kim loại cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 33% (tương ứng với hơn 1.3 triệu tấn) trong cơ cấu xuất khẩu thép năm 2016 (VSA). Bên cạnh đó, nguyên liệu thép sản xuất que hàn có biên lợi nhuận gộp cao, ở mức 20% vẫn đa số phải nhập khẩu. Do vậy, đây đều là những phân khúc còn tiềm năng tăng trưởng tốt cho các doanh nghiệp thép Việt.

P/E trung bình ngành chỉ ở mức 6,1 lần

Doanh nghiệp toàn ngành đều có sự phục hồi rõ rệt khi lợi nhuận đều tăng trưởng 70%-130% so với năm 2015. Xét về các chỉ số sinh lời, HPG và HSG vẫn là những doanh nghiệp đi đầu về tỷ suất lợi nhuận. Trong khi đó, NKG và SMC lại có tỷ lệ ROE cao nhất.

Trong năm 2016, thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong ngành thép nhìn chung đều cho thấy xu hướng tăng. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế một số doanh nghiệp nổi bật có thể kể đến như HPG (89%), HSG (131%), VGS (78%), DNY (138%), NKG (312%).

Theo ông Đăng, trong 6 tháng trở lại đây, đa số các cổ phiếu ngành thép đều có diễn biến tốt hơn VN-Index. Các chỉ số P/E trung bình ngành chỉ ở mức 6,1 lần, thấp hơn nhiều so với P/E chung của thị trường (12-13 lần).

 

Bình An

 


 Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc