Chia sẻ:

Những yếu tố tác động VN Index

2016 đánh dấu 1 năm tăng trưởng vượt bậc của chỉ số VN Index khi lần đầu tiên bứt lên trên kênh giá đi ngang được hình thành trong 2 năm 2014-2015 ở vùng điểm 510-640. Hiện chỉ số này đang giao dịch quanh mức 700 điểm nhưng khả năng sẽ còn gia tăng trong năm 2017 nếu thị trường không đón nhận những rủi ro ngoài tầm kiểm soát.  

Phụ thuộc vào CP lớn

 

Những mã CP có vấn đề đang gây tổn thất và làm giảm lòng tin NĐT. Chất lượng của CP lên sàn không được đảm bảo cũng làm suy giảm chất lượng thị trường chung và gián tiếp ảnh hưởng đến dòng tiền mới tích cực tham gia thị trường.

Lượng cung hàng trên thị trường được dự báo sẽ cải thiện cả về lượng và chất trong năm 2017. Theo Thông tư 115/2016/TT-BTC về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-11-2016), 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, NĐT mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.

 

Quy định này phần nào giúp đẩy nhanh quá trình niêm yết, cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp được NĐT chờ đợi trong năm 2017 có thể kể đến như Petrolimex, VEAM, Vietnam Airlines, hay các doanh nghiệp đang chuẩn bị IPO như Vietjet Air, PV Power, MobiFone.

 Năm qua đã chứng kiến quá trình chuyển sàn của một số tổng công ty với giá trị vốn hóa lớn sau thời gian niêm yết trên UPCoM như Habeco (BHN), Viglacera (VGC), Tổng công ty Cảng hàng không (ACV). Theo CTCK Vietcomnbank (VCBS), diễn biến của TTCK trong thời gian gần đây cho thấy điểm số càng lúc càng chịu sự chi phối của các nhóm CP lớn và mới niêm yết.

Sự xuất hiện của hàng loạt ông lớn trên TTCK phụ thuộc các nhóm ngành như bia, dịch vụ hàng không, bất động sản sẽ làm thay đổi đáng kể tỷ trọng đóng góp của các nhóm ngành vào rổ chỉ số chung. Điều này, kéo theo khả năng các quỹ đầu tư sẽ phải tiến hành cơ cấu lại danh mục nhằm theo sát diễn biến của chỉ số chung. Theo đó, cơ hội tại CP thuộc vốn hóa lớn mới lên sàn sẽ đồng nghĩa với áp lực đến với nhóm CP hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số như ngân hàng, dầu khí, thực phẩm tiêu dùng.

Nhận định về diễn biễn của VN Index trong năm 2017, các chuyên gia phân tích của CTCK BIDV (BSC) cho rằng thị trường tăng điểm theo chu kỳ vào tháng 3-4 nếu có điều chỉnh vào tháng 1-2. Do thời điểm này thị trường có thông tin hỗ trợ từ triển vọng kinh tế quý I, các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh kiểm toán năm 2016 (dự kiến quý I-2017 và ĐHCĐ năm 2016).

Hiệu ứng tâm lý từ các CP niêm yết mới, kết quả kinh doanh năm 2016 và quý I-2017 có thể giúp thị trường giữ nhịp trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào dòng tiền mới, các giải pháp hỗ trợ cầu. Theo đó, các chính sách điều hành vĩ mô, diễn biến tỷ giá và lãi suất sẽ định hình rõ rệt kéo theo biến động phức tạp trên TTCK.

 
Cẩn trọng với FED

Những năm vừa qua, dòng tiền ngoại vẫn đóng vai trò dẫn dắt và định hướng thị trường. Trong các yếu tố tác động đến xu hướng đầu tư của NĐTNN, các quyết định của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) là hết sức quan trọng. Việc FED duy trì lãi suất cơ bản thấp nhất lịch sử trong những năm qua đã giúp tránh sự đổ vỡ của thị trường tài chính trong giai đoạn 2007-2008 và hỗ trợ thị trường hồi phục.

Trong giai đoạn 2012-2015, xu hướng mua ròng từ khối ngoại vẫn là chủ đạo và đóng góp tích cực trong việc gia tăng giá trị cũng như thanh khoản thị trường. FED chính thức tăng lãi suất từ 0,5% lên 0,75%/năm vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, tác động của nó thực sự đã diễn ra một thời gian trước đó.

Năm 2017 đứng trước nhiều biến động từ tình hình kinh tế thế giới, áp lực từ khả năng tăng lãi suất của FED khiến dòng vốn ngoại rút khỏi những thị trường biên và sẽ còn là xu hướng chủ đạo. Đi kèm với quyết định nâng lãi suất trong năm nay, FED cũng đã công bố kế hoạch nâng lãi suất 3 lần vào năm 2017 sắp tới (mỗi lần tăng 0,25%) và dự báo đến năm 2018, lãi suất có thể sẽ ở mức 2,125%/năm.

Lộ trình này nếu thực hiện có thể sẽ làm hạn chế lượng vốn đầu tư nước ngoài lên các thị trường biên, hoặc chỉ kích thích được dòng tiền trong ngắn hạn sau những thời điểm công bố thông tin của FED. Việc FED tăng lãi suất cũng sẽ khiến chi phí lãi vay tăng, thúc đẩy sự rút ròng luồng tiền ngắn hạn khỏi các quốc gia đang phát triển và chảy ngược về Hoa Kỳ.

Sẽ xuất hiện nhiều CP bất thường

Theo BSC, hiện tượng CP đã niêm yết một thời gian, nay mất thanh khoản hoặc giảm mạnh khiến thị trường đặt ra câu hỏi về chất lượng CP trong bối cảnh dòng tiền thị trường đang trở nên kém tích cực hơn. Trong khi thị trường tiếp nhận thêm những CP được đánh giá tốt, những CP mới lên sàn tăng giá mạnh thu hút dòng tiền sau đó suy giảm nhanh về điểm số xuất hiện nhiều hơn.

Đó là những mã CP có vấn đề về quản trị/tài chính, CP mới được tăng vốn mạnh để lên niêm yết và CP có tỷ lệ CP tự do giao dịch thấp và được đẩy giá mạnh.

Những mã CP này kết hợp với tình trạng margin cao, khi có biến động về thị trường hoặc lãi suất sẽ xuất hiện các rủi ro và thường giảm rất mạnh, gây thiệt hại cho NĐT. Các mã CP có vấn đề này được dự báo sẽ còn xuất hiện nhiều hơn trong năm 2017, do việc siết chặt quản lý từ cơ quan nhà nước.

 

Kim Giang

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.