VN-Index kết tuần đứng ở 983,17 điểm, tương ứng giảm 3,28% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 3,38% xuống 111,98 điểm. Mức độ biến động của nhóm cổ phiếu vốn lớn trên thị trường trong tuần này không quá lớn, nhưng đa phần các cổ phiếu thuộc nhóm này đều có mức tăng trưởng âm.
Trong khi đó, biên độ dao động của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lại lớn hơn rất nhiều và cũng có sự phân hóa tương đối mạnh.
Ở sàn HOSE, cổ phiếu gây sự chú ý nhất đó là ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros. Đây là cổ phiếu vốn hóa lớn duy nhất góp mặt trong danh sách những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất. ROS trong tuần đã có trọn vẹn 5 phiên giảm, trong đó có 2 phiên ‘nằm’ sàn. ROS đã giảm tổng cộng 24%. ROS đang trở thành nỗi ‘ác mộng’ của nhà đầu tư, cổ phiếu này lao dốc không phanh từ mức khoảng 180.000 đồng/CP từ cuối năm 2017 và giờ chỉ còn 43.250 đồng/CP.
Trong khi đó, dẫn đầu danh sách giảm giá sàn HOSE là STT của Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist. STT đã giảm từ 8.570 đồng/CP xuống 6.430 đồng/CP, tương ứng 25%. Việc STT bất ngờ lao dốc mạnh trong bối cảnh cổ phiếu này rất ít khi có giao dịch là do STT sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 6/7. Nguyên nhân bị hủy niêm yết là do công ty lỗ 3 năm liên tiếp (2015, 2016, 2017).
Chiều ngược lại, cổ phiếu RIC của Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia có mức tăng mạnh nhất sàn HOSE với 26,6%. Trong tuần trước, RIC đã công bố tài liệu ĐHCĐ năm 2018. RIC dự kiến doanh thu 15,89 triệu USD (360 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế 1,56 triệu USD (35 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu Casino đạt 9,98 triệu USD, doanh thu khách sạn, biệt thự đạt 5,91 triệu USD.
Cổ phiếu SVT của Công ty Cổ phần Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông cũng tăng 22%. Đáng chú ý, thời gian gần đầy trên thị trường không có thông tin nào đủ sức tác động giúp cổ phiếu SVT bứt phá như vậy.
Đáng chú ý, CCQ FUCTVGF1 bất ngờ bứt phá mạnh. Trong tuần, CCQ này đã tăng 20,4%. Cổ phiếu SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương cũng là một cái tên tăng giá trên 20% ở tuần qua.
Tương tự sàn HOSE, sàn HNX tuần này cũng chỉ có một vài cổ phiếu tăng giá trên 20%. Trong đó, dẫn đầu danh sách là cổ phiếu LBE của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Long An với 34,8%. Hai cổ phiếu CTT của CTCP Chế tạo máy Vinacomin và DPC của Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng có mức tăng lần lượt là 29,2% và 20,8%. Dù có mức tăng rất mạnh nhưng ba cổ phiếu nói trên lại không mấy thu hút được nhà đầu tư do thanh khoản rất thấp chỉ vài trăm cho đến vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Trong khi đó, cổ phiếu HHC của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà dẫn đầu danh sách giảm giá với 34,2%. Nếu tính rộng hơn, cổ phiếu HHC đang có chuỗi ngày ‘bết bát’ khi giảm từ 99.000 đồng/CP xuống chỉ còn 47.500 đồng/CP chỉ trong vòng khoảng 3 tuần.
Ba cổ phiếu đều có mức giảm trên 20% đó là DIH của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng – Hội An, KDM của Công ty Cổ phần Đầu tư HP Việt Nam và SSM của Công ty Cổ phần Chế tạo Kết cấu Thép VNECO.SSM.
Trên sàn UPCoM, biên độ dao dộng của các cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất không còn quá lớn như các tuần trước đó. Dẫn đầu danh sách tăng giá là CCH của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội với 47,7%. Tiếp sau đó, có đến 8 cổ phiếu khác giảm giá trên 30% là PEC, VET, LMI, TV1, PMT, HLA, HDM và QPH.
Chiều ngược lại, cổ phiếu VLP của Công ty Cổ phần Công trình công cộng Vĩnh Long đã giảm giá 40%. Điểm đáng chú ý là trong tuần, VLP chỉ xuất hiên giao dịch duy nhất một phiên và biên độ dao dộng của phiên hôm đó đã lên đến +/-40% do VLP trước đó đã không có giao dịch trên 25 phiên liên tiếp.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.