Những khó khăn của thị trường chứng khoán chưa qua đi, lại một tuần giao dịch nữa trôi qua thị trường ghi nhận những diễn biến tiêu cực. Những phiên hồi phục trong thời gian này đều mang tính chất ‘bull – trap’ khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra mất kiên nhẫn. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 963,9 điểm, tương ứng giảm đến 7,4% so với tuần trước. HNX-Index cũng giảm 5,59% xuống chỉ còn 114,49 điểm. UPCoM-Index giảm 3,82% xuống 53,13 điểm.
Dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường trong khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng là hai điểm tiêu cực nhất ở thời điểm hiện tại.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn vừa có khoảng thời gian giao dịch rất xấu. Tại sàn HOSE, trong số 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất ở tuần giao dịch qua thì có đến 4 cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn.
Trong đó, ROS tiếp tục là nỗi thất vọng cho nhiều nhà đầu tư khi giảm gần 20% chỉ sau 5 phiên giao dịch. Trong khi đó, cùng với sự đi xuống của nhóm ngành dầu khí, PVD là cổ phiếu dẫn dắt với mức giảm 17,5%. Tương tự, BID cũng là cổ phiếu dẫn dắt cho nhóm ngân hàng thời gian này nhưng lại theo chiều đi xuống. Sau 5 phiên giao dịch, BID giảm đến 16%.
Cổ phiếu dẫn đầu về mức giảm giá tại sàn HOSE là TTF của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành với 20,4%. Mới đây, TTF đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng 48,02% vốn góp tại CTCP Trường Thành Xanh giá không thấp hơn mệnh giá và trước đó là bán đấu giá 2.3 triệu cổ phần tại CTCP Nông Lâm nghiệp Trường Thành. Việc thanh lý này sẽ đem đến nguồn tiền bổ sung vốn lưu động cho công ty.
Ở chiều ngược lại, CTF của Công ty cổ phần City Auto là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất khi đi ngược lại xu hướng chung của thị trường. CTF trong tuần đã tăng gần 21% từ 18.600 đồng/CP leo lên 22.500 đồng/CP. Thời gian gần đây trên thị trường không xuất hiện quá nhiều thông tin liên quan đến doanh nghiệp này.
Do ảnh hưởng từ những diễn biến xấu của thị trường chung nên biên độ của các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HOSE tuần này đều không quá mạnh. Đứng sau CTF là cổ phiếu TIX của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình với gần 17%.
Ở sàn HNX, tuy không lọt vào top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhưng một số mã có tính dẫn dắt như PVS, VCS, SHB… đều giảm trên 10%. Trong khi đó, dẫn đầu danh sách này là cổ phiếu VE8 của Công ty cổ phần Xây dựng điện VNECO 8 giảm 32,3%. Hai cổ phiếu đứng sau là V12 của Công ty Cổ phần Xây dựng số 12 và MST của CTCP Xây dựng 1.1.6.8 giảm lần lượt 23% và 20,5%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu KHL của Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long lại gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi tăng 50% sau 1 tuần. Nhưng việc tăng giá mạnh như trên của KHL chỉ diễn ra sau đúng 1 phiên giao dịch. Do thị giá của cổ phiếu này quá thấp nên mỗi biến động lên xuống của cổ phiếu này nếu tính phần trăm rất lớn. KHL chỉ cần tăng một bước giá từ 200 đồng/CP lên 300 đồng/CP thì mức tăng đã là 50%. Trong tuần trước, KHL cũng chỉ cần 1 phiên giao dịch để giảm 33,3%.
Còn ở sàn UPCoM, do biên độ dao động giá là +/-15% nên biến động giá lớn nhất trong ba sàn giao dịch. Trong tuần qua, có 3 cổ phiếu tại sàn này giảm giá trên 40% đó là PEQ của Công ty cổ phần Thiết bị Xăng dầu Petrolimex, TCK của Tổng công ty cơ khí xây dựng – CTCP và PTP của Công ty Cổ phần Dịch vụ Viễn thông và In Bưu điện.
Trong khi đó, sàn UPCoM cũng ghi nhận 6 cổ phiếu tăng giá trên 40% thậm chí có 2 cổ phiếu còn tăng đến trên 50%. Dẫn dầu danh sách này là VTG của Công ty cổ phần Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với mức tăng là gần 53%.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.