Chia sẻ:

Nhiều cổ phiếu lớn lao dốc, hai sàn giảm điểm

Thị trường về cuối phiên sáng ghi nhận sự sụt giảm mạnh đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Cụ thể, các mã như BVH, VPB, VIC, ROS, PLC… đều đồng loạt giảm mạnh và kéo cả hai chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, BVH giảm 1.500 đồng (-2,05%) xuống 71.500 đồng/CP. MSN giảm 2.100 đồng (-2,26%) xuống 90.700 đồng/CP. STB giảm 350 đồng (-2,28%) xuống 15.000 đồng/CP và khớp lệnh 24,5 triệu cổ phiếu. ROS giảm 4.000 đồng (-2,41%) xuống 161.800 đồng/CP.

 

Tuy nhiên, đà giảm của hai chỉ số cũng không quá mạnh nhờ vào lực đỡ tốt đến từ các cổ phiếu như VJC, BID, GAS, CTG, VCG… Trong đó, VJC tiếp tục tăng mạnh 1.900 đồng (1,18%) lên 162.800 đồng/CP. GAS tăng 1.400 đồng (1,37%) lên 103.600 đồng/CP.

 

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thị trường chứng kiến sự trỗi dậy đến từ cặp đôi HAG và HNG. Trong đó, HAG tăng 230 đồng (3,01%) lên 7.860 đồng/CP và khớp lệnh đột biến 13,3 triệu cổ phiếu. HNG tăng 220 đồng (2,41%) lên 9.350 đồng/CP và khớp lệnh 2,8 triệu cổ phiếu. AMD bất ngờ được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh 9,3 triệu cổ phiếu, trong khi vẫn dư mua giá trần 8,3 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, HVG vẫn giảm kịch sàn và dư bán giá sàn 4,3 triệu cổ phiếu.

 

Thanh khoản thị trường vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, tổng khối lượng giao dịch đạt 245 triệu cổ phiếu, trị giá 5.500 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm gần 600 tỷ đồng.

 

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 4,34 điểm (-0,41%) xuống 1.059,13 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 171 mã giảm và 80 mã đứng giá.

 

HNX-Index giảm 0,49 điểm (-0,4%) xuống 121,54 điểm. Toàn sàn có 59 mã tăng, 86 mã giảm và 217 mã đứng giá.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày thứ 3 với những diễn biến tương đối xấu, áp lực bán dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lùi xuống dưới mốc tham chiếu và điều này khiến hai chỉ số giảm điểm trở lại. Thông tin được cho là tác động tiêu cực đến thị trường ở thời điểm hiện tại là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán về việc góp ý dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 87/QĐ-UBCK. Theo đó, Ủy ban dự kiến đưa tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hoạt động giao dịch ký quỹ trở về tỷ lệ trước đây, tức do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 60%.

 

Tuy nhiên, lực cầu ngay lập tức đã trở lại và giúp giao dịch trên thị trường trở nên cân bằng hơn. Hiện tại, các mã như BID, CTG, FPT, GAS, VCG, SHB… đều nhích lên trên mốc tham chiếu, trong đó, GAS đang tăng 1.300 đồng (1,27%) lên 103.500 đồng/CP. Giá dầu WTI và dầu Brent diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch thứ hai tuy nhiên vẫn giữ ở mức đỉnh nhiều năm do nhà đầu tư lạc quan trước khả năng thị trường được tái cân bằng. Giá dầu WTI tăng 11 cent tương đương 0,17% lên mức 64,41 USD/thùng, gần bằng ngưỡng cao nhất trong vòng 3 năm xác lập hôm thứ năm là 64,77 USD/thùng.

 

CTG đang tăng mạnh 850 đồng (3,26%) lên 26.900 đồng/CP và khớp lệnh 3 triệu cổ phiếu. CTG vừa mới tiết lộ về kết quả kinh doanh năm 2017, theo đó, với những chuyển biến tích cực, toàn diện hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 9.206 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch ĐHĐCĐ, tỷ suất sinh lời ROE và ROA lần lượt là 12% và 1%. Như vậy, hiện VietinBank chỉ đứng sau Vietcombank về lợi nhuận (lợi nhuận của Vietcombank năm 2017 trên 11.000 tỷ đồng).

 

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ đã bao trùm lên hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VCB, VIC, VPB, SAB, HDB, PVS… và điều này đang khiến hai chỉ số rung lắc. VCB đang giảm 700 đồng (-1,17%) xuống 59.300 đồng/CP. ROS giảm 5.500 đồng (-3,32%) xuống 160.300 đồng/CP.

 

Còn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HVG vẫn giảm kịch sàn xuống còn 7.650 đồng/CP và dư bán giá sàn gần 4 triệu cổ phiếu. Sau khoảng 50 phút giao dịch, VN-Index giảm 4,67 điểm (-0,44%) xuống 1.058,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 68,4 triệu cổ phiếu, trị giá 1.765 tỷ đồng.

 

HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,25%) xuống 121,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 17,6 triệu cổ phiếu, trị giá 243 tỷ đồng.

 

SSI Retail Research cho rằng xác suất điều chỉnh của thị trường vẫn còn rất cao khi đà tăng của các chỉ số vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu Largecaps và các chỉ số chính vẫn chưa thoát khỏi hoàn các mức kháng cự ngắn hạn 1050 điểm của chỉ số VN-Index và 1.060 điểm của chỉ số VN30. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, SSI Retail Research đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn đang có chiều hướng tăng nhẹ và áp lực cung lớn vẫn còn hiện hữu. Ngoài ra, theo hệ thống định lượng của SSI Retail Research, tỷ trọng các cổ phiếu có mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên trên 100.000 cổ phiếu/phiên đã giảm nhẹ khi tỷ lệ này tăng về gần mức đỉnh cũ của đầu tháng 12/2017.

 

Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 1021,61 điểm của chỉ số VN30 và 118,72 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và hạn chế mua mới. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể quan sát diễn biến của thị trường trong phiên tới để đưa ra chiến lược rõ ràng hơn.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.