Chia sẻ:

NĐT nước ngoài không quen với cơ chế đấu giá cạnh tranh tại Việt Nam

Hiện nay, quy trình thoái vốn tại DNNN do SCIC nắm giữ phải tuân thủ theo Nghị định 151, tức là thông qua hình thức chào bán cạnh tranh/đấu giá công khai, cùng với đặt cọc. NĐT nước ngoài không am hiểu về quy trình và đây là rào cản khiến họ không thể tham gia.

Ngày 12/12/2016, tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã tổ chức thực hiện buổi chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Có 2 tổ chức nước ngoài tham gia đăng ký mua 5,4% vốn điều lệ của Vinamilk là F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing, tương đương 78.378.300 cổ phần, chiếm 60% tổng số lượng cổ phần Vinamilk được phía SCIC chào bán.

Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện đơn vị tư vấn – bà Nguyễn Thị Hương Giang – Giám đốc khu vực phía Nam, Khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu Tư CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

 Đợt chào bán cổ phần VNM đã kết thúc. Là người trong cuộc, xin bà chia sẻ những nhận xét về việc này?

Bà Nguyễn Thị Hương Giang: Tiến hành việc chào bán cạnh tranh lần này, cá nhân tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ đặc biệt do tính chất quan trọng của nó: được chỉ đạo rất sát sao, khởi đầu cho quá trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Đối với đợt bán cổ phần lần này, Chính phủ và SCIC đã xác định những tiêu chí khá “tham vọng” như giá khởi điểm chào bán cao hơn giá thị trường, việc thoái vốn phải thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, vừa giúp phát triển thị trường vốn, đồng thời không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Quá trình chuẩn bị bắt đầu từ giữa năm, bao gồm các công tác chọn đơn vị tư vấn, tổ chức roadshow, xây dựng quy chế chào bán, làm việc với các cơ quan liên quan để phối hợp, kiến nghị các giải pháp để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia (như ký quỹ bằng USD, tổ chức chào bán qua HOSE), các thành viên trong tổ công tác đã làm việc rất tập trung và nghiêm túc.

Trong đợt này đã bán thành công 60% tổng số lượng cổ phần Vinamilk đem chào bán, giá trị thương vụ đạt con số 500 triệu USD, lớn nhất Đông Nam Á về giao dịch cổ phiếu trong năm nay, và cũng là một trong những giao dịch hiếm hoi mà giá bán cao hơn thị trường, trong bối cảnh đang có nhiều biến động. Đây là những cái được của vụ bán vốn này.

 Bà có chia sẻ trong quá trình làm việc có nhiều lúc tranh luận, vậy xin ông/bà chia sẻ lại những thời điểm đáng nhớ và cách cả nhóm giải quyết để vượt qua thời điểm đó?

Xác định đây là thương vụ bán vốn Nhà nước quy mô lớn đầu tiên, SCIC và Liên danh tư vấn cố gắng lắng nghe ý kiến của nhiều phía nhằm xây dựng một quy trình chuẩn để báo cáo với các cơ quan ban ngành tìm giải pháp để thực hiện.

Tuy nhiên việc thay đổi các quy định pháp luật cần có nhiều thời gian và đúng quy trình, nên các giải pháp và cách thức mà liên danh tư vấn và SCIC kiến nghị chưa thể áp dụng trong lần này.

Trước thực tế chỉ có duy nhất 2 nhà đầu tư đăng ký đấu giá Vinamilk, xin bà chia sẻ công tác đi tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng trước cuộc đấu giá đã được thực hiện như thế nào và mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đến đợt đấu giá ra sao?

Quá trình thoái vốn của Vinamilk được làm bài bản. Trước phiên đấu giá, SCIC, các đơn vị tư vấn cùng Vinamilk đã đi gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng (Non-deal roadshow) tại Singapore, London và Hong Kong.

Lúc đầu, chúng tôi cũng dự kiến đi Mỹ, tuy nhiên thủ tục pháp lý cho việc gặp gỡ nhà đầu tư và quảng bá ở Mỹ khá phức tạp, thời gian không cho phép nên chúng tôi tập trung vào 3 thành phố lớn và tiếp xúc với gần 100 nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, một số nhà đầu tư là cổ đông hiện hữu, một số nhà đầu tư chưa đầu tư vào Vinamilk, một số chưa đầu tư vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư đều đánh giá cao về Vinamilk, coi đây là một trong những doanh nghiệp thành công hàng đầu của Việt Nam. Nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến quy trình chào bán ở Việt Nam, họ cho biết không quen thuộc với môi trường pháp lý ở Việt Nam, cũng như quy trình chào bán cạnh tranh. Chẳng hạn như việc đặt cọc 10% bằng VND là rào cản, ngoài ra, các quy trình, ký các biểu mẫu cũng khá là rắc rối, và nếu làm sai sẽ bị phạt đặt cọc.

Một số nhà đầu tư cũng bày tỏ quan điểm về giá, và họ cũng không thích cơ chế bỏ giá cao thì trúng. Giả sử cùng là nhà đầu tư như nhau, một bên trúng giá cao, một bên trúng giá thấp, thì vô hình chung bên trúng giá cao sẽ bị đánh giá về năng lực.

Trong khi với các thương vụ tương tự ở nước ngoài, họ tiến hành phương pháp dựng sổ thì tất cả các nhà đầu tư sẽ được mua cùng giá. Và nếu giá cao hơn so với thị trường, một số nhà đầu tư tài chính sẽ khó có thể tham gia, họ sẽ phải xem xét (write off) khoản đầu tư ngay sau khi mua bởi thời điểm năm tài chính sắp kết thúc như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến kết quả cả năm.

Nhìn chung, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm rất lớn tới Vinamilk, tuy nhiên việc họ tham gia phụ thuộc nhiều vào quy trình và giá.

VNM vốn công ty hoạt động tốt, quy mô lớn nhất trên TTCK, nhưng đợt đấu giá bán vốn Nhà nước không hết. Theo bà, đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan trong câu chuyện này?

Chúng tôi không cho rằng đây là một thương vụ ế ẩm. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ khó khăn và bên bán có nhiều mục tiêu tham vọng. Nếu một trong các mục tiêu thay đổi, chúng tôi nghĩ khả năng bán hết là rất cao.

Tuy nhiên, đối với Chính phủ, Vinamilk là một tài sản tốt, một công ty hàng đầu ở Việt Nam, Chính phủ không có ý định bán bằng mọi giá.

Bên bán muốn thoái vốn tại Vinamilk, nhưng trong các điều phải thỏa mãn tất cả các mục tiêu, bao gồm giá, thanh khoản của thị trường sau khi thoái vốn, không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty thì tôi đánh giá kết quả như vậy cũng được cho là thành công, và cũng đã nằm trong dự kiến.

Để các đợt bán vốn Nhà nước tới đây thành công, các chủ thể tham gia quá trình này (Chính phủ, nhà tư vấn, doanh nghiệp chào bán cổ phiếu) phải đổi mới những điểm gì, thưa ông, bà?

Hiện nay, quy trình thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước do SCIC nắm giữ phải tuân thủ theo Nghị định 151, tức là thông qua hình thức chào bán cạnh tranh hoặc đấu giá công khai, cùng với việc đặt cọc. Như chúng tôi chia sẻ, nhà đầu tư nước ngoài họ không am hiểu về quy trình và đây là rào cản khiến họ không thể tham gia.

Trong đợt chào bán này, nếu phía chào bán được áp dụng phương pháp dựng sổ (book-building) thì có thể sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn.

Phương pháp dựng sổ đã được thực hiện thông dụng tại trên thế giới, theo đó, đơn vị tư vấn sẽ đứng ra xây dựng hồ sơ, quảng bá và đo nhu cầu thị trường thông qua việc dựng sổ nhu cầu mua của các nhà đầu tư ở các mức giá khác nhau nằm trên một khung giá được xác định trước. Cách làm này giúp bên chào bán xác định được mức giá tối ưu nhất cho đợt phát hành thành công và bớt đi các thủ tục phức tạp như việc đặt cọc, tuân theo nhiều biểu mẫu… của quy trình chào bán cạnh tranh hiện nay.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đã bắt đầu áp dụng phương pháp dựng sổ để phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và nhận được sự ủng hộ tích cực, bởi phương pháp này sẽ tạo sự minh bạch, đo lường tốt hơn sự hấp thụ của thị trường để đảm bảo sự thành công của phiên chào bán.

Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần Việt Nam sẽ có khung hành lang pháp lý để hỗ trợ việc chào bán cổ phần Nhà nước thuận lợi hơn.

Xin cảm ơn bà.


Lan Anh
 

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.