Chia sẻ:

KQKD tăng trưởng vượt bậc, cổ phiếu đua nhau bứt phá

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian nửa đầu năm 2017. Cụ thể, chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2017 đạt 776,47 điểm, tăng 16,8% so với đầu năm, tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng 23,7% lên 99,14 điểm.

 

Mức vốn hóa thị trường đạt 2.539,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Quy mô giao dịch bình quân phiên tăng 32,5% so với năm trước.

 

Thị trường chứng khoán bứt phá cả về mặt điểm số và thanh khoản đã giúp các CTCK gia tăng doanh thu môi giới, và đặc biệt là khoản thu không nhỏ từ cho vay ký quỹ.

 

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh chính thức hoạt động cũng đem lại một làn gió mới nhóm cổ phiếu chứng khoán. Trong đó, các CTCK thuộc top đầu được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ.

 

Nhìn vào kết quả kinh doanh của các CTCK trong nửa đầu năm 2017 chúng ta có thể thấy được sự tích cực này. Thống kê khoảng 24 CTCK đang hoạt động trên thị trường thì tổng doanh thu hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 7.167 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 2.735,6 tỷ đồng, gấp 2,24 lần cùng kỳ năm trước.

 

 

KQKD của các CTCK (đơn vị: tỷ đồng)

 

Chỉ tính riêng trong quý II/2017, doanh thu hoạt động của các CTCK nói trên cũng tăng đến 46% so với cùng kỳ và đạt trên 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.509 tỷ đồng, gấp 3,26 lần so với quý II/2016.

 

Trong đó, lãi từ hoạt động cho vay và phải thu (margin) đạt 877 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu quý II/2017. Doanh thu hoạt động môi giới chiếm 25% và đạt hơn 1.000 tỷ đồng, còn lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVPTL) chiếm tỷ trọng lớn nhất với 36,8% và đạt 1.474 tỷ đồng.

 

 

Trong số 24 CTCK mà NDH thống kê thì chỉ có duy nhất SHBS báo lỗ quý II/2017, thậm chí số lỗ của SHBS còn lớn hơn so với cùng kỳ năm trước. Có 4 CTCK chuyển lỗ quý II/2016 thành lãi quý II/2017 là OCS, MBS, MBKE và AGR. Trong đó, AGR gây bất ngờ nhất khi lãi quý II/2017 lên đến 33,9 tỷ đồng, trong khi lỗ 312,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

 

 

Đáng chú ý, các CTCK thuộc top đầu như SSI, VCSC, HCM… vẫn thể hiện được sức mạnh tuyệt đối. Trong đó, SSI dẫn đầu cả về doanh thu và lợi nhuận của cả quý II/2017 và 6 tháng đầu năm 2017. Cụ thể, SSI đạt 697,6 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2017, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 303,7 tỷ đồng, tăng 6,2%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của SSI đạt 1.240 tỷ đồng, tăng 14%, còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 600 tỷ đồng, tăng 25% so với 6 tháng đầu năm 2016.

 

Việc thị trường giao dịch tích cực trong thời gian vừa qua công với KQKD tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp các cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán có một sự bứt phá đáng kể. Trong số các CTCK đang niêm yết trên hai sàn giao dịch HOSE và HNX, tính từ đầu năm đến ngày 4/7/2017, nhiều cổ phiếu đã có mức tăng vượt bậc, thậm chí gấp đến 3 lần so với hồi đầu năm 2017.

 

 

Từ nay đến cuối năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn và mang tính phân hóa vào giai đoạn đầu quý III, tuy nhiên nhìn chung thị trường sau đó sẽ tiếp tục xu hướng đi lên trong trung hạn. VN-Index được kỳ vọng tiếp tục hướng đến mục tiêu khoảng 800 điểm.

 

Nếu đúng như vậy thì tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngành chứng khoán có thể chưa dừng lại ở đây mà còn nối dài hơn nữa trong bối cảnh thị trường chứng khoán phái sinh được cho là sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/8/2017. Tiềm năng tăng trưởng của TTCK phái sinh đã được ghi nhận ở các thị trường lân cận với sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô, giá trị giao dịch theo từng năm.

 

Chia sẻ tại cuộc hội thảo gần đây, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn khối Khách hàng cá nhân-Khối DVCK Cty SSI nhận định thanh khoản của thị trường phái sinh dự báo sẽ đạt mức cao (nhờ các ưu điểm về đặc thù sản phẩm -PV), điều này sẽ thu hút dòng tiền và tạo nguồn thu tốt cho các CTCK, nhất là vào thời điểm thị trường bước vào giai đoạn giảm.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.