Chia sẻ:

Hàng loạt tân binh chuẩn bị chào sàn quý II

Nhiều ông lớn “rốt ráo” chào sàn

Mở đầu quý II này, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã chính thức trở thành thành viên thứ 526 của sàn UPCoM. Toàn bộ 80 triệu cổ phiếu MIG của Tổng công ty chính thức được giao dịch trên sàn từ 5/5. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu là 10.000 đồng/cp, và đã có thời điểm tăng lên 15.000 đồng/cp sau hơn tuần giao dịch.

Với EPS năm 2016 đạt 1.277 đồng, P/E của MIC tới cuối ngày 12/5 đạt 10,5 lần, thấp hơn khá nhiều so với 8 ông lớn bảo hiểm khác đang giao dịch trên sàn. MIC có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trong đó MBBank nắm giữ 69,58% vốn điều lệ. Năm 2017, MIC đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 tăng 13% lên 2.150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 68% lên 148 tỷ đồng. Cổ tức tối thiểu 8%.

Trước đó ít ngày, MIC đã phải nhận án phạt vi phạm hành chính chứng khoán tới 125 triệu đồng vì không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Cũng nhờ những quy định siết chặt tại Thông tư số 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán, hàng loạt doanh nghiệp phải tuân thủ việc lên sàn thời gian qua. Quý II này, làn sóng đăng ký giao dịch dự kiến sẽ càng rầm rộ hơn với sự xuất hiện của những ông lớn trong ngành.

Tổng Công ty Dược Việt Nam – CTCP (Vinapharm) với vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng sẽ chào sàn vào ngày 19/5 tới đây. giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.400 đồng/cổ phiếu. Vinapharm vừa IPO vào tháng 6 vừa qua và chính thức trở thành công ty cổ phần vào ngày 8/12/2016. Vinapharm hiện đang quản lý nhiều khu đất tại hai thành phố lớn. Ngoài ra, Tổng công ty này cũng đang sở hữu cổ phần của một loạt “con gà đẻ trứng vàng” trong lĩnh vưc sản xuất dược.

Giai đoạn từ 1/1 – 8/12/2016, doanh thu hợp nhất lên tới 6.036 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 662 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trên BCTC riêng 2016 cũng đạt 478 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vinapharm dự báo chỉ lãi 25 tỷ đồng cho năm tới. Nguyên nhân là do nguồn lợi nhuận sau thuế của các công ty thành viên dùng để chia cổ tức cho Tổng công ty trong năm 2017 đã tính vào giá trị doanh nghiệp nên khoản định giá doanh nghiệp tăng thêm này Tổng công ty sẽ phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại SCIC.

Tương tự Vinapharm, do đặc thù hạch toán, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cũng dự kiến lợi nhuận công ty mẹ đạt thấp trong năm 2017 (240 tỷ đồng) và dự kiến sẽ trở lại mức 700 tỷ từ năm 2018. Vinafor đã hoàn tất đăng ký giao dịch trên UPCoM từ 12/1/2017 nhưng đã lên kế hoạch chuyển sàn sang niêm yết trên Sở GDCK vào quý II tới (theo chia sẻ của doanh nghiệp này tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017).

Sau khi trở thành công ty cổ phần, trong 4 tháng cuối năm 2016, Vinafor thu về 676 tỷ đồng và 504,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ. Năm 2017, Vinafor đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 2.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 719 tỷ đồng. Với 350 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 3.500 tỷ, EPS năm 2017 dự kiến đạt 2.054 đồng/cp.

CTCP Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết đã lên kế hoạch niêm yết vào tháng 5 và dự tính sẽ tăng vốn sau khi lên sàn. Tập đoàn Lộc Trời, tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, nhà sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, lúa gạo, cà phê, cây ăn quả,… Với 67,16 triệu cổ phiếu đang lưu hành (tương ứng vốn điều lệ hơn 670 tỷ đồng), lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Lộc Trời đạt 4.392 đồng. Lộc Trời dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 30% bằng tiền mặt cho năm 2016. Năm 2017, Lộc Trời đặt mục tiêu doanh thu thuần 8.287 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 460 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 5.822 đồng/CP.

Trong lĩnh vực tài chính, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán cũng đề ra mục tiêu lên sàn trong năm 2017 này. Tuy nhiên, theo công bố của lãnh đạo ngân hàng tại ĐHĐCĐ thường niên, chỉ có Ngân hàng TMCP Kiên Long đặt mục tiêu lên sàn trong quý II. Kienlongbank đã hoàn tất lưu ký cổ phiếu từ đầu năm 2017. Kể từ sau khi VIB đăng ký giao dịch trên UPCoM vào ngày 9/1, chưa thêm một nhà băng nào đưa cổ phiểu chào sàn suốt thời gian qua.

Trong năm trước, tăng trưởng tổng tài sản và huy động vốn của KienlongBank đạt lần lượt 20,26% và 24,6%, tăng trưởng tín dụng cũng đạt gần 22% nhưng kết quả kinh doanh của nhà băng này lại không mấy sáng sủa. Lợi nhuận trước thuế đạt 151,63 tỷ đồng, giảm 60 tỷ đồng và mới chỉ đạt 50,54% kế hoạch. Kế hoạch năm 2017, Kienllongbank dự kiến tăng lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, chia cổ tức 8%. Với 300 triệu cổ phiếu, EPS của ngân hàng trong năm 2017 dự kiến chỉ đạt 833 đồng/cp.

ABBank dự kiến đăng ký giao dịch trên UPCoM vào tháng 7, VPBank dự kiến niêm yết sớm nhất trong quý III, TPBank cũng kỳ vọng hoàn thành trong năm 2017, Techcombank dự kiến chào sàn với đích ngắm là sàn HoSE,….

Trong quý II này, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank Sc) dự kiến sẽ chào sàn HoSE, sau khi hủy niêm yết hơn 90 triệu cổ phiếu trên HNX. Năm 2017, VietinBank Sc đặt mục tiêu lợi nhuận 132 tỷ, tăng trưởng 30% so với năm 2016. EPS tương ứng dự kiến đạt 1.460 đồng/cp.

CTCK Chứng khoán Rồng Việt cũng mới gửi hồ sơ niêm yết tới HoSE hồi đầu tháng 5 vừa qua. CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), một CTCK có quy mô vốn cỡ vừa, cũng cho biết sẽ niêm yết trong quý III.

CTCP Siam Brothers Việt Nam chào sàn HOSE sáng ngày 16/5 này. Mặc dù uy mô vốn chỉ hơn 205 tỷ đồng, nhưng SBV lại được đặc biệt quan tâm nhờ nhỏ mà… có võ . Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu là 40.000 đồng/cp. SBV được thành lập năm 1995 và là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Thái Lan với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất dây, các loại ngư lưới cụ. Năm 2016, SBV đạt 508 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước đó. EPS đạt 6.111 đồng/cp. Cổ tức năm 2016 đạt 25%. Năm 2017, SBV đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 18,2% lên 601 tỷ đồng, lợi nhuận phấn đấu tăng 23,8% lên 141 tỷ đồng. EPS khi đó tương ứng 6.865 đồng/cp.

Công ty con đổ bộ lên sàn

Trong danh sách các doanh nghiệp lên sàn trong quý II/2017, một xu hướng khá rõ nét đó là sự đổ bộ của các tân binh là công ty thành viên của các doanh nghiệp lớn trên sàn.

Ngày 15/5 vừa qua, cổ phiếu CEE của CTCP Xây dựng Hạ Tầng CII (CII E&C), doanh nghiệp do CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh (CII) nắm giữ 49% vốn đã chính thức niêm yết trên HoSE. Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, CEE đã tăng trần so với mức giá tham chiếu ngày đầu tiên giao dịch (23.300 đồng/cp), lên mức 26.750 đồng/cp.

CII E&C hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, xây dựng dân dụng, đang thực hiện các dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án Thủ Thiêm Lake View 1, Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội…. Năm 2016, doanh thu hợp nhất của CEE đạt 828 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 55 tỷ đồng, chi trả cổ tức 10%. Với 41,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, EPS năm 2016 đạt 1.370 đồng/cp. Năm 2017, CEE đặt kế hoạch kinh doanh táo bạo với doanh thu xây lắp và lợi nhuận tăng lần lượt 102,5% và 86,6%. Cổ tức phấn đấu tăng lên 21,72%.

Ngày 17/5 tới, CTCP Cán thép Thái Trung đăng ký giao dịch toàn bộ 50,8 triệu cổ phiếu trên UPCoM với mã chứng khoán TTS. Sở hữu nhà máy thép cán công suất 500.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ năm 2013, Thái Trung thua lỗ nhiều năm. Lỗ lũy kế tới cuối năm 2016 đã hơn 300 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 508 tỷ đồng. Với giá trị sổ sách hơn 4.000 đồng/cp, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên vì thế cũng chỉ là 4.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ năm 2016, kết quả kinh doanh của Thái Trung đã có lãi với lợi nhuận sau thuế đạt đạt 44 tỷ đồng. EPS cả năm đạt 866 đồng/cp.

Tisco không chỉ là cổ đông lớn, mà còn là khách hàng đóng góp phần lớn nguồn thu của Thái Trung qua các hợp đồng gia công. Doanh thu gia công cho TISCO dự kiến chiếm 87% doanh thu của TTS. Phần còn lại, Thái Trung tự nhập phôi thép, sản xuất và kinh doanh với thương hiệu Thái Trung nhưng thị trường còn thấp. Lợi nhuận năm 2017 đặt mục tiêu khiêm tốn 23 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quý II/2017 này, CTCP Thiết bị điện (Thibidi), công ty do Tổng công ty Thiết bị Điện (Gelex) sở hữu 70,79% vốn, dự kiến cũng sẽ chào sàn. Giá tham chiếu trong ngày đầu tiên giao dịch của 48,8 triệu cổ phiếu THI là 41.600 đồng/cp.

Năm 2016, Thibidi thu về 2.536 tỷ đồng doanh thu và 210,5 tỷ đồng lợi nhuận. Đây cũng là năm Thibidi thực hiện tăng vốn thông qua chia thưởng tỷ lệ 10:4 và phát hành riêng lẻ cho GEX 23,6 triệu cổ phiếu với giá 24.500 đồng/cp, qua đó vốn điều lệ Thibidi tăng từ 180 tỷ đồng lên 488 tỷ đồng chính thức vào ngày 19/12/2016. Với số lượng cổ phiếu bình quân chưa cao, EPS năm 2016 đạt 6.451 đồng/cp. Áp lực giảm EPS tăng lên trong năm tới nếu lợi nhuận không tăng tương ứng với mức tăng vốn điều lệ.

CTCP An Phát – Yên Bái, công ty liên kết do CTCP Nhựa và Môi trường xanh (AAA) nắm 35% vốn, cũng dự kiến niêm yết trong quý này. Đây là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hạt nhựa nguyên sinh và phụ gia ngành nhựa. Công suất nhà máy hạt nhựa phụ gia vừa được nâng lên từ 35.000 tấn/năm lên 1000.000 tấn/năm. Doanh nghiệp này còn lên kế hoạch đầu tư nhà máy bột đá (nguyên liệu chiếm 70% hạt nhựa phụ gia) với công suất 220.000 tấn/năm.

Sau khi đã hoàn tất lấy ý kiến cổ đông về việc lên sàn, cổ phần của doanh nghiệp này đã tạm dừng chuyển nhượng, “rốt ráo” thực hiện chuẩn bị công tác lên sàn từ 18/5. Lãi sau thuế năm 2016 của An Phát Yên Bái đạt 11,56 tỷ đồng, tăng 1,78 lần so với cùng kỳ. EPS cả năm đạt 1.277 đồng/cp. Năm 2017, An Phát – Yên Bái đặt kế hoạch kinh doanh táo bạo với 1.100 tỷ doanh thu và thu về 55 tỷ lợi nhuận sau thuế.
 

Ngọc Linh


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc