“Market strategy 2018 – Đỉnh cao mới” được thực hiện với mong ước tiếp bước những chiến lược đầu tư xuyên suốt trong 3 năm qua để nhà đầu tư đạt được lợi nhuận tối đa trong giai đoạn giá lên. Chiến lược này chia làm 4 phần:
(I) Trí nhớ, nỗi đau và nuối tiếc.
(II) Năm chạy đà cho tiến trình nâng hạng thị trường.
(III) Các chiến lược đầu tư trong giai đoạn giá lên.
(IV) Suy nghĩ sau cùng: Theo dõi những Tỷ phú kiếm tiền nhanh nhất thế giới.
Ở kỳ trước (xem tại đây), bài viết đã đề cập đến hai phần đầu tiên là ‘Trí nhớ, nỗi đau và nuối tiếc’ – ‘Năm chạy đà cho tiến trình nâng hạng thị trường’ và ở bài viết này, hai phần cuối cùng sẽ đề cập đến.
(III) Các chiến lược đầu tư trong giai đoạn giá lên.
(i) Sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua sản phẩm phái sinh ( Index Future và Covered Warrant)
Nhà đầu tư đã trở nên linh hoạt và nhận thấy đòn bẩy cao từ mua/bán các hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là chỉ số VN30, điều này thấy rõ qua khi sản phẩm này mới đưa vào thị trường 5 tháng qua nhưng khối lượng giao dịch đã đạt trung bình 14.000 hợp đồng/phiên gần tương đương với khối lượng giao dịch của tất cả các sản phẩm phái sinh của thị trường Thailand hiện tại. Thị trường giá lên đã tạo ra cơ hội tăng trưởng tài sản thông qua việc mua và nắm giữ hợp đồng có kỳ hạn phù hợp với phân tích của nhà đầu tư, hay nói một cách đơn giản như sau:
Trong kỳ đầu tư: VN30 tăng từ 950 điểm lên 1.000 điểm, tức có mức tăng trưởng 5,3%; nhà đầu tư nắm giữ hợp đồng kỳ hạn VN30 có số điểm lời 50 điểm sẽ có tỷ suất lợi nhuận 29,30% trong kỳ đầu tư này. Điều quan trọng nhất của việc nắm giữ hợp đồng kỳ hạn là chiến lược quản trị tiền.
Covered Warrant là một dạng sản phẩm phái sinh có tài sản cơ sở là cổ phiếu, đến thời hạn kết thúc thanh toán sẽ chuyển giao lợi nhuận bằng tiền thay vì bằng giao hàng (cổ phiếu – sản phẩm option) sẽ áp dụng trong tháng 3 năm nay. Sản phẩm này giúp nhà đầu tư bảo vệ danh mục đầu tư theo chiều xuống khi thị trường chưa phát triển bán khống cổ phiếu (Short_sell) nhưng thường được áp dụng để đầu cơ nhờ mức phí mua quyền thấp từ đó tạo ra đòn bẩy cao và lỗ giới hạn (= mức phí mua quyền). Các quyền mua/bán này sẽ được niêm yết trên thị trường yết giá để tạo ra tính thanh khoản và giảm rủi ro đến hạn của các CW này vì thị trường Việt Nam sẽ áp dụng theo mô hình quyền chọn Châu Âu.
(ii) Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn
Dòng tiền đến từ các nhà đầu tư tổ chức sẽ lựa chọn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thuộc ngành tăng trưởng dựa trên số đông trong rổ Index. Theo đồ thị này nhóm thực phẩm đồ uống đại diện là VNM, SAB, MSN chiếm 20,6% vốn hóa; nhóm cổ phiếu ngân hàng đại diện tiềm năng là VCB, ACB, BID và nhóm bất động sản đại diện là VIC, PDR là những cổ phiếu tiềm năng nhất để dòng vốn dịch chuyển vào.
Nhà đầu tư cá nhân sở hữu danh mục đầu tư lớn từ 1 triệu USD trở lên cần phân bổ tài sản vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ít nhất 20% danh mục đầu tư để tận hưởng dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nhưng cần lưu ý thêm những nhóm cổ phiếu mới niêm yết trong năm 2018 sẽ có vốn hóa lớn hơn như Thaco 71 ngàn tỷ, Techcombank 51 ngàn tỷ, Lọc Dầu Bình Sơn 45,3 ngàn tỷ; Tập đoàn Cao Su 34 ngàn tỷ, HDbank 26 ngàn tỷ…
(iii) Chiến lược đầu tư theo chu kỳ
Xác định chu kỳ kinh tế đang ở giai đoạn nào để đầu tư là một việc cần thiết để phân bổ vốn vào 4 loại tài sản: Trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa, tiền mặt. Theo Merrill Lynch, có 4 giai đoạn chính là: Reflation, Recovery, Overheat, Stagflation. Thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục (Recovery) với các dấu hiệu rõ ràng từ tăng trưởng GDP bắt đầu từ năm 2012 và lạm phát giảm. Điều này cho cổ phiếu là lớp tài sản đầu tư tốt nhất trong giai đoạn hồi phục của nền kinh tế.
Thực hiện nghiên cứu 10 chỉ số thành phần (*) của chỉ số S&P 500 trên thị trường Mỹ từ năm 2008 đến nay thì chỉ số XLY – Hàng tiêu dùng tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 196,53% từ năm 2008 đến nay, điều này cho thấy thị trường chứng khoán tăng trưởng sẽ kích thích chi tiêu.
(*) 10 chỉ số thành phần tạo nên S&P500 là: XLY- chỉ số hàng tiêu dùng, XLP -chỉ số nhu yếu phẩm, XLE -chỉ số năng lượng, XLF – chỉ số tài chính, XLV- chỉ số chăm sóc sức khỏe, XLI- chỉ số công nghiệp, XLB- chỉ số nguyên vật liệu, XLRE- chỉ số bất động sản, XLK- chỉ số công nghệ, XLU- chỉ số sinh hoạt điện, nước.
Do vậy những công ty trong ngành hàng tiêu dùng tùy chọn (hay tiêu dùng cao cấp) khi người dân có thu nhập cao hơn sẽ mạnh tay chi tiêu là lựa chọn hàng đầu trong giai đoạn kinh tế hồi phục, cùng với ngành tài chính do các giao dịch về kinh tế đều thực hiện qua các ngân hàng và các công ty dịch vụ tài chính.
Những cổ phiếu nên quan tâm là:
Thaco ( Sản xuất, phân phối xe hơi- Vốn hóa thứ 12 đạt 71 ngàn tỷ – Giá hiện tại 57.000- Giá mục tiêu 80.000)
HDbank ( Ngân hàng tư nhân- tài chính tiêu dùng – Vốn hóa 39 ngàn tỷ – Giá hiện tại 39.700 – Giá mục tiêu 50.000)
VPBank (Ngân hàng tư nhân- tài chính tiêu dùng – Vốn hóa 61 ngàn tỷ – Giá hiện tại 46.500 – Giá mục tiêu: 52.000)
(iv) Niêm yết mới và Thoái vốn của nhà nước trong 2018
Thị trường chứng khoán vận hành bởi con người, nên những trào lưu, xu hướng của con người đều phản ảnh đến thị trường. Con người ưa thích những trào lưu mới, thị trường chứng khoán cũng vậy, năm nay, xu hướng thị trường ưa chuộng những cổ phiếu niêm yết mới thuộc ngành ngân hàng. Các ngân hàng này có đặc điểm tăng trưởng mạnh nhờ sự tích cực của ban lãnh đạo, tương tự trường hợp của MWG vs. FPT và VJC vs. HVN; phát triển mảng tiêu dùng và công nghệ số. Đây là những cổ phiếu cần quan tâm trong năm nay.
Các nhà đầu tư trong nước lại ưa thích câu chuyện thoái vốn bởi kỳ vọng sự tăng giá sau khi nhà đầu tư chiến lược mới tham gia vào tương tự trường hợp của VCS, DHG, DMC trong năm 2015-2016 thì có thể sàn lọc nhóm cổ phiếu chính phủ sẽ thoái vốn trong năm nay trong bảng dưới đây. Thạch ưa thích VNP, DVN, DBD trong chủ đề này.
Nhà đầu tư theo chủ đề này cần quan sát đặc biệt nhóm cổ phiếu của Tập đoàn Hóa Chất (Vinachem) đang sở hữu DRC ( 50,51%) , PAC (51,43%), CSM (36,43%) và DDV (64%). Trong năm 2017, Vinachem chưa thực hiện thoái vốn trong khi các Bộ khác đã tiến hành. Do vậy, những công ty thuộc Vinachem đang có dòng tiền ổn định sẽ là đích ngắm của các nhà đầu tư cùng ngành hoặc theo chuỗi.
IV. Suy nghĩ sau cùng: Theo dõi những Tỷ phú kiếm tiền nhanh nhất thế giới
Danh sách 10 tỷ phú kiếm tiền nhanh nhất thế giới trong năm 2017 (link) thể hiện sự tăng trưởng vốn hóa của cổ phiếu họ đang nắm giữ, điều này gián tiếp cho thấy nhà đầu tư toàn cầu đã đổ tiền vào những ngành tăng trưởng này như thế nào, chu kỳ này đã lập lại tại Vietnam năm qua như trường hợp tương tự của Amazon – Thế giới di động (MWG); LVMH – PNJ tại Việt Nam. Nhà đầu tư cá nhân hãy quan sát và lựa chọn những công ty trong xu hướng giá lên thuộc những ngành tăng trưởng này tại Việt Nam trong năm nay. Những gợi ý là: Những tỷ phú mới nổi (Bà Thảo – Vietjet HDbank; ông Dũng VPBank, ông Dương – Thaco…)
Dưới đây là 5 tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất thế giới năm vừa qua:
Jeff Bezos ( Amazon – Bán lẻ)
Tổng tài sản: 98,6 tỷ USD
Tăng so với đầu năm: 33,8 tỷ USD
Hui Ka Yan ( Evergrande Group – Bất động sản)
Tổng tài sản: 36,5 tỷ USD
Tăng so với đầu năm: 27,4 tỷ USD
Bernard Arnault (LVMH – Hàng tiêu dùng cao cấp)
Tổng tài sản: 63,9 tỷ USD
Tăng so với đầu năm: 23,6 tỷ USD
Mark Zuckerberg ( Facebook – Mạng xã hội)
Tổng tài sản: 72 tỷ USD
Tăng so với đầu năm: 23,6 tỷ USD
Ma Huateng ( Tencent holding – Công nghệ)
Tổng tài sản: 44,3 tỷ USD
Tăng so với đầu năm: 21,8 tỷ USD
Các ý kiến bao gồm Mua/Bán/Giữ và các ước tính tài chính trong báo cáo này dựa trên các nguồn thông tin tin cậy, tuy nhiên không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, do vậy nhà đầu tư chỉ xem xét như là một trong những yếu tố tham khảo để ra quyết định đầu tư.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch – Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ [email protected].
Nguyễn Ngọc Thạch – Trưởng phòng Môi giới KHCN 6 CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.