Chia sẻ:

“Gieo quẻ” VN-Index cuối năm, nên đầu tư vào cổ phiếu nào?

8 tháng đầu năm 2018, chứng khoán Việt trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Thị trường được chia làm hai giai đoạn chính. Từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 4, VN-Index thăng hoa khi chinh phục mốc 1.200 điểm nhờ dòng tiền khối ngoại lẫn nội tham gia mạnh vào thị trường.

 

Tuy nhiên sau đó, sự xuất hiện của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, động thái nâng lãi suất của FED là những nguyên nhân chính khiến chứng khoán trong nước bị ảnh hưởng mạnh. Chỉ số chứng khoán Việt liên tiếp điều chỉnh mạnh và thủng mốc 900 điểm.

 

Khoảng một tháng trở lại đây, thị trường có dấu hiệu hồi phục trở lại. VN-Index liên tiếp hồi qua vùng 900, 950 điểm. Kết thúc tháng 8/2018, VN-Index tiến gần hơn mốc 1.000 điểm, chốt ở mức 989,54 điểm.

 

Liệu xu hướng hồi phục của VN-Index có bền vững? Đâu là những yếu tố tác động mạnh tới chứng khoán trong giai đoạn cuối năm? Những cổ phiếu ngành nào sẽ được nhà đầu tư chú ý?…

 

Các chuyên gia tài chính chứng khoán đã có những chia sẻ với BizLIVE xoay quanh những vấn đề trên.

 

Dòng tiền sẽ nghiêng về cổ phiếu bất động sản

 

(Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Everest)

 

Thực tế hiện nay nếu nhìn đà hồi phục hỏi có bền vững không thì tôi cho rằng đợt rồi là bền vững. Bởi giai đoạn nước ngoài bán như vậy mà thị trường vẫn có thể chống đỡ được tôi cho rằng đó là yếu tố khá tốt.

 

Thứ hai chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng lên mạnh như thế mà ngay lúc đó thị trường vẫn có nhịp hồi phục. Và nhiều dự đoán khả năng sau cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ thì cuộc chiến này có khả năng sẽ dịu mặc dù cuối tuần rồi dấy lên thông tin Mỹ sẽ đánh tiếp 200 tỷ USD thuế hàng hóa Trung Quốc.

 

Những yếu tố tích cực là có, Thủ tướng phát biểu GDP năm nay sẽ đạt như kế hoạch mặc dù chịu nhiều tác động từ bên ngoài. Thứ hai, Chính phủ quyết tâm cải thiện hàng loạt yếu tố để TTCK được nâng hạng vào năm tiếp theo. Câu chuyện thoái vốn là câu chuyện khá nhạy cảm, ý kiến lo ngại cho rằng thoái nhiều thì pha loãng nhưng ngược lại nếu bán vốn cho khối ngoại thì không bị áp lực đó. Khi thị trường bùng lại thì câu chuyện này sẽ khơi lại.

 

Câu chuyện tôi cho rằng lớn hơn nữa đó là các ngân hàng thương mại hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ an toàn vốn. Các ngân hàng  buộc phải tăng vốn nếu như nhìn chung cục diện cổ phiếu ngân hàng đang khá tốt cho nên việc tăng vốn tôi cho rằng kích thích thêm dòng tiền cho thị trường chứ không hẳn là pha loãng. Bởi các NHTM có vốn nhà nước mà tăng vốn thì nhà nước phải bỏ tiền nhiều nhất còn bên ngoài không nhiều. Nhưng vừa rồi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu Chính phủ sẽ thu xếp đảm bảo cho việc đó, nếu như không được thì tìm đối tác nước ngoài bán thì lại thu được tiền. Đó là thông tin tích cực.

 

Giai đoạn vừa rồi cổ phiếu ngân hàng, dầu khí hồi phục khoảng 25%, nhưng cổ phiếu bất động vừa rồi hồi phục khá thấp. Do đó tôi cho rằng cuối quý III đầu quý IV dòng tiền sẽ nghiêng về cổ phiếu bất động sản. Bởi nhóm này có yếu tố hạch toán mùa vụ hầu như 2 quý đầu không có nhiều mà chủ yếu ở 2 quý cuối năm. Ngoài ra còn có nhóm cổ phiếu tiêu dùng yếu tố mùa vụ quyết định trong cuối năm.

 

Nhưng thị trường vẫn chịu áp lực lớn nhất từ cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Nếu không có dấu hiệu dừng lại thì sẽ tác động tới nhiều thứ chứ không phải chỉ chứng khoán không, tác động tới cả nền kinh tế, cả tỷ giá.

 

Chiến tranh thương mại và tỷ giá là hai yếu tố rủi ro đối với thị trường. Khi mà hai yếu tố này tích cực thì chắc chắn dòng tiền khối ngoại sẽ quay lại. NĐTNN chỉ đầu tư khi họ thấy sự ổn định, về GDP, tỷ giá…

 

VN-Index có thể đạt 1.200 điểm cho kịch bản sáng nhất

 

(Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam – CN TP.HCM)

 

Nếu cuối năm, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ còn nặng hơn nữa thì tình hình có thể biến động xấu hơn. Tuy nhiên dựa vào những diễn biến cho tới thời điểm này thì có thể dự đoán VN-Index có thể dao động trong khoảng từ 1.000 – 1.100 điểm, đó là kịch bản trung tính.

 

Nếu kịch bản mà tốt hơn là hai bên Mỹ và Trung ngồi vào bàn đàm phán thì thị trường sẽ diễn biến tích cực, VN-Index dao động trong khoảng 1.100 đến 1.200 điểm.

 

Ở kịch bản xấu nhất cuộc chiến ngày càng lan rộng, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều họ sẽ có những phản ứng, tôi nghĩ thị trường sẽ dao động ở mức dưới 1.000 điểm.

 

Nhà đầu tư nên bám sát thị trường, không thể đầu tư một cách chủ quan. Phải bám sát tốc độ diễn biến thị tường để có thể ra vào hợp lý. Nguyên lý của thị trường đơn giản thôi, khi mà thị trường giảm nhiều thì mình cân nhắc mua dần, khi thị trường tăng cân nhắc bán ra. Nhà đầu tư cần tận dụng những nhịp đó để tìm kiếm lợi nhuận.

 

Ngoài ra trong các cổ phiếu thì sẽ có những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt hơn hoặc có những thông tin tích cực bằng những dự án, những chỉ số được cải thiện thì NĐT cần phân tích, gạn lọc cổ phiếu để có thể đầu tư thì khả năng sinh lời cao hơn.

 

Tôi vẫn tin cổ phiếu ngân hàng vẫn là cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó có ngành chứng khoán vì được hưởng lợi do thị trường phái sinh. Thứ ba là cổ phiếu bất động sản cũng là ngành đáng để nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra có thể cân nhắc một số blue-chips…

 

Vượt đỉnh cũ trong năm nay là khó

 

(Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Maybank KimEng VN)

 

Sau Lễ, xu hướng tích cực nhiều khả năng sẽ giảm bớt. Lý do dòng tiền có dấu hiệu yếu đi, thông tin quốc tế và trong nước không có nhiều tích cực. Tuy vậy mức điểm 1.000 nhiều khả năng thị trường vẫn chinh phục được nhưng khó có động lực tiến xa hơn nếu thiếu những thông tin hỗ trợ mạnh tiếp theo.

 

Đó là chiến tranh thương mại nhưng cái đáng lo hơn là chiến tranh tiền tệ khi đồng đô la Mỹ đang lấy lại sức mạnh của mình. Các quốc gia khác đua nhau tăng lãi suất để kiềm chế bớt đà giảm giá đồng tiền quốc gia. Việt Nam khó mà đứng ngoài xu thế này. Các ngân hàng cũng đang có xu hướng nâng lãi suất lên, nhiều ngân hàng gần hết room tín dụng, nợ xấu, lạm phát cũng có xu hướng tăng. Bên cạnh đó các yếu tố khác như hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN ít có đột phá, nhiều DN phải giảm mục tiêu tăng trưởng năm nay cũng như điều chỉnh giảm kế hoạch của mình.

 

Vì thế khả năng tăng điểm mạnh trở lại và vượt đỉnh cũ trong năm nay là khó nếu các yếu tố hiện nay không có dấu hiệu tốt hơn cộng với sự suy yếu của dòng tiền. Tùy thuộc vào mức độ giải quyết các vấn đề trên mà thị trường sẽ giảm trở lại hoặc đi vào giai đoạn tích lũy.

 

Chứng khoán phái sinh và nhóm cổ phiếu penny được giao dịch sôi động những tháng gần đây nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục xu hướng này đến cuối năm một khi các nhóm ngành chủ đạo, blue-chips vẫn suy yếu trong thời điểm hiện tại.

 

Như vậy nhà đầu tư nên căn cứ vào sự chuyển dịch của dòng tiền để ra quyết định đầu tư vào những nhóm trên. Nghĩa là nếu thị trường phục hồi mạnh thì nhóm blue-chips và các cổ phiếu, nhóm ngành dẫn dắt sẽ là lựa chọn phù hợp và ngược lại nhóm penny và chứng khoán phái sinh vẫn duy trì sức mạnh của mình.

 

Mốc 1.000 điểm sẽ là trong tầm tay

 

(Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường – CTCP Chứng khoán BIDV)

 

Hiện, các cổ phiếu đã về mặt bằng tương đối rẻ và dòng tiền đã trở lại giúp chỉ số áp sát mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên, vẫn còn sớm để khẳng định đợt tăng lần này là bền vững.

 

Trước mắt, nỗi lo chiến tranh thương mại vẫn đeo bám thị trường khi vào ngày 6/9 tới đây, Mỹ sẽ xem xét áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

 

Vì vậy, mốc 1.000 điểm sẽ là trong tầm tay với thị trường với điều kiện hiện tại. Nếu kinh tế thế giới xấu đi dẫn đến việc phá giá mạnh các đồng nội tệ đi kèm với chính sách thắt chặt tiền tệ, thì tại 1.000 điểm, các cổ phiếu lại trở nên đắt.

 

Ngoài ra, cũng cần lưu ý về yếu tố kỹ thuật, hiện dòng tiền không tăng trưởng mạnh mà chủ yếu luân chuyển giữa các nhóm ngành. Điều này cũng dẫn đến, việc tăng đột biến trở lại để chinh phục đỉnh 1.200 đầu năm là một nhiệm vụ khó khăn.

 

Hiện tại các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì quan điểm thận trọng trước những bất ổn của kinh tế thế giới trong thời gian gần đây. Tuy nhiên vẫn có dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc cho thấy được điểm sáng tích cực.

 

Còn với dòng tiền nội, các nỗi lo về tỷ lệ margin tăng lên 50%, ngân hàng siết cho vay tiêu dùng, bất động sản và đầu tư chứng khoán vẫn đang tồn tại. Nên quy mô, giao dịch toàn thị trường khó có thể tái hiện những phiên trên 10.000 tỷ đồng. Theo tôi, các phiên giao dịch dao động trên 4.000 tỷ đồng là điều khá tích cực trong bối cảnh hiện tại.

 

Theo tôi, nhóm ngân hàng – vốn hóa chỉ sau bất động sản vẫn đóng vai trò quan trọng. Hiện các cổ phiếu nhóm này tiếp tục thể hiện được sự lạc quan nhờ kết quả kinh doanh đi lên. Trong khi đó, dầu khí lại đang chứng kiến sự phân kỳ giữa thị giá và số liệu kết quả kinh doanh nên dư địa tăng hiện không còn nhiều.

 

Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội ở nhóm bất động sản khi nhiều doanh nghiệp đang vào chu kỳ. Nhưng cần lưu ý đến việc kênh này đang có chiều hướng bị siết lại. Ngoài ra, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và chưa được dòng tiền chú ý đến sẽ là nhưng gợi ý từ giờ cho đến cuối năm.

 

Khối ngoại sẽ ngừng bán ròng và trở lại mua ròng trong quý IV

 

(Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường – CTCP Chứng khoán BIDV)

 

Tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục xu thế phục hồi trong những tháng còn lại của năm 2018 nhờ một số yếu tố hỗ trợ như (1) GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao trong năm 2018, dự kiến đạt trên 6,8%, (2) doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2018 là lực đỡ quan trọng cho thị trường, (3) sau giai đoạn giảm mạnh trong quý II/2018, định giá của thị trường Việt Nam đã về mức hấp dẫn, P/E của thị trường giảm từ mức trên 21 lần hồi đầu năm xuống mức gần 18 lần tại thời điểm hiện tại, (4) khối ngoại sau vài tháng bán ròng liên tục đã có dấu hiệu đảo chiều, mua ròng trở lại 1 số phiên vào cuối tháng 7, (5) hoạt động IPOs, thoái vốn trong những tháng cuối năm của một số doanh nghiệp Nhà nước có thể kích hoạt dòng tiền thông minh quay trở lại thị trường chứng khoán.

 

Thị trường chứng khoán có thể hướng đến vùng 1.080-1.120 điểm vào cuối năm nhờ những yếu tố hỗ trợ trên.

 

Chúng tôi cho rằng khối ngoại sẽ ngừng bán ròng và trở lại mua ròng trong quý IV do (1) định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm, (2) đón đầu kết quả kinh doanh qúy IV/2018 và cả năm 2018 cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp niêm yết và (3) tỷ giá sẽ ổn định hơn từ nay đến nửa cuối năm.

 

Nhóm ngành ngân hàng và dầu khí đã dẫn dắt đà phục hồi của thị trường chứng khoán trong 1 tháng qua. Chúng tôi cho xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn. Nhóm ngành dầu khí cũng đang thu hút dòng tiền do nhà đầu tư kỳ vọng việc giá dầu liên tục tăng thời gian qua và duy trì ở mức cao, trên 75USD/thùng đối với dầu Brent sẽ giúp cải thiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí niêm yết trong thời gian tới…

 

Ngoài ra, chúng tôi đánh giá cao triển vọng của một số ngành như thủy sản và dệt may trong nửa cuối năm 2018 nhờ (1) là doanh nghiệp xuất khẩu ròng, được hưởng lợi từ diễn biến tỷ giá thời gian qua, (2) các hiệp định thương mại tự do sắp ký kết như FTA Việt Nam-EU, RCEP và CPTPP sẽ mang lại cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu như thủy sản và dệt may.

 

Nhóm ngành bất động sản cũng như nhóm ngành thực phẩm cũng đáng chú ý do yếu tố mùa vụ, thời điểm cuối năm thường là thời điểm ghi nhận kết quả tích cực của hai nhóm cổ phiếu này.

 

HUYỀN TRÂM – MAI HƯƠNG

 


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.