Chia sẻ:

‘Game’ thoái vốn lại làm nóng thị trường, khối ngoại thỏa thuận mạnh VNM

Tâm điểm của thị trường trong phiên sáng nay tập trung vào nhóm cổ phiếu nằm trong diện thoái vốn của SCIC như VNM, FPT, VCG, BMP và NTP. Các thông tin liên quan đến việc thoái vốn liên tục xuất hiện đã giúp các cổ phiếu này bứt phá trong phiên sáng nay. Mới đây, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra danh sách thoái vốn cổ phần trong quý IV/2017, trong đó có cái tên Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) và Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (Mã: BMP). Khép phiên sáng, BMP tăng 4.500 đồng (5,37%) lên 88.300 đồng/CP. NTP tăng 3.100 đồng (4,23%) lên 76.300 đồng/CP. Bên cạnh đó, FPT cũng bất ngờ tăng mạnh 1.600 đồng (3,07%) lên 53.800 đồng/CP.

 

Trong khi đó, VNM tiếp tục gây bất ngờ lớn từ các giao dịch thỏa thuận. Chỉ trong phiên sáng, VNM đã thỏa thuận tổng cộng 33,6 triệu cổ phiếu hầu hết ở mức giá sàn, tương ứng giá trị hơn 6.238 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại đã mua vào tổng cộng hơn 34,7 triệu cổ phiếu VNM trong khi bán ra gần 33,5 triệu cổ phiếu. VNM tạm thời dừng ở mức 180.200 đồng/CP, tương ứng tăng 6.400 đồng (3,69%).

 

Bên cạnh VNM, khối ngoại cũng giao dịch thỏa thuận mạnh cổ phiếu VRE ở phiên sáng nay. Cụ thể, VRE có thỏa thuận 1,9 triệu cổ phiếu và cũng hầu hết ở mức giá trần, trị giá hơn 90,5 tỷ đồng. Tính cả giao dịch khớp lệnh thì VRE được khối ngoại mua vào hơn 2 triệu cổ phiếu trong khi bị bán ra hơn 1,7 triệu cổ phiếu. VRE tiếp tục được kéo lên mức giá trần và dư mua giá trần hơn 12,46 triệu cổ phiếu.

 

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu như PLX, KDC, MBB, VPB,… lại bất ngờ giảm khá mạnh và đang tạo áp lực lớn lên hai chỉ số. Trong đó, PLX giảm sâu 2.700 đồng (-4,66%) xuống 55.300 đồng/CP.

 

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC và một số cổ phiếu có liên quan đều giảm rất sâu. AMD, KLF và HAI đều đã giảm sàn. FLC tiếp tục giảm 370 đồng (-5,75%) xuống 6.070 đồng/CP sau thông tin Chủ tịch HĐQT bán chui cổ phiếu.

 

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 198 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đến hơn 6.940 tỷ đồng. Như vậy, thị trường lại có một phiên giao dịch nữa giá trị giao dịch đạt trên 10.000 tỷ đồng.

 

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 4,79 điểm (0,55%) lên 873 điểm. Toàn sàn có 83 mã tăng, 149 mã giảm và 101 mã đứng giá.

 

Chỉ số HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%) xuống 106,31 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng, 83 mã giảm và 220 mã đứng giá.

 

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động phiên giao dịch đầu tuần mới theo cách bất ngờ. Hai cổ phiếu vốn hóa thuộc hàng lớn nhất thị trường là VNM và VRE đều bứt phá rất mạnh. Trong đó, VRE có phiên tăng trần thứ hai và dư mua giá trần vẫn hơn 9,3 triệu cổ phiếu. Còn VNM cổ phiếu này tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi có giao dịch thỏa thuận lên đến hơn 23 triệu cổ phiếu và hầu hết ở mức giá trần, trị giá gần 4.300 tỷ đồng. Đáng chú ý, toàn bộ giao dịch này là do khối ngoại thực hiện, cụ thể, khối ngoại mua vào 23 triệu cổ phiếu và bán ra hơn 21 triệu cổ phiếu.

 

Được biết, tại buổi đấu giá hơn 48,3 triệu cổ phần VNM do SCIC nắm giữ trong phiên cuối tuần, một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua toàn bộ số lượng cổ phần chào bán lần này của SCIC với giá 186.000 đồng/cp, cao hơn giá khởi điểm 24% và cao hơn giá đóng cửa phiên giao dịch hôm nay 7%. Như vậy nhà đầu tư này sẽ chi 8.990 tỷ đồng để sở hữu 3,33% cổ phần của VNM (tương ứng 48,3 triệu cổ phiếu).

 

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu trụ cột khác trên thị trường là BID, BVH, SAB, VCB, VCG… đều nhích lên trên mốc tham chiếu và cũng góp phần duy trì vững sắc xanh của hai chỉ số. Hiện giờ, SAB tăng 6.300 đồng (2,28%) lên 282.800 đồng/CP.

 

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ cũng bao trùm lên các cổ phiếu như VPB, VIC, VJC, PLX, KDC, GAS… điều này đang phần nào kìm hãm lại đà tăng của hai chỉ số.

 

Còn tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC đang giảm 350 đồng (5,43%) xuống 6.09 điểm sau thông tin Chủ tịch công ty bị phạt do bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC. ROS đang tăng 600 đồng (0,34%) lên 175.200 đồng/CP bất chấp thông tin bị phạt do bán chui hơn 13,65 triệu cổ phiếu AMD.

 

Sau khoảng 35 phút giao dịch, VN-Index tăng 5,06 điểm (0,58%) lên 873,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 58,6 triệu cổ phiếu, trị giá 5.083,6 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4.500 tỷ đồng.

 

HNX-Index cùng thời điểm tăng 0,08 điểm (0,08%) lên 106,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12 triệu cổ phiếu, trị giá chỉ 98 tỷ đồng.

 

SSI Retail Research cho rằng tâm lý hưng phấn sẽ sớm chững lại trong tuần giao dịch tới và nhóm cổ phiếu Largecaps có thể sẽ sớm chững lại đà tăng nóng do ảnh hưởng từ áp lực bán gia tăng. Đồng thời, đà tăng của chỉ số VN-Index và VN30 có thể sẽ còn được hưởng lợi từ hai cổ phiếu Largecaps như VNM, VRE và SSI Retail Research đánh giá áp lực điều chỉnh lên nhóm cổ phiếu Largecaps sẽ gia tăng dần trong những phiên tới cho nên rủi ro ngắn hạn sẽ có chiều hướng gia tăng cho các vị thế mua mới. Ngoài ra, theo mô hình giá, SSI Retail Research tiếp tục đánh giá thị trường vẫn đang trong giai đoạn khó tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn và việc lướt sóng T+3 sẽ có mức rủi ro cao.

 

Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN30 với mức cắt lỗ ở mức 838,28 điểm và mức giảm xu hướng ngắn hạn của chỉ số HNX-Index với mức kháng cự ở mức 106.44 điểm. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mở các vị thế mua mới và ưu tiên nắm giữ cổ phiếu Largecaps.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.