Chia sẻ:

EUR và JPY giảm mạnh tác động đến các cổ phiếu nào?

EUR đã giảm 3,54% so với VND trong khi JPY giảm 8,71% so với VND tính từ 30/9 đến nay. Câu hỏi đặt ra là khi hai đồng tiền này giảm giá thì những doanh nghiệp Việt Nam nào sẽ được lợi cũng như những doanh nghiệp nào sẽ bị thiệt hại?


Tính từ thời điểm 30/09/2016, đồng bảng xanh giao dịch tại mức giá 1 EURO đổi 24.740 VND, đến thời điểm ngày 24/11/2016, 1 EURO đổi 23.864 VND, thì đồng EURO đã mất giá 3,54%. Cũng diễn biến tương tự đồng EURO, đồng Yên Nhật cũng trồi sụt mạnh kể từ ngày 30/09/2016 giao dịch tại mức giá 1 JPY đổi 218 VNĐ xuống còn 1 JPY đổi 199 VND vào ngày 24/11/2016, giảm 8,71%.

 

 Nguyên nhân chính khiến cho hai đồng tiền này liên tục giảm giá là do EU và Nhật Bản đều đang tiếp tục thực hiện gói QE. QE là một chính sách tiền tệ mở rộng với việc NHTW in thêm tiền để mua trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dài hạn, qua đó làm tăng lượng tiền lưu thông trong hệ thống nhằm hạ thấp chi phí vay vốn (lãi suất dài hạn). QE thuộc nhóm chính sách tiền tệ phi truyền thống được NHTW sử dụng để bơm tiền nhằm kích thích nền kinh tế khi các chính sách tiền tệ truyền thống đã bị vô hiệu.

Trong khi đó, gói QE tại Mỹ đã dừng từ lâu và FED được dự báo tháng 12 tới đây sẽ tăng lãi suất. Hơn thế nữa, chính sách nới lỏng tài khóa dự báo sắp được triển khai dưới thời tổng thống mới đắc cử Donald Trump làm lãi suất USD tại Mỹ sẽ tăng lên. Điều này dẫn đến đồng USD trở nên đắt đỏ hơn so với các đồng tiền khác.

Câu hỏi đặt ra là khi hai đồng tiền này giảm giá thì những doanh nghiệp Việt Nam nào sẽ được lợi cũng như những doanh nghiệp nào sẽ bị thiệt hại khi khoản dự phòng rủi ro tỷ giá được hạch toán vào kết quả kinh doanh cuối quý 4 này?

Đánh giá của một chuyên gia trong ngành cho thấy các doanh nghiệp có chi phí đầu vào ví dụ nguyên liệu, vốn vay được tính bằng đồng JPY và EUR như HT1, BCC, PPC sẽ được hưởng lợi từ biến động tỷ giá. Còn những doanh nghiệp có nguồn doanh thu từ ngoại tệ JPY và EUR sẽ chịu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, ngay cả với những doanh nghiệp thủy sản, sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước khác nhau nhưng hầu hết được thanh toán bằng USD nên doanh thu của các hợp đồng đã ký kết thực ra sẽ được hưởng lợi khi USD tăng 1,1% so với đồng VND từ đầu quý IV /2016 đến giờ.

HT1

Nhóm doanh nghiệp xi măng đang có những khoản nợ vay bằng Euro lớn sẽ được hoàn lại khoản dự phòng giảm giá ngoại tệ. CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) có lẽ là doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ sự trượt giá của đồng Euro.Tính đến cuối quý 3/2016, khoản nợ bằng EUR của HT1 giảm từ 57,5 triệu EUR còn 55,5 triệu EUR. Tính theo mức giảm 3.54% kể từ 30/09 đến ngày 24/11 thì doanh nghiệp này sẽ được hoàn nhập dự phòng rủi ro tỷ giá 1,96 triệu Euro tương đương 46,88 tỷ VND.

BCC

Cũng tương tự như HT1, CTCP Xi măng Bỉm Sơn(BCC) cuối quý 3/ 2016 có dư nợ vay dài hạn bằng tiền EUR là 9,8 triệu EUR. Tính theo mức giảm 3.54% kể từ ngày 30/9 đến ngày 24/11 thì BCC sẽ được hoàn nhập dự phòng rủi ro tỷ giá 0,34 triệu Euro tương đương 8,27 tỷ VND. Trước đó, tại thời điểm 30/9/2016, BCC ghi nhậndoanh thu tài chính trong kỳ giảm mạnh chỉ còn 0,12 tỷ đồng bởi công ty không còn khoản lãi chênh lệch tỷ giá lớn như năm trước.

PPC

Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (PPC), một doanh nghiệp vốn luôn nằm trong danh sách có khoản lãi/lỗ tỷ giá cao do số dư nợ vay dài hạn của EVN cao (EVN là công ty mẹ của PPC đã ký hợp đồng vay từ Ngân Hàng Quốc Tế Nhật Bản JBIC). Tính đến thời điểm 30/9/2016, dư nợ còn lại là 21,35 tỷ JPY. Tính theo mức giảm 8.71% thì doanh nghiệp này sẽ được hoàn nhập một khoản 1,86 tỷ JPY tương đương 370 tỷ VND. Cộng với khoản trích lập lũy kế tính đến cuối tháng 9 của công ty đã trích lập 179 tỷ đồng thì khả năng trong quý 4 này, PPC có thể được hoàn lại 549 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá.

NT2

Công ty Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2(NT2). Tại thời điểm kết thúc quý 3/2016, Nhơn Trạch 2 có dư nợ vay dài hạn hơn 5.300 tỷ đồng trong đó gần 1.100 tỷ đồng đến hạn trả. Hầu hết nợ vay này là từ 2010 vay các ngân hàng tải trợ là Hermes, Cirr, Nexi, Citibank. Dư nợ gốc đến 30/9/2016 là 112 triệu đô la Mỹ và 101,6 triệu EURO. Tính theo mức giảm 3.54% của đồng bạc xanh thì, doanh nghiệp này sẽ được hoàn nhập 3.59 triệu Euro, tương đương 88.9 tỷ đồng.

Tính đến hết quý 3/ 2016, công ty lỗ chênh lệch tỷ giá gần 25 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 108,5 tỷ đồng cùng kỳ. Như vậy, cuối quý 4, công ty có khả năng được hoàn nhập 63.9 tỷ đồng.

Trước mắt, việc đồng Yên và đồng EUR giảm là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đó là những con số luôn biến động theo tỷ giá của những ngoại tệ này. Từ nay đến cuối năm, EUR và JPY sẽ ít nhất duy trì ở mức hiện tại hoặc tiếp tục xu hướng giảm giá so với đồng USD. Nhà đầu tư nào đã rót vốn đầu tư vào các cổ phiếu này có quyền yên tâm và chờ thu thành quả khi con số chính thức được hạch toán cuối năm.
 

Ánh Duyên

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.