Ông Trần Văn Dũng cùng VnExpress nhìn lại một năm đặc biệt của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, cũng là năm đầu tiên ông ở cương vị Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) nhiều thách thức.
– Tâm trạng của ông ra sao khi lần đầu tiên VnIndex bước lên bậc thang 900 điểm?
– Ngày 20/11/2017, chỉ số VnIndex chạm 900 điểm. Không khí trong Ủy ban rất khó tả. Người hứng khởi nhiều, người lo lắng không ít. Cá nhân tôi cũng ngạc nhiên vì Vn-Index đã tăng hơn 900 điểm chứ không phải quanh mốc 800 như tôi ngầm dự đoán từ đầu năm.
Qua khoảnh khắc ban đầu, chúng tôi lo. Bởi khi chỉ số thị trường tăng cao, nhà đầu tư sẽ chốt lời, chứng khoán sau đó có thể rớt nhanh. “Bao giờ thị trường sẽ xuống?” là câu hỏi luôn ám ảnh anh em trong Ủy ban. Chúng tôi chưa quên đợt bán tháo cổ phiếu lịch sử, gây ra sự lao dốc của thị trường chứng khoán cách đây 10 năm.
Phân tích lại một lần nữa, chúng tôi đồng thuận rằng thị trường nếu có điều chỉnh cũng sẽ không nhiều bởi các cơ sở để nó tăng trưởng khá vững chắc. Tôi đã báo cáo quan điểm này lên lãnh đạo Bộ Tài chính, mặc dù còn ý kiến cho rằng “báo cáo hồng quá”.
– Báo cáo đã “hồng” như thế nào, thưa ông?
– Có bốn cơ sở lý giải cho sự thăng hoa này. Thứ nhất, nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục của GDP. Tăng trưởng GDP 2017 khoảng 6,7%. Quan trọng hơn, GDP được dự báo sẽ duy trì trung bình trên 6,3% trong giai đoạn 5 năm, tức Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng tốt nhất thế giới. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ từ kinh doanh của khối doanh nghiệp niêm yết khi 9 tháng đầu năm họ tăng 18% doanh thu và tới 23% lợi nhuận.
Thứ hai là do chuyển biến lớn về tư duy quản lý vĩ mô. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam đã có một nghị quyết công nhận kinh tế tư nhân làm trụ cột kinh tế đất nước. Thị trường chứng khoán chỉ lớn mạnh khi đi cùng với khu vực tư nhân. Từ bệ phóng chính sách này, doanh nghiệp Việt sẽ đột phá.
Yếu tố thứ ba kích hoạt sự bùng nổ của TTCK là dòng vốn ngoại với giá trị và tốc độ bất ngờ. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 1,8 tỷ đôla Mỹ trong tháng 11. Nếu tính đúng, tính đủ thì vốn ngoại vào Việt Nam trong năm 2017 còn lớn hơn rất nhiều. Giá trị danh mục chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đến đầu tháng 12/2017 đã là 31 tỷ đôla, tăng 81% so với thời điểm cuối năm 2016.
Hãy nhìn lợi nhuận ròng của các quỹ đầu tư. Rất nhiều quỹ có mức tăng trưởng NAV trên 30%, trong khi một quỹ đầu tư ở Nhật tăng trưởng 3 đến 5% đã là thành công. Điều này tạo hiệu ứng hút các quỹ đầu tư lớn khác.
Thứ tư là do làn sóng chung toàn cầu. TTCK cả thế giới cũng tăng trưởng khắp châu Mỹ, châu Âu, châu Á, đạt kỷ lục mới trong giai đoạn vừa qua.
– Chúng ta nắm bắt cơ hội này thế nào để tối ưu hóa hiệu quả cho nền kinh tế?
– Giải pháp thì có nhiều, nhưng ở tầng Chính phủ và Bộ Tài chính, chúng tôi chỉ tập trung kiến nghị một giải pháp: Cung nhiều hàng ra thị trường, cổ phần hóa và thoái vốn thật nhanh để tạo nguồn hàng bán trên TTCK.
Vì sao? Sức cầu đang tăng thì giải pháp hợp lý nhất phải là tăng cung chứ không phải là bóp cầu. Giải pháp này giúp thực hiện hóa được chỉ tiêu cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước đồng thời tăng được quy mô và chất lượng TTCK.
Có một điều, thị trường dù tốt đến đâu cũng luôn phải đối diện với một số loại rủi ro. Sự hưng phấn của thị trường phần lớn nhờ dòng vốn ngoại thì rủi ro lớn nhất cũng chính từ đó. Nếu có biến động bất thường trên thế giới, khả năng vốn ngoại rút cũng lớn, nhất là khi Việt Nam vẫn là thị trường cận biên. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan rằng chứng khoán sẽ giữ được đà phát triển ổn định, bền vững.
– Số đông người Việt vẫn cảm thấy xa lạ với TTCK, ông nghĩ gì về việc này?
– Chúng ta đang có 1,8 triệu tài khoản chứng khoán nhưng chưa đến 10% có giao dịch. Đây là một con số vô cùng khiêm tốn so với khu vực.
Với người dân, không phải chỉ đi “lên sàn”, mua chứng khoán mới là tham gia TTCK mà mỗi người chúng ta vẫn gián tiếp và trực tiếp ảnh hưởng đến nó, có phần lợi, thiệt ngay từ hoạt động của các doanh nghiệp xung quanh. Năng suất của một công nhân góp phần làm tăng hoặc giảm giá cổ phiếu công ty đó. Khi doanh nghiệp thành công trên TTCK, mỗi nhân viên được tăng thu nhập…
Không thể đòi hỏi tất cả mọi người quan tâm đến TTCK. Nhưng ở một đất nước gần 100 triệu dân với tốc độ đô thị hóa và tốc độ công nghiệp hóa hàng đầu thế giới, rõ ràng việc này là cần thiết. Tôi coi việc phát triển cơ sở nhà đầu tư tư nhân quan trọng ngang với các nhà đầu tư tổ chức và sẽ tập trung vào đó.
Tất nhiên, điều đầu tiên là phải xây dựng một TTCK thật hấp dẫn, minh bạch hơn để rõ ràng và dễ hiểu hơn với người chơi. Tự thân sự hấp dẫn đó sẽ kéo nhà đầu tư đến. Nếu TTCK bị coi như một sòng bạc thì chẳng ai thèm đến, hoặc họ đến chỉ để “đánh quả”.
– Nhìn sang một năm đầu tư mới, ông muốn chia sẻ với nhà đầu tư điều gì?
– Tôi khuyến khích mọi người dân tham gia nhưng thông thái, hiệu quả, hiểu biết. Thị trường chứng khoán là nơi nhiều rủi ro, không phải nơi hái hoa ngắm cảnh và dễ dàng trở thành tỷ phú sau một đêm. Vì vậy trước khi tham gia hãy nghiên cứu rất kỹ. Người chơi chứng khoán không hiểu biết sẽ gây tổn hại cho chính mình và thị trường, không cẩn thận lại vi phạm các quy định và rơi vào vòng lao lý.
Thực sự, có những việc làm sai trên TTCK, đôi khi không kiếm được bao nhiêu tiền nhưng sức phá hoại rất khủng khiếp. Những người tham gia thao túng giá trên thị trường có thể đạt cái lợi trước mắt nhưng về lâu dài vừa phá hoại thị trường vừa làm hại chính mình.
Có hiện tượng doanh nghiệp lạm dụng thị trường để tăng vốn không lành mạnh. Nếu doanh nghiệp huy động vốn không quang minh chính đại, nếu hoạt động chưa đủ minh bạch thì họ làm ăn cũng không suôn sẻ, và mất dần lợi thế, thậm chí phá sản, tổn hại đến chính chủ doanh nghiệp và cổ đông. Tôi tin thuyết nhân quả trong đạo Phật cũng đúng trong thị trường chứng khoán.
Nhiều người cho rằng câu nói của các cụ “ăn chắc mặc bền” là bảo thủ, không có điểm đột phá. Nhưng với chứng khoán, “ăn chắc mặc bền” chính là điểm đột phá.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.