Đà tăng của thị trường có phần yếu đi trong phiên 24/11 sau khi định giá tăng cao trong thời gian ngắn. Kết thúc phiên, VN-Index tăng 1,87 điểm (+0,2%) lên 935,57 điểm, HNX-Index tăng 0,65 điểm (+0,59%) lên 110,83. Chỉ số VNMidcap và VNSmallcap đồng loạt tăng mạnh tương ứng 1,82% và 1,32%, trong khi VN30 có mức tăng khiêm tốn 0,36% (+3,29 điểm) đóng cửa ở 926,21 điểm với 18/9 mã tăng/giảm.
TTCKPS có biến động ngược chiều với thị trường cơ sở. Đà tăng nhóm cổ phiếu trụ cột chậm lại đã tác động tiêu cực tới tâm lý giao dịch của thị trường phái sinh. Tất cả các HĐTL cùng giảm mạnh, trong đó HĐ F1806 giảm mạnh nhất 56,3 điểm về dưới ngưỡng 1.000 điểm. HĐ F1712 giảm 12 điiểm xuống 938 điểm, hiện cao hơn chỉ số cơ sở 11,79 điểm.
Như vậy khoảng cách tới giá lý thuyết đã được thu hẹp đáng kể, tuy nhiên tất cả các HĐTL vẫn giao dịch trên giá lý thuyết. Thị trường phái sinh đang dần hạ nhiệt và có những bước điều chỉnh mạnh để đưa giá các HĐTL về mức hợp lý hơn.
Thanh khoản giảm xuống 13.862 HĐ, tương đương giảm 19% so với phiên trước. Khối lượng mở cũng giảm 700 HĐ xuống 7.608 HĐ khi nhà đầu tư đóng dần vị thế trong xu hướng giảm của thị trường.
VN30 có hỗ trợ ngắn hạn ở mức 915,2 điểm. Kháng cự ở mức 932,04 điểm. VN30 duy trì được xu hướng tăng và chỉ số VN30 tăng men dải Upper Band tiếp tục mở rộng. Tuy vậy, các HĐTL 27/11 lại giảm giá khá mạnh. Độ biến động của thị trường phái sinh đang tăng cao cùng với xu thế bán ra nhiều hơn, SSI Retail Research cho rằng nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua dài hạn ở vùng giá thấp nên đóng bớt các vị thế ở vùng giá cao trong phiên và chờ cơ hội mua lại thấp hơn.
Trung tuần tháng 11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan, đơn vị có liên quan, các thành viên thị trường theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh;rà soát để hoàn thiện, bổ sung khung khổ pháp lý theo mức cao nhất mà thông lệ quốc tế áp dụng, bảo đảm không để xảy ra sai sót, lỗi kỹ thuật trong giao dịch, gây mất an toàn, ổn định đối với thị trường chứng khoán.
Đồng thời phải tổng hợp kết quả hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh trong báo cáo hoạt động thị trường chứng khoán, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ hàng tháng theo quy định.
Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá toàn diện việc tham gia của các ngân hàng thương mại vào thị trường chứng khoán phái sinh với vai trò là công cụ phòng vệ rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và với điều kiện đáp ứng các yêu cầu về hệ thống, nhân lực, quản trị rủi ro, năng lực tài chính… theo thông lệ, chuẩn mức quốc tế và pháp luật hiện hành.
PHAN TÙNG
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.