Chia sẻ:

Động lực nào kéo VN-Index chinh phục các đỉnh cao mới?

Chứng khoán Việt Nam tăng điểm bất chấp số liệu GDP không đạt dự báo, tuy nhiên theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn nhà đầu tư đang phản ứng tích cực với sự thể hiện minh bạch không che giấu của Chính phủ.

Đóng cửa cuối tuần trước, TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh khi các hoạt động chốt lời diễn ra trên diện rộng thì tại thị trường chứng khoán thế giới, Dow Jones lập đỉnh cao nhất lịch sử, vượt 18.000 điểm. Hàng loạt các bất ổn diễn ra trên toàn thế giới như Brexit, khủng bố ở Châu Âu, song S&P 500 và Dow jones vẫn liên tục lập đỉnh sau khi kết quả kinh doanh quý II cho thấy các doanh nghiệp Mỹ khá kiên cường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

 


Đồng yên Nhật tuần qua giảm mạnh nhất kể từ năm 1999 khi các dấu hiệu cho thấy Nhật Bản sẽ đưa ra các gói kích thích để ngăn chặn nền kinh tế suy thoái. Bên cạnh đó, số liệu GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,7%, cao hơn dự đoán 0,1% cho thấy nền kinh tế này không quá xấu như dự báo. Các nhà phân tích nói rằng dữ liệu này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang bình ổn trở lại sau một thời kỳ suy giảm tăng trưởng.

Cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào cuối tuần khiến giá dầu tăng vọt do 3% lượng cung cầu của thế giới vận chuyển qua khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ quản lý, một số liệu nữa đang ủng hộ giá dầu đó là tồn kho dầu của Mỹ đã giảm liên tiếp trong 6 tuần qua.

Tại thị trường Việt Nam, mặc dù thị trường điều chỉnh mạnh cuối tuần qua song hầu hết đánh giá của các CTCK cho rằng xu thế tăng vẫn chưa bị phá vỡ và các chỉ số phân tích đánh giá Vn-Index có thể chinh phục được 700 điểm vào cuối quý 3.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI cho rằng VN-Index thậm chí còn có thể chạm mốc 800 điểm nếu các bộ ngành thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thủ tướng cải cách hành chính, xoá bỏ giấy phép con, tất cả nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Hầu hết mức tăng điểm trong 6 tháng đầu năm 2016 của Vn-Index tập trung vào quý 2, khi Chính phủ mới ra mắt.

Những nỗ lực của Chính phủ mới hỗ trợ doanh nghiệp đã tạo niềm tin cho giới đầu tư vào các cam kết của Chính phủ như không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, yêu cầu NHTM giảm lãi suất, Bộ trưởng Truyền thông cam kết báo chí không làm khó doanh nghiệp, nhiều tỉnh (chưa phải tất cả ) thực sự rải thảm đỏ mời chào các doanh nghiệp, Chính phủ kiên quyết xử lý hiện tượng bắt tay thực hiện các giao dịch gây thất thoát. Và một sự kiện quan trọng nữa là Quốc hội quyết định dừng thực hiện luật khi Chủ tịch nước đã công bố vì phát hiện luật có nhiều lỗi có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân khi thực hiện.

Ông Nguyễn Duy Hưng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuống thấp sau khủng hoảng và hiện nay mới ở mức khoảng 50% so với đỉnh, trong khi các thị trường khác đã lên vượt đỉnh cũ, và ở các thị trường ấy cũng luôn ẩn chứa các nhiều bất ổn chưa được giải quyết. Nên khi nhà đầu tư cảm nhận được những định hướng minh bạch từ Chính phủ mới sẽ có niềm tin và thị trường sẽ bùng nổ.

Chứng khoán Việt Nam tăng điểm bất chấp số liệu GDP không đạt dự báo, tuy nhiên theo ông Nguyễn Duy Hưng những bất lợi này đã tồn tại từ lâu và tất cả đều đã phản ánh vào thị trường. Nay Chính phủ công bố, nhà đầu tư phản ứng tích cực với sự thể hiện minh bạch không che giấu của Chính phủ.

Một con số ủng hộ cho TTCK hiện tại đó là thị trường vẫn đang được hưởng thời kỳ lãi suất thấp. Theo số liệu thống kê của CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% (cùng kỳ tăng 5,09%); tổng huy động tăng 8,23% (cùng kỳ 4,58%); tăng trưởng tín dụng đạt 6,2% (cùng kỳ 6,3%). Chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng huy động đã tạo ra dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, kéo lãi suất giảm. Đây là tiền đề để dùng tín dụng kích thích kinh tế trong nửa cuối năm 2016. Lạm phát mặc dù có dấu hiệu tăng nhẹ do giá dịch vụ y tế, học phí và lương thực tăng song dự báo cả năm ở mức 4-4,5% cho thấy áp lực lên lãi suất không quá lớn.



 Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng thêm trong nửa đầu năm 2016 đạt 11,29 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015, vốn giải ngân đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn FDI dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nửa cuối năm 2016.

Hiện tại thị trường vẫn đang được khối ngoại nâng đỡ. Trong bối cảnh tài chính toàn cầu gặp bất ổn, Việt Nam đang trở thành địa chỉ thu hút dòng vốn đầu tư. Mặc dù PE của thị trường đã lên trên 14, thu hẹp khoảng cách với các thị trường trong khu vực tuy nhiên khối ngoại vẫn mua ròng 6 phiên liên tiếp. Trong vòng 1 tháng qua, khối ngoại đã mua ròng 5 triệu cổ phiếu VCB (tương đương 262 tỷ đồng) và 6,4 triệu cổ phiếu CTG khiến CTG hết room. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đóng góp không nhỏ vào đà tăng của thị trường trong 1 tháng qua và xu hướng này có thể tiếp tục được duy trì với sự góp sức của nhóm cổ phiếu chứng khoán và kết quả kinh doanh quý 2 bắt đầu được công bố.

Một thống kê của CTCP Chứng khoán Bản Việt cho thấy trong 2 tuần qua, hoạt động giao dịch của thị trường tăng vọt. Giá trị giao dịch đã đạt trung bình 184 triệu USD trong 10 phiên gần nhất (trong tất cả các phiên dều cao hơn 171 triệu USD), tăng mạnh so với mức trung bình 137 triệu USD của tháng 6, tính luôn cả phiên giao dịch có thanh khoản 275 triệu USD trong ngày diễn ra sự kiện Brexit. Mức gia tăng này đến từ việc cơ quan quản lý Nhà nước đã nới lỏng giới hạn giao dịch trong ngày từ ngày 4/7. Các NĐT cá nhân có vẻ như đã tận dụng quy định mới để gia tăng giao dịch trong ngày. Nếu xu hướng có thể giữ nguyên, nó có thể thúc đẩy thanh khoản và tâm lý thị trường, tạo ra thêm nhiều giao dịch.

 

Phương Mai

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.