Chia sẻ:

Doanh nghiệp niêm yết làm ăn ra sao trong 6 tháng đầu năm 2017?

Tổng hợp BCTC của 678 doanh nghiệp trên sàn của SSI Research cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, có tới 612 doanh nghiệp báo lãi với tổng lợi nhuận sau thuế đạt 72.845 tỷ đồng, tăng 23,67% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Trong kỳ này, có 50% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, 39,6% số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm và 10,4% doanh nghiệp báo lỗ.

 

 

Nguồn: SSI Retail Research, Fiinpro 

 

Lợi nhuận tăng trưởng ở 2 nhóm VN30 và HNX30 với tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm và cao hơn mức tăng chung của thị trường. Các doanh nghiệp báo lỗ trong nhóm chiếm tỷ trọng thấp.

 

Nhóm VN30 có 29 doanh nghiệp báo lãi, chỉ PVD báo lỗ trong kỳ. Tổng lợi nhuận của nhóm tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Nhóm HNX30 có 27 doanh nghiệp báo lãi và 3 doanh nghiệp báo lỗ, bao gồm BCC, DBC, DCS. Tổng lợi nhuận của nhóm tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016.

 

 

Nguồn: SSI Retail Research, Fiinpro 

 

Đa số nhóm ngành đang hưởng lợi theo chu kỳ kinh tế có lợi nhuận tăng trưởng cao hơn tăng trưởng chung thị trường. Cụ thể, ngành Dịch vụ tài chính (tăng 525,4% so với cùng kỳ), Thực phẩm và đồ uống (tăng 43,5% so với cùng kỳ) và Xây dựng và Vật liệu (tăng 43,8% so với cùng kỳ) là những ngành đạt tăng trưởng cao.

 

Trong khi ngành Ô tô và phụ tùng, Bất động sản, Dầu khí lại có lợi nhuận sụt giảm với mức giảm lần lượt 33,5%, 2,8% và 50%.

 

 

 Nguồn: SSI Retail Research, Fiinpro 

 

Nhóm ngành Dịch vụ tài chính có lợi nhuận tăng trưởng đột biến với mức tăng 525,4%. Những công ty dẫn đầu trong ngành đều ghi nhận lợi nhuận ấn tượng và chuyển biến tích cực của các công ty chịu lỗ nặng ở năm 2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI ghi nhận khoản doanh thu 1.239,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 597,7 tỷ đồng. Với kết quả này, kết thúc nửa đầu năm 2017 SSI đã hoàn thành 70,61% kế hoạch kinh doanh về lợi nhuận.

 

Trong khi đó, HCM đạt tổng doanh thu hoạt động 527 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ, và ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 57,6%, đạt 232 tỷ đồng và hoàn thành 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

 

AGR từ mức lỗ 424,25 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016 ghi nhận lãi 85,86 tỷ đồng. OGC cũng giảm từ mức lỗ 504 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2016 xuống lỗ còn 293 tỷ đồng. Nếu không tính OGC, toàn ngành dịch vụ tài chính đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 124,1% so với cùng kỳ.

 

Trong 6 tháng đầu năm, nhóm ngành Điện, nước & xăng dầu khí đốt đạt 8.533 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương tăng 26,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong nhóm có GAS và các công ty điện nổi bật như PPC, CHP, SHP, SBA…GAS đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2017 nhờ chính sách giá sàn và giá bán bình quân khí tự nhiên tăng nhanh hơn giá đầu vào nhờ giá MFO phục hồi (cùng kỳ có diễn biến trái chiều).

 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của PPC đạt 3.158 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 593,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 299 tỷ đồng do trong kỳ công ty thực hiện hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh 215 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá MFO khoản vay ngoại tệ lãi 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ chênh lệch tỷ giá là 415,76 tỷ đồng.

 

Doanh thu của PLX đạt 38.449 tỷ đồng tăng 23% so với cùng kỳ nhưng giá vốn tăng nhanh hơn khiến cho cho lợi nhuận gộp giảm 7% còn 3.172 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm do giảm lãi từ chênh lệch tỷ giá cùng với chi phí tài chính và chi phí bán hàng của PLX đều tăng đáng kể khiến cho lợi nhuận sau thuế giảm 20% xuống còn 909 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 787 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.

 

Ngành vật liệu xây dựng tăng 43,8% so với cùng kỳ, đạt 7.096 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đáng chú ý trong ngành có VCS và VGC. Trong 6 tháng đầu năm 2017, VCS đạt 577 tỷ đồng lãi ròng, tăng 95% so với cùng kỳ và hoàn thành 52% kế hoạch năm. Trong quý II/2017, doanh thu tài chính của VCS tăng đột biến lên gần 27 tỷ đồng. Theo giải trình của VCS, quý 2 phát sinh thêm khoản lãi do chuyển nhượng vốn góp tại CTCP chế tác đá Việt Nam hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng được hoàn thuế 99 tỷ đồng.

 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VGC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 411 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ) hoàn thành 60% kế hoạch năm. Theo công ty cho biết, lợi nhuận tăng đến kể so với cùng kỳ năm trước do VGC đã cắt giảm chi phí bán hàng, chi phí tài chính nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong sản xuất, tiêu thụ chuyển dịch cơ cấu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tập trung đẩy mạnh lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp.

 

Ngành thực phẩm và đồ uống đạt 12.755 tỷ đồng, tăng mạnh 43,5% so với cùng kỳ. Trong năm 2017, các doanh nghiệp lớn trong ngành niêm yết trên sàn như BHN, SAB. Bên cạnh đó, giai đoạn 2016–2017, các doanh nghiệp trong ngành có xu hướng mở rộng sản xuất.

 

Ngành ngân hàng ghi nhận tăng trưởng 22,7% lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2017. Các ngân hàng tích cực trích lập dự phòng trong thời gian trước sẽ hưởng lợi nhờ đảm bảo tăng trưởng tín dụng cao và giảm chi phí trích lập. Các ngân hàng đầu ngành đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khả quan như VCB, MBB, CTG, ACB.

 

 

 Nguồn: SSI Retail Research, Fiinpro 

 

Ngành dầu khí ghi nhận lãi 394,57 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, giảm 50% so với cùng kỳ, chủ yếu do kết quả kém khả quan của PVD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, PVD đạt 1.448 tỷ đồng doanh thu (giảm 56,8%) và lỗ 273 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2016 PVD ghi nhận lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng.

 

Trong quý II/2017, PVD tiếp tục trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu của PVEP là 24 tỷ đồng đối với các khoản nợ quá hạn từ PVEP (lũy kế 121 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017 và 180 tỷ vào năm 2016) và không có khoản hoàn nhập dự phòng nợ xấu. Thu hồi khoản phải thu hiện vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của PVD để duy trì hoạt động.

 

Trong khi đó, PVB thoát lỗ trong nửa đầu năm 2017 nhờ khoản hoàn nhập dự phòng 14,7 tỷ đồng ghi nhận trong quý II/2017. Đây là khoản trích trước chi phí bảo hành cho các dự án mà công ty thực hiện, số dư đến cuối quý II/2017 của khoản mục này là 31,8 tỷ đồng.

 

Ngành Ô tô phụ tùng ghi nhận lãi giảm 33,5% so với cùng kỳ, đạt 575 tỷ đồng, kết quả kém khả quan chủ yếu do các cổ phiếu ngành xăm lốp như DRC, CSM. 

 

Các nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp sản xuất săm lốp như dầu và cao su tự nhiên đều tăng cao những tháng đầu năm 2017 khiến chi phí giá vốn của công ty tăng mạnh dẫn đến sụt giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp săm lốp cũng phải đối mặt cạnh tranh từ các nhà sản xuất nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam.

TRẦN THÚY


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.