Chia sẻ:

Đến 15/12, vốn hóa tại HNX đạt 215 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với 2016

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở GDCK Hà Nội đã báo cáo về tình hình hoạt động năm 2017 của Sở.

 

Thị trường cổ phiếu hoạt động an toàn, hiệu quả với quy mô, chất lượng ngày càng được nâng lên. Trên thị trường cổ phiếu niêm yết, tính đến 15/12, Sở đã chấp thuận niêm yết cho 16 doanh nghiệp với giá trị đăng ký niêm yết (ĐKNY) mới đạt 3,58 nghìn tỷ đồng. Hiện có 383 doanh nghiệp niêm yết trên HNX với giá trị vốn hóa thị trường đạt 214,6 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với cuối năm 2016. Sở đã ban hành Quy chế tạo lập thị trường và khuyến khích, tạo điều kiện để các công ty chứng khoán (CTCK) thành viên tham gia tạo lập thị trường trên HNX.

 

Thị trường UPCoM cũng có số lượng doanh nghiệp và giá trị vốn hóa thị trường tăng nhanh. Trong năm, Sở đã chấp thuận và đưa vào giao dịch 231 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, được nhà đầu tư quan tâm như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)…. Tính đến 15/12, có 681 doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM, vốn hóa thị trường đạt hơn 603 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2016. Thanh khoản thị trường tăng mạnh, tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 11,6 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 218 tỷ đồng/phiên, tăng 35% về khối lượng và 71% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.

 

Hoạt động đấu giá cũng diễn ra sôi động. Trong năm, Sở đã tổ chức 44 phiên đấu giá cổ phần, trong đó chủ yếu là đấu giá thoái vốn Nhà nước (chiếm tỷ lệ 73%). Tổng khối lượng trúng giá đạt hơn 259 triệu cổ phần, tương ứng tổng giá trị bán được đạt hơn 4.573 tỷ đồng.

 

Trên thị trường TPCP, tính đến 15/12/2017, Sở đã tổ chức 238 đợt đấu thầu, huy động được hơn 189 nghìn tỷ đồng trong đó Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 158 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm. Mặc dù kế hoạch phát hành của các tổ chức phát hành đều giảm, tuy nhiên, có một điểm sáng là tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn dài tăng lên (kỳ hạn bình quân trái phiếu chính phủ do KBNN phát hành là 14,02 năm, dài hơn 5,7 năm so với mức bình quân năm 2016) và lãi suất huy động tiếp tục giảm, trong đó các kỳ hạn dài từ 15 – 30 năm có mức giảm mạnh nhất.

 

Trên thị trường thứ cấp, mặc dù quy mô niêm yết chỉ tăng 8,4% so với năm 2016 nhưng quy mô giao dịch tăng 33%, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 8,8 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với năm 2016, trong đó có tới ¼ số phiên có giá trị giao dịch trên 10 nghìn tỷ đồng/phiên, đặc biệt giao dịch Repo tăng 74,1% so với 2016, chiếm 48,5% tổng giá trị giao dịch thị trường.

 

Một trong những kết quả quan trọng Sở đạt được trong năm qua là việc Thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) chính thức được đưa vào vận hành an toàn, ổn định và đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu. Tính đến hết ngày 15/12/2017, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường này đạt 946.326 hợp đồng, tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng. Bình quân khối lượng giao dịch đạt 10.399 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt gần 900 tỷ đồng/phiên, tăng tương ứng xấp xỉ 21 và 24 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.

 

Khối lượng mở OI toàn thị trường duy trì xu hướng tăng. Tính đến 15/12/2017, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 6.796 hợp đồng gấp 34 lần so với phiên giao dịch đầu tiên. TTCKPS hiện có 7 CTCK thành viên và 14.034 tài khoản giao dịch phái sinh của nhà đầu tư được mở tính tới hết ngày 15/12.

 

Tuy nhiên, hoạt động giao dịch đang tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, sự tham của nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế do một số quy định chưa được hướng dẫn từ phía Ngân hàng Nhà nước khiến cho việc triển khai của các NHTM gặp khó khăn, bên cạnh đó, quy trình nghiệp vụ giữa thành viên bù trừ với Ngân hàng giám sát, lưu ký chưa được xây dựng, hướng dẫn cụ thể.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà giao 5 nhiệm vụ cho HNX. Thứ nhất, tái cơ cấu TTCK trong đó cần đánh giá, tái cơ cấu thị trường thị trường cổ phiếu niêm yết, UPCoM, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Thứ hai, chuẩn bị điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm phái sinh trái phiếu vào hoạt động, phát triển các sản phẩm phái sinh mới; Thứ ba, tiếp tục phối hợp các đơn vị trong Bộ Tài chính huy động vốn ngân sách qua hoạt động đấu thầu, đấu giá; Thứ tư, phối hợp HOSE khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin theo gói thầu 04 để đưa vào sử dụng; Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện công tác quản trị của Sở theo hướng tiên tiến, hiện đại.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.