Chia sẻ:

Đây là 3 chủ đề đầu tư tiềm năng trong quý IV

Theo CTCK BSC, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, tăng trưởng GDP cả năm mục tiêu 6,7%. Trong Quý III/2017, tăng trưởng GDP đạt mức ấn tượng 7,46%, lạm phát 9 tháng là 1,83%, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Chính phủ đề ra thì tăng trưởng GDP Q4 ước phải đạt mức 7,5% – 7,7%.

 

BSC cho rằng một số yếu tố sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý IV là việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tăng trưởng tín dụng đạt 21 – 22% thay vì mức 18% như kế hoạch đầu năm.

 

Tính đến cuối tháng 9/2017, tín dụng tăng trưởng khoảng 12%, với số dư nợ 5,5 triệu tỷ đồng cuối năm 2016 thì nền kinh tế dự kiến sẽ được bơm thêm khoảng 550 ngàn tỷ đồng để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 22%. BSC cho rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong quý IV/2017.

 

Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế vĩ mô, CTCK BSC đưa ra 4 chủ đề đầu tư cổ phiếu trong quý IV.

 

Nhóm cổ phiếu OTC lên niêm yết và doanh nghiệp cổ phần hóa

 

Cụ thể, CTCK BSC cho rằng chủ đề đầu tư liên quan đến Nhóm cổ phiếu OTC lên niêm yết và Nhóm doanh nghiệp nhà nước Cổ phần hóa sẽ tiếp tục là câu chuyện thu hút sự chú ý của thị trường trong cuối năm 2017. Trong đó một số tên tuổi lớn sắp niêm yết lên sàn có thể kể tới như Viettel Post, Viettel Global, Viettel Công trình…

 

Với những doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa, thương vụ IPO Lọc hóa dầu Bình Sơn được kỳ vọng là “bom tấn” trong năm nay. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đáng chú ý khác như PV Oil, PV Power, VRG, Idico, TCT Sông Đà… cũng được thị trường chờ đợi và là chất xúc tác của thị trường trong thời gian còn lại của năm 2017.

 

Bên cạnh đó, năm 2018 theo Công văn 991/TTg-ĐMDN (10/07/2017) sẽ có một loạt các tên tuổi lớn tiến hành CPH là Mobifone, VTC, Vicem, HUD, Genco 1, Genco 2, Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, TCT Cấp nước Sài Gòn… sẽ thu hút sự quan tâm lớn của NĐT trong và ngoài nước.

 

Nhóm cổ phiếu thoái vốn hoặc kín room

 

“Nhóm cổ phiếu thoái vốn hoặc hết room” cũng là một trong những chủ đề đầu tư đáng chú ý trong quý IV. Trong đó, BMP và NTP có thể sẽ là 2 cơ hội đầu tư khi SCIC thoái vốn.

 

CTCK BSC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của NTP sẽ được cải thiện mạnh nhờ thay đổi chính sách phân phối như đã đề cập trong các báo cáo trước đây. Bên cạnh đó, việc nhà nước tiến hành thoái vốn tại SAB và BHN sẽ là điểm nhấn cuối năm của TTCK, biến động giá của cổ phiếu SAB sẽ có ảnh hưởng lớn đến chỉ số VNIndex, VN30 và thị trường chứng khoán phái sinh.

 

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg (17/08/2017), trong năm 2017 Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn tại TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), TCT Dược Việt Nam, TCT VLXD số 1 – FICO, TCT Xây dựng số 1, TCT Licogi. Trong tháng 10/2017, dự kiến SCIC sẽ tiếp tục bán 3,3% vốn sở hữu tại VNM (giảm tỷ lệ SH của SCIC tại VNM còn 36%), dự kiến thu về từ 6,5 – 7 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung các thương vụ thoái vốn lớn không chỉ là cơ hội với NĐT trong và ngoài nước và cũng là nguồn thu ngoại tệ cho nhà nước, góp phần bình ổn chính sách tỷ giá.

 

CTCK BSC cũng lưu ý cổ phiếu FPT trong chủ đề đầu tư liên quan thoái vốn. Hiện tại doanh nghiệp đang tiến hành giảm tỷ lệ sở hữu tại mảng Phân Phối và Bán lẻ. Trong quý IV, FPT sẽ tiến hành bước tiếp theo của thương vụ bán vốn tại khối Bán lẻ (khoảng 10%) cho NĐT cá nhân thông qua các Công ty chứng khoán. Do đó, định giá của doanh nghiệp cũng sẽ được điều chỉnh để phù hợp với hoạt động cốt lõi là CNTT và Viễn thông.

 

Nhóm cổ phiếu cơ bản, đầu ngành, cổ tức cao

 

Khi kết quả kinh doanh quý III dần được công bố, các cổ phiếu chứng minh được sức tăng trưởng tốt, sẽ tiếp tục đạt mức giá cao. BSC lưu ý nhóm cổ phiếu Ngân hàng, kết quả kinh doanh của các ngân hàng được kỳ vọng tích cực nhờ tăng trưởng kinh tế, tín dụng và đẩy mạnh các hoạt động ngoài lãi. Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua, kỳ vọng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, đưa nguồn vốn vào lưu thông và tạo ra lợi nhuận cho các ngân hàng.

 

Ngoài ra, chủ đề đầu tư liên quan đến nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do và XNK cũng tiềm năng cơ hội. Trong 9 tháng đầu năm 2017,vốn đầu tư FDI tăng kỷ lục, Việt Nam đã thu hút được 25,48 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.

 

Vốn giải ngân FDI cũng tăng mạnh, đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2016. Do đó, triển vọng sẽ đến với những ngành Xuất nhập khẩu, hạ tầng Khu Công nghiệp, Logistics.

 

Bên cạnh đó dù hiệp định TPP không được thông qua, ngành Dệt may Việt Nam đang lấy lại phong độ với mức tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 8,6% trong 9 tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do là Hạ tầng – KCN, Logistics cũng đáng lưu ý vào thời điểm quý IV/2017.

 

PHAN TÙNG/BSC


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.