Chia sẻ:

CP ngân hàng khởi sắc

Đang có những tín hiệu để kỳ vọng CP ngân hàng (NH) sẽ có một cuộc chuyển mình trong thời gian tới trên TTCK. Liệu những tín hiệu vĩ mô, vị thế trong ngành và xu thế dòng tiền có thể tạo ra một đợt sóng cho CP NH trên diện rộng?

Từ vĩ mô đến thị trường

5 phiên cuối cùng của tháng 9, từ 26 đến 30-9, VN Index đã có những diễn biến rất khả quan khi đã vượt qua vùng kháng cự 670 điểm và đã có lúc tăng vượt 690 điểm. Cũng trong khoảng thời gian này, một số CP NH trên sàn cũng có biến động tương tự. Chẳng hạn, VCB tăng từ 3.7 lên 3.9, BID tăng từ 1.6 lên 1.7, ACB từ 1.7 lên 1.9. Cùng lúc, các NH lớn, đặc biệt là những NH có tỷ lệ sở hữu nhà nước cao đã tiến hành giảm lãi suất huy động. Khi lãi suất gửi tiền vào NH giảm, xu hướng phổ biến là TTCK tích cực vì dòng tiền có thể dịch chuyển qua những kênh sinh lời hấp dẫn hơn và CK là một trong số đó.  
 

Những thông tin như sự phục hồi của các NH, hoặc vị thế của nhóm NH đã trở lại dường như đã được phản ánh trong thời gian qua, nhưng thị trường cần những câu chuyện mới hơn. Ngược lại, nếu những xu hướng mới đối với CP NH chưa rõ ràng, sự vận động sẽ chỉ mang tính chất đơn lẻ, dè dặt.

Đối với các NH, tín hiệu giảm lãi suất cho thấy một số NH thanh khoản dồi dào và từ chuyện giảm lãi suất huy động, người ta có thể kỳ vọng vào lãi suất cho vay cũng có thể giảm xuống. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp (DN), trong đó có DN niêm yết và cho cả nền kinh tế. Cuối tháng 9, thông tin GDP quý III tăng 6,4%, cao hơn quý I (5,4%) và quý II (5,78%). Để hoàn thành chỉ tiêu GDP tăng 6,7% trong năm 2016, nhiều khả năng GDP quý IV-2016 sẽ phải tiếp tục tăng cao hơn nữa. Trong đó, nguồn vốn tín dụng từ NH cũng được kỳ vọng sẽ chảy vào nền kinh tế để góp phần cho mục tiêu này, nghĩa là kỳ vọng thu nhập của các NH cũng sẽ gia tăng tương ứng. 

 

Xét trên vị thế thị trường, mỗi đợt sóng của thị trường đều cần những CP có khả năng dẫn dắt. Nhóm CP này vừa phải là những DN đầu ngành, quy mô vốn hóa lớn, vừa có những yếu tố tích cực để hút được lượng tiền lớn trên diện rộng của thị trường. Thời gian qua, VNM chính là CP nổi bật đã cáng đáng nhiệm vụ này. Trong 6 tháng qua, từ mức giá 11.5, đã có lúc VNM tăng lên đến 15.5, chính nhờ điều này VN Index đã liên tục lập những đỉnh cao mới sau 7 năm. Khoảng 1 tháng qua, từ mức giá dưới 6.0, BVH cũng đã tăng lên đến 7.3. Và cũng không thể không nhắc đến VCB, CP NH “đầu đàn” đã tăng từ 3.0 lên 4.2 trong 6 tháng qua.

Vấn đề là những BVH, VCB hay VNM sau những đợt tăng giá cũng cần phải có những đoạn điều chỉnh. Lúc này thị trường đang nổi lên 2 nhóm CP có khả năng “gánh” các chỉ số, đó là dầu khí và NH. Dầu khí với GAS, PVD, PVS… nhận được kỳ vọng từ việc giá dầu quay trở lại vùng 50USD/thùng, trong khi đó NH với những kỳ vọng vĩ mô như đã nói ở trên. Hiện tại cả thị trường đang tiếp tục tăng lên những mốc cao nhất sau 7 năm, vậy nên giữa các nhóm CP sẽ cần phải “chia lửa” cho nhau, nhóm này tăng nhóm kia tích luỹ, thay phiên nhau. Nếu chỉ riêng VNM, VCB, BVH hoặc nhóm dầu khí, NH tăng giá e rằng sẽ khó cho những mốc như 700 điểm. Nói vậy để thấy rằng, khi thị trường tăng giá trở lại, dòng tiền sẽ có xu hướng đánh cược với chỉ số thông qua việc mua vào những CP có vốn hóa lớn (trong đó có NH) để kỳ vọng sẽ tạo ra một nhóm CP dẫn dắt.

 
Lên sàn dễ có sóng

“Bột” đã sẵn, nhưng liệu có “gột” được nên hồ hay không cần nhìn vào các yếu tố nội tại của CP NH. Hãy bắt đầu bằng câu chuyện SCIC sẽ tiến hành bán đấu giá 2,4 triệu CP, tương đương 0,3% vốn điều lệ của “siêu tổng công ty” này tại Maritime Bank (MSB) với giá 11.700 đồng/CP. Đóng cửa phiên 7-10, STB đạt 9.530 đồng/CP, CP này hiện đã có thâm niên 10 năm trên sàn, một trong những CP có tính phổ dụng nhất trong nhóm NH. Đứng dưới góc độ một NĐT cá nhân, chưa xét đến vị thế của từng NH, lựa chọn giữa việc mua CP quen mặt trên sàn, thanh khoản lớn có giá dưới 1.0 với việc mua CP chưa niêm yết, giá 1.1, NĐT sẽ lựa chọn cách nào?

Nhưng cũng cần biết rằng, khi đem một lượng CP ra đấu giá, bên bán cũng phải tiến hành “dạm hỏi” với bên mua thay vì phó mặc, hơn nữa số lượng 2,4 triệu CP không phải là quá lớn, nên nếu SCIC có thể bán hết số lượng này cũng không có gì phải ngạc nhiên. Một chi tiết khác cần lưu ý, có khá nhiều CP NH chưa niêm yết hiện được rao mua-bán trên thị trường OTC với giá dưới 1.0, có khi 0.5. Vậy tại sao SCIC lại mạnh dạn chào bán với giá trên 1.0? Giá CP bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, từ cung-cầu, diễn biến ngành, nội tại DN và ở đây có thể mổ xẻ thêm 2 yếu tố là khối lượng và chuyện trên sàn, dưới sàn.

 Như đã biết, Sabeco đã tăng giá rất mạnh trên thị trường OTC kể từ khi thông tin về lộ trình niêm yết xuất hiện. Nghĩa là nếu NH có khả năng niêm yết, chắc chắn giá có thể sẽ khác so với lúc này. Hiện tại, các cơ quan quản lý đang sử dụng nhiều giải pháp để đốc thúc, khuyến khích các công ty đại chúng niêm yết, trong đó chắc chắn không thể thiếu các NH. Mặt khác, mua CP với khối lượng lớn sẽ có giá khác với những lô CP tầm trung hoặc nhỏ. Tất cả những khả năng được bàn ở trên đây đều hướng đến một điều: Nếu nhóm CP NH có một tín hiệu rõ ràng và trên diện rộng, nghĩa là chủ trương thoái vốn xuất hiện tại nhiều NH, hoặc đồng loạt các NH có ý định niêm yết, nhu cầu chắc chắn sẽ tăng cao, lúc này sự sôi động sẽ trở lại.

 

MINH TRANG

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc