Thị trường phiên hôm nay diễn biến theo xu hướng chủ đạo là sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, các mã như BVH, MSN, PLX, VIC, VJC, VNM, VRE… đều đồng loạt tăng giá và góp phần giúp duy trì vững sắc xanh của VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch, VRE tăng 1.000 đồng (2,17%) lên 47.000 đồng/CP. PLX tăng 1.500 đồng (2,33%) lên 65.900 đồng/CP. MSN tăng 2.900 đồng (4,2%) lên 71.900 đồng/CP. VIC tăng 1.000 đồng lên 73.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,7 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, phiên hôm nay, VIC có thỏa thuận hơn 5,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị đạt 399 tỷ đồng, trong đó đa phần là do khối ngoại thực hiện bán ra.
Chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn duy trì trên khá nhiều mã vốn hóa lớn khác như VCG, SAB, HSG, FPT, CTG… Trong đó, VCG là nguyên nhân chính đẩy HNX-Index giảm điểm, cổ phiếu này chốt phiên giao dịch ở mức giá sàn với khối lượng khớp lệnh 3 triệu cổ phiếu, trong đó, lượng dư bán giá sàn là 2,4 triệu cổ phiếu còn dư bán ATC gần 4,2 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, SAB giảm sâu 10.400 đồng (-3,26%) xuống 309.000 đồng/CP, VCB giảm 550 đồng (-1,16%) xuống 47.500 đồng/CP.
Trong khi đó, sau một vài phiên giao dịch tích cực, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bất ngờ điều chỉnh trở lại. Các mã như DXG, TDH, QCG, HAG, HNG, HAI, AMD… đều chìm trong sắc đỏ.
Thanh khoản thị trường có cải thiện hơn so với phiên trước, với tổng khối lượng giao dịch đạt 245,6 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 5.900 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.700 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,51 điểm (0,16%) lên 940,16 điểm. Toàn sàn có 124 mã tăng, 140 mã giảm và 70 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,63%) xuống 113,81 điểm. Toàn sàn có 76 mã tăng, 78 mã giảm và 193 mã đứng giá.
Thị trường về cuối phiên sáng bất ngờ có sự hồi phục trở lại, nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường như BVH, VNM, VRE, SSI, MSN, MBB, PVS… đều đồng loạt tăng giá mạnh và giúp đẩy VN-Index lên trên mốc tham chiếu, trong khi giúp HNX-Index thu hẹp đáng kể đà giảm. Trong đó, VNM bật tăng 5.000 đồng (2,69%) lên 130.000 đồng/CP. MSN tăng 2.500 đồng (3,62%) lên 71.500 đồng/CP. BVH tăng 1.600 đồng(2,62%) lên 62.600 đồng/CP.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn còn ghi nhận khá nhiều mã vốn hóa lớn khác giảm giá như SAB, VCB, CTG… đây cũng đang là trở lại chính cho đà hồi phục của thị trường. Đáng chú ý, VCG vẫn giảm kịch sàn xuống 24.800 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,9 triệu cổ phiếu, trong đó, lượng dư mua giá sàn đạt trên 3,8 triệu cổ phiếu.
Còn tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giao dịch diễn ra sôi động và tích cực tại các mã như HQC, HHS, DIG… Trong đó, HQC tăng 40 đồng (1,49%) lên 2.720 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE với 4,7 triệu cổ phiếu. HHS bất ngờ tăng 270 đồng (5,63%) lên 5.070 đồng/CP và khớp lệnh 4,1 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường phiên sáng vẫn ở mức không quá cao cũng chỉ tương đương phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt 141 triệu cổ phiếu, trị giá gần 3.200 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 700 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 4,41 điểm (0,47%) lên 943,06 điểm. Toàn sàn có 130 mã tăng, 99 mã giảm và 109 mã đứng giá.
HNX-Index vẫn giảm 0,46 điểm (-0,4%) xuống 114,7 điểm. Toàn sàn có 56 mã tăng, 59 mã giảm và 248 mã đứng giá.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối tuần tiếp tục ghi nhận những diễn biến không mấy tích cực đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Hàng loạt các cổ phiếu trụ cột như VIC, VCB, VRE, FPT, CTG, VCG… đều lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu và điều này đẩy cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index giảm điểm. Trong đó, VIC đang giảm sâu 2.300 đồng (-3,19%) xuống 69.700 đồng/CP. VCB cũng giảm 600 đồng (-1,26%) xuống 47.000 đồng/CP.
Đáng chú ý, VCG đang bị kéo xuống mức giá sàn và dư bán giá sàn trên 2,3 triệu cổ phiếu. Chiều qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của VCG do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. Đã có 1 tổ chức đăng ký mua 5 triệu cổ phần và 2 cá nhân đăng ký mua 350.000 cổ phần. Tổng cộng, lượng cổ phiếu đăng ký mua vào 5,35 triệu cổ phiếu, tương đương 5,56% lượng chào bán.
Chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn khác là VNM, MSN, MWG, ROS, DBC, PLC… đang nhích lên trên mốc tham chiếu. VNM tăng 1.400 đồng (0,75%) lên 187.400 đồng/CP. MSN tăng 900 đồng (1,3%) lên 69.900 đồng/CP. PLC tăng 900 đồng (3,59%) lên 26.000 đồng/CP.
Sau khoảng 35 phút giao dịch, VN-Index giảm 7,98 điểm (-0,86%) xuống 930,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 22,5 triệu cổ phiếu, trị giá 547 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,71 điểm (-0,62%) xuống 113,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,8 triệu cổ phiếu, trị giá 178 tỷ đồng.
SSI Retail Research cho rằng nhóm cổ phiếu Largecaps có thể sẽ hồi phục và giúp các chỉ số chính tăng diểm. Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục hướng về các nhóm cổ phiếu còn lại, đặc biệt rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng iền ngắn hạn vân duy trì xu hướng tăng cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần nên chú ý vào sự dịch chuyển của dòng tiền và xu hướng của cổ phiếu khi thị trường đang xảy ra phân hóa. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu vẫn duy trì trên mức 50% và giảm nhẹ trong hai phiên giao dịch gần đây cho thấy thị trường đang trong nhịp điều chỉnh, nhưng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận vẫn còn hiện hữu.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research hạ mức xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN30 từ tăng xuống giảm và duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn của chỉ số HNX-Index. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu lại danh mục và duy trì nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục, đặc biệt nên hạn chế mua mới ở những cổ phiếu Largecaps đã tăng nóng trong những phiên giao dịch trước.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.