Chia sẻ:

Cổ phiếu “vàng đen” trở lại?

Việc giá than tăng mạnh đã nhen nhóm hy vọng cho ngành than Việt Nam sau chuỗi thời gian dài ảm đạm.

Giá than tăng, ngành than hồi phục

Sau hơn 8 năm suy giảm, giá than đã bắt đầu hồi phục từ đầu năm 2016 với tốc độ tốt nhất so với các hàng hóa năng lượng khác. Tính đến tháng 11/2016, giá than đã tăng tới 112% so với đầu. Lý giải điều này, Công ty chứng khoán BSC đã đưa ra hai lý do:

Một là, vào giữa năm 2015, Trung Quốc ban hành chính sách hạn chế mở cửa mỏ than dưới 273 ngày (so với trước đó là 330 ngày). Hiện than chiếm tới 64% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, do đó việc hạn chế mở cửa mỏ than khiến nước này phải tăng cường nhập khẩu.

Hai là, bất chấp những tuyên bố “tuyên chiến với ngành than” của người tiền nhiệm, tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhắc tới việc khiến các công ty than của Hoa Kỳ tốt trở lại, khiến sau ngày có kết quả bầu cử, giá than đã có phiên tăng tới 20% trong ngày 10/11, có thể kể đến như như: OTCPK: BTUUQ +43,2%, FELP +25,4%; OTCQB: RHNO +20,7%, CLD +16,7%, WLB +17,5%…

Tính đến tháng 10/2016,  lượng than tồn kho của Việt Nam hiện khoảng 12 triệu tấn. Trong đó, TKV tồn kho 11 triệu tấn. Nếu trừ đi lượng tồn kho theo định mức bắt buộc khoảng 3 – 4 triệu tấn thì tồn kho hiện nay khoảng 8 triệu tấn.

Vì thế, việc giá than tăng mạnh đã nhen nhóm hy vọng cho ngành than Việt Nam sau chuỗi thời gian dài ảm đạm.

Đã đến lúc đầu tư vào cổ phiếu ngành than?

Tuy vậy, triển vọng cho ngành than Việt Nam vẫn mơ hồ.

Do các ảnh hưởng xấu đến môi trường, ngành than phải chịu mức thuế, phí luôn cao và có xu hướng tăng, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh với các các nước khác. Ở Việt Nam, thuế xuất khẩu than là 10%, thuộc nhóm nước có thuế suất cao. So với các nước khác: Indonesia hàng năm sản xuất khoảng 390 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 300 triệu tấn, thuế xuất khẩu là 0% ; Úc có sản lượng tương đương Indonesia cũng áp dụng thuế xuất khẩu 0%,…

Trong khi đó, Việt Nam từ vị thế là quốc gia xuất khẩu than với quy mô trên 25 triệu tấn năm 2009 đã chuyển sang nhập khẩu hơn 10,51 triệu tấn than chỉ trong 9 tháng 2016, tương đương 655 triệu USD. Bộ Công Thương ước tính nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đến năm 2020 là khoảng 35 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.

Đó là chưa kể đến, trữ lượng mỏ than của Việt Nam đang ngày càng cạn kiệt và xu hướng sử dụng năng lượng sạch vẫn tiếp diễn nên giá than sẽ còn phụ thuộc nhiều vào động thái chính sách của các quốc gia có tiêu thụ lớn.

Theo đà tăng của thế giới, nhóm các cổ phiếu ngành than ở nước ta cũng đang có xu hướng tăng.

 


Không giống các doanh nghiệp thế giới, các công ty than Việt Nam phần lớn hoạt động khai thác theo kế hoạch và định mức được giao từ Công ty mẹ Vinacomin. Giá than tăng lên và lượng tồn khi lớn sẽ có lợi cho công ty mẹ và giảm áp lực cho công ty con.

BSC cũng đánh giá, khi nhìn lại chỉ số các cổ phiếu than, dễ dàng nhận thấy đa số các công ty sau thời gian dài giá cổ phiếu sụt giảm nhanh hơn giá than, đã bắt đầu về mức độ hợp lý. Định giá có chiết khấu so với sổ sách và mức chi trả cổ tức kế hoạch bắt đầu hấp dẫn so với lãi suất ngân hàng. Mặc dù khó có thể đánh giá liệu xu hướng giá than tăng sẽ tiếp diễn bao lâu, nhưng các yếu tổ hiện tại cũng đã đủ đề nhà đầu tư nghiêm túc nhìn lại cơ hội trong nhóm cổ phiếu than.

 

NGỌC ĐỖ

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc