Chia sẻ:

Cổ phiếu ngân hàng đua nhau lao dốc, VN-Index giảm gần 23 điểm

Thị trường bất ngờ rơi vào tình trạng hoảng loạn khi mà hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên thị trường bị bán mạnh, trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có lẽ chịu tổn thất nặng nề nhất, các cổ phiếu như CTG, BID, VCB, VPB, SHB… đều đồng loạt lao dốc mạnh, trong đó, CTG giảm kịch sàn xuống 21.400 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,9 triệu cổ phiếu. BID giảm 1.000 đồng (-4%) xuống 24.000 đồng/CP. VCB giảm 2.450 đồng (-5,21%) xuống 44.600 đồng/CP và khớp lệnh 1,4 triệu cổ phiếu. SHB cũng mất 500 đồng (-5,32%) xuống 8.900 đồng/CP và khớp lệnh 22,1 triệu cổ phiếu.

 

Ngoài ra, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn khác trên thị trường như SAB, ROS, BVH, VRE, HSG, VCG… vẫn lao dốc rất mạnh. SAB để mất 16.000 đồng (-5,18%) xuống 293.000 đồng/CP. ROS giảm 9.300 đồng (-6,06%) xuống 144.200 đồng/CP.

 

Chiều ngược lại, VNM, VJC, MSN, VCS… là những cổ phiếu vốn hóa lớn hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh, trong đó, VNM tăng 2.900 đồng (1,54%) lên 191.000 đồng/CP. VJC tăng 3.400 đồng (2,63%) lên 132.700 đồng/CP.

 

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC, HHS, TCH, FIT… giao dịch khá sôi động vào tích cực. Trong đó, FLC tăng 20 đồng (0,29%) lên 6.900 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất thị trường, đạt hơn 22,2 triệu cổ phiếu. TCH kết phiên ở mức giá trần và khớp lệnh hơn 5,6 triệu cổ phiếu. HHS được ‘hưởng sái’ sự tích cực từ TCH và tăng 300 đồng (5,88%) lên 5.400 đồng/CP và khớp lệnh 6,2 triệu cổ phiếu.

 

Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với phiên trước, với tổng khối lượng giao dịch đạt 274,5 triệu cổ phiếu, trị giá đạt 5.659,4 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm gần 1.000 tỷ đồng.

 

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 22,71 điểm (-2,48%) xuống 917,45 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 212 mã giảm và 53 mã đứng giá.

 

HNX-Index giảm 2,03 điểm (-1,78%) xuống 111,78 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng, 110 mã giảm và 207 mã đứng giá.

 

Thị trường về cuối phiên sáng giao dịch có phần bớt tiêu cực hơn trước, áp lực bán không còn diễn ra quá mạnh và điều này giúp thu hẹp đà giảm của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, thậm chí có nhiều mã còn bật tăng mạnh như VNM, VJC, PVD, MSN, VCS… Trong đó, VNM tăng 5.500 đồng (2,92%) lên 193.600 đồng/CP. MSN tăng 1.600 đồng (2,23%) lên 73.500 đồng/CP. PVD bất ngờ tăng trở lại 150 đồng (0,77%) lên 19.600 đồng/CP.

 

Tuy nhiên, số mã vốn hóa lớn giảm giá vẫn chiếm đa số, các mã như SAB, VRE, HSG, CTG, VCG, SHB… vẫn giảm giá sâu. SAB giảm mạnh 7.000 đồng (-2,27%) xuống 302.000 đồng/CP. ROS giảm 9.500 đồng (-6,19%) xuống 144.000 đồng/CP.

 

Còn tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, TCH sau ít phút giao dịch cầm chừng ở đầu phiên thì bất ngờ được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh hơn 5,2 triệu cổ phiếu. Rõ ràng thông tin cổ phiếu này được thêm vào danh mục của quỹ V.N.M ETF đang giúp TCH bứt phá mạnh mẽ.

 

Thanh khoản thị trường ở mức không qua cao và chỉ tương đương phiên cuối tuần trước với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 149 triệu cổ phiếu, trị giá gần 2.900 tỷ đồng.

 

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 4,55 điểm (-0,49%) xuống 935,61 điểm. Toàn sàn có 66 mã tăng, 187 mã giảm và 83 mã đứng giá.

 

HNX-Index giảm 1,17 điểm (-1,03%) xuống 112,63 điểm. Toàn sàn có 38 mã tăng, 87 mã giảm và 247 mã đứng giá.

 

Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán nói chung đón nhận một tin không vui đến từ việc một số lãnh đạo cấp cao bị bắt. Thông tin trên ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, áp lực bán mạnh đã đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột trên thị trường lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu và đẩy hai chỉ số giảm điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí có vẻ như chịu tổn thất nặng nề nhất. PVD đang giảm 500 đồng (-2,57%) xuống 18.950 đồng/CP. GAS giảm 2.600 đồng (-3,03%) xuống 83.100 đồng/CP. PVS giảm 400 đồng (-2,16%) xuống 18.100 đồng/CP.

 

Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID, VRE, ROS, HSG, SHB… đều có mức giảm trên 2%. VCG hiện tại tiếp tục giảm sâu 2.000 đồng (-8,06%) xuống 22.800 đồng/CP và khớp lệnh 3,59 triệu cổ phiếu. Có thời điểm, VCG đã bị kéo xuống mức giá sàn. Một số cổ phiếu cũng nằm trong diện thoái vốn của Nhà nước như NTP, BMP, FPT… cũng đều giảm khá mạnh. SHB giảm 300 đồng (3,19%) xuống 9.100 đồng/CP và khớp lệnh 5,6 triệu cổ phiếu. Cuối tuần qua, V.N.M ETF đã công bố danh mục đầu tư quý IV/2017 trong đó trái với dự đoán của nhiều chuyên gia, quỹ ETF này không thêm SHB trong khi gọi tên TCH.

 

Ở chiều ngược lại, VNM, SAB, VCS… là những ‘ông lớn’ hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh, mặc dù vậy, đà tăng của các cổ phiếu này là khá mong manh.

 

Sau khoảng 30 phút giao dịch, VN-Index giảm 9,96 điểm (-1,07%) xuống 930,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 18 triệu cổ phiếu, trị giá 418,8 tỷ đồng.

 

HNX-Index giảm 1,53 điểm (-1,35%) xuống 112,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,4 triệu cổ phiếu, trị giá 216 tỷ đồng.

 

SSI Retail Research cho rằng thị trường có thể sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh và các chỉ số chính có thể sẽ biến động hẹp trong phiên tới. Theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, nhóm cổ phiếu Largecaps có thể sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn tích lũy với khối lượng giao dịch ở mức thấp và thị trường có thể sẽ còn hiện tượng phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu Midcaps và Smalcaps có thể sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu khuyến nghị của SSI Retail Research vẫn duy trì trên mức 50% cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.

 

Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN30 với mức kháng cự ở mức 965,4 điểm và mức tăng xu hướng ngắn hạn của chỉ số HNX-Index với mức cắt lỗ ở mức 113,22 điểm. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu lại danh mục và vẫn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục theo mức khuyến nghị, đặc biệt các nhà đầu tư ngắn hạn nên hướng theo sự dịch chuyển của dòng tiền ở từng nhóm cổ phiếu để có chiến lược cơ cấu danh mục của mình.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.