Gần đây, diễn biến các cổ phiếu ngành dệt may nói chung và cổ phiếu TCM nói riêng có phần kém tích cực so với cùng kỳ năm trước do thiếu yếu tố hỗ trợ về kết quả kinh doanh và hiệu ứng TPP đã “nguội dần”.
Dù không phải nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường nhưng dệt may trước nay luôn là một trong những lựa chọn ưa thích của giới đầu tư. Bởi kết quả kinh doanh ổn định và đặc biệt sự kỳ vọng vào hiệp định TPP được ký kết chính là chất xúc tác khiến cổ phiếu dệt may “thăng hoa”.
Theo đó, kể từ đầu tháng 2 tới nay, NĐT dễ nhận thấy nhóm cổ phiếu dệt may luôn có biến động theo chiều hướng tích cực với nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Đơn cử, EVE là cổ phiếu đầu tiên trong ngành dệt may thực hiện nới room cho NĐT nước ngoài lên ngưỡng tối đa 100%.
Ngay sau khi được “cởi trói”, EVE đã bứt tốc tăng 50% chỉ trong vòng một tháng. Sau EVE, mới đây đến lượt TNG cũng thông qua quyết định nới room lên mức tối đa 100%. Mặc dù còn chờ đại hội cổ đông thông qua và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt, tuy nhiên yếu tố này đã giúp TNG có liên tiếp 2 phiên tăng điểm trước khi điều chỉnh theo xu thế chung của thị trường.
Hiện tại, nhóm dệt may còn có 2 trường hợp thuộc diện kín room 49% là TCM và KMR. Cũng như trường hợp của EVE, cả 2 DN này được nắm giữ chủ yếu bởi cổ đông Hàn Quốc là E-land và Mirae Fiber Tech. Khi mà EVE đã hoàn tất việc nới room thì trường hợp TCM hay KMR tiến hành nới room lên ngưỡng tối đa hẳn cũng là điều không quá bất ngờ. Có lẽ, sự kỳ vọng của NĐT về việc nới room là nguyên nhân chính khiến các cổ phiếu dệt may như EVE, TCM, TNG, KMR bứt phá mạnh trong thời gian gần đây.
Cũng có vài ý kiến cho rằng, sự kỳ vọng sẽ gặp một số rào cản vì nhóm ngành này cũng đang chịu rủi ro tăng dần. Theo đó, nhóm cổ phiếu này sẽ không còn tăng tốc theo chu kỳ hiện tại. Nên các chuyên gia khuyên NĐT xem xét thận trọng cơ hội từng cổ phiếu một.
Đơn cử, hiệp định TPP về cơ bản đã hoàn tất nhưng yếu tố này dường như chưa tác động nhiều tới các DN dệt may bởi lẽ thời hạn giảm thuế theo lộ trình cũng còn mất vài năm nữa mới có hiệu lực.
Bên cạnh đó, TPP cũng mang đến nhiều thách thức khi các DN dệt may phải đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ mọi công đoạn từ sợi trở đi thuộc các nước nội khối TPP, trong khi phần lớn nguyên liệu đầu vào đang phải nhập khẩu từ các quốc gia nằm ngoài TPP. Nhiều người còn nhận thấy, thời gian tới nhóm cổ phiếu dệt may không còn duy trì đà tăng mạnh như những năm trước và xu hướng biến động chủ yếu là đi ngang.
Lấy trường hợp của TCM làm ví dụ. Đà giảm của giá dầu kéo theo sự giảm giá sợi với tốc độ lớn hơn đã tác động tiêu cực đến mảng kinh doanh sợi (chiếm đến 35-40%) doanh thu của TCM. Cùng với đó, giai đoạn 1 của nhà máy Vĩnh Long hoạt động chưa ổn định và vấn đề tỷ giá cũng góp phần khiến kết quả kinh doanh năm 2015 của TCM chưa đạt kỳ vọng. Doanh thu thuần tăng 8,6% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 8,7% dẫn đến công ty chỉ đạt 90,4% kế hoạch năm.
Hiện tại, mảng sợi nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, giới phân tích vẫn nhận thấy triển vọng năm 2016 có phần tích cực hơn khi DN đã tìm được nhiều biện pháp để cải thiện hiệu quả hoạt động. Với mảng sợi, TCM có kế hoạch thu hẹp một số sản phẩm sợi kém hiệu quả đồng thời cải tạo, nâng cấp hệ thống máy móc để có thể sản xuất được các loại sợi có chất lượng cao hơn. Với mảng may, vấn đề năng suất lao động ở nhà máy Vĩnh Long đã được giải quyết phần nào.
Việc chuyển hướng sang mảng vải xuất khẩu cao cấp với biên lợi nhuận gộp cao sẽ tiếp tục là điểm sáng của TCM trong các năm tới. Hiện tại, giới phân tích ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của TCM trong năm 2016 có thể lần lượt đạt 3.483 tỷ đồng (tăng 25%) và 184 tỷ đồng (tăng 20%), tương ứng với EPS 2.809 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, về dài hạn, với vị thế đầu ngành và sẵn có hệ thống sản xuất khép kín, TCM dự báo sẽ là một trong những DN hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định TPP. Mức giá hợp lý với cổ phiếu TCM là 30.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 17% so với giá đóng cửa ngày 26/4/2016 và đây là cổ phiếu được khuyến nghị tích luỹ trong dài hạn.
Hương Phạm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.