Mặc dù là những doanh nghiệp đứng đầu ngành, có tỷ suất lợi tức khá cao so với thị trường chung nhưng cổ phiếu các ông lớn này vẫn không được thị trường đánh giá cao.
Được mệnh danh là cổ phiếu phòng thủ, nhóm cổ phiếu phân bón đã thể hiện đúng chất “phòng thủ” như vậy trong thời gian qua. Tính từ đầu năm, mức tăng bình quân chung của toàn thị trường đã trên 15%, thậm chí phần lớn cổ phiếu trên thị trường có mức tăng giá vượt trội so với mức bình quân chung thì nhóm cổ phiếu ngành phân bón vẫn giao dịch kém sôi động.
Ngoại trừ cổ phiếu BFC của Phân Bón Bình Điền tăng khá mạnh do mới lên sàn thì giá cổ phiếu của 2 đại diện ngành phân bón còn lại là DPM, LAS hầu như không có sự thay đổi đáng kể.
Chỉ đến những phiên giao dịch từ đầu tháng quý III, 2 cổ phiếu này mới có những tính hiệu rục rịch tăng giá. Cổ phiếu DPM của ông lớn ngành phân bón Đạm Phú Mỹ trong suốt thời gian giao dịch chủ yếu quanh mức giá bình quân 28.000 đồng/cp trước đó đã bắt đầu tăng từ lên mức 29.900 đồng một cổ phiếu.
Trên sàn HNX, Cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng có diễn biến tương tự, với mức giá bình quân khoảng 27.000 đồng một cổ phiếu và đã có sự đầu bật tăng lên mức giá 30.100 đồng một cổ phiếu vào cuối phiên ngày 14/07.
Giới phân tích cho rằng sự tăng giá gần đây là hợp lý vì các cổ phiếu này không tăng trong thời gian trước đó. Khi thị trường đã cao thì nhà đầu tư mới bắt đầu chú ý về những cổ phiếu cơ bản có thị giá thấp so với thu nhập trên mỗi cổ phần (P/E). Cụ thể vào cuối quý II , chỉ số P/E của DPM vẫn chỉ ở mức 7.5 lần, LAS 8,2 lần. Ngoài ra, đây cũng là những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh ổn định, nợ ít, cổ tức tiền mặt được chia đều đặn hàng năm có thể là yếu tố đã thúc đẩy dòng vốn mua vào.
Chẳng hạn như trường hợp của cổ phiếu BFC khi quyết định chi cổ tức 30% vào đầu tháng sáu. Giá cổ phiếu này đã tăng khá mạnh lên xấp xỉ 34.000 đồng/cp trước khi giảm trở lại vùng 30.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 14/07. Với mức giá bình quân 30.000 đồng/cp thì xem như cổ phiếu BFC đã mang về tỷ suất lợi tức tương ứng 10%, cao hơn lãi suất tiền gởi ngân hàng.
Cổ phiếu DPM cũng là một cổ phiếu có mức cổ tức cao. Trong vòng 3 năm qua, doanh nghiệp này đã chi trả tổng cộng khoảng 95% cổ tức, tương ứng với hơn 30% cổ tức tiền mặt hàng năm. Riêng cổ phiếu LAS, ngoài mức cổ tức cao hơn so với các doanh nghiệp còn lại, vào khoảng 40%/năm. Thì năm nay, LAS còn tiến hành chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 45% trong quý III năm nay.
Thắng thua nhờ năng lực nội tại
Mặc dù nhận được cổ tức cao, nhưng nhà đầu tư lại đặt ánh mắt vào khả năng làm ra lợi nhuận của doanh nghiệp nhiều hơn. Những doanh nghiệp được hứa hẹn sẽ có lợi nhuận tăng trưởng luôn được thị trường đón nhận với thái độ tích cực và ngược lại. Kết quả kinh doanh quý I vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp ngành Phân bón đều sụt giảm mạnh doanh số là điều đáng quan ngại.
Đầu năm nay, các nhà phân tích cũng đã đưa ra bức tranh không mấy “sáng sủa” trong dài hạn cho các doanh nghiệp này. Bộ phận phân tích FPTS cho rằng “Thị trường phân bón trong nước bão hòa với sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong bối cảnh nhu cầu chưa cải thiện và xu hướng giá phân bón giảm ít nhất đến năm 2018.”
“Trước mắt, các DN phân bón đang đứng trước nỗi lo giảm giá”, bộ phận phân tích của BVSC đánh giá. Các báo cáo của Fertercon và IFA (Hiệp hội phân bón thế giới) đều nhìn nhận khá tiêu cực về giá urea trong các năm tới do tình trạng dư thừa công suất. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, giá phân bón năm 2016 sẽ giảm khoảng 2-5% so với năm 2015, trong đó giá phốt pho giảm mạnh nhất 5%, các loại phân bón khác giảm khoảng 2%.
Trong nước, sản lượng sản xuất phân bón trong nước cũng được dự báo tăng mạnh do việc đi vào hoạt động của các nhà máy mới. Trao đổi với báo chí, Ông Vũ Đức Minh Hiếu – chuyên gia về phân tích thị trường phân bón Việt Nam cho biết, lượng cung phân bón luôn cao hơn nhu cầu từ 1-1,2%. Cụ thể, chỉ tính đến mặt hàng phân urê, tổng sản lượng phân urê tại Việt Nam năm 2015 đạt hơn 2,9 triệu tấn, vượt xa nhu cầu mà ngành nông nghiệp cần để sản xuất (chỉ khoảng 2,2 triệu tấn). Trong khi đó, lượng phân urê xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 chỉ chưa đầy 200.000 tấn. Như vậy, có thể thấy dư cung đối với riêng phân urê đã lên tới hơn 500.000 tấn. Riêng NPK thì vẫn nhập khẩu gần 4 triệu tấn dù sản xuất trong nước đang dư thừa rất nhiều.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng nhu cầu phân bón ngắn hạn trong 5 năm tới chỉ khoảng 1,5 đến 2% song nguồn cung lại tăng hơn 4,1% do nhiều nhà máy đi vào sản xuất, chính vì vậy giá cả trong ngắn hạn dự kiến sẽ giảm gây khó khăn cho sản xuất trong nước.
Cạnh tranh cao nhất trong các loại phân bón là NPK. Nếu như các loại phân bón khác chỉ có khoảng 4-5 nhà sản xuất thì đối với phân NPK, ngoài 20 nhà máy sản xuất chính có tổng công suất 5 triệu tấn/năm, còn hàng chục cơ sở nhỏ chuyên phối trộn thủ công các loại phân bón khác nhau để sản xuất ra hàng trăm loại NPK.
Với sự hiện diện ngày càng đông của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ kinh doanh phân bón đã khiến cho sân chơi ngày càng thêm chật chội. Giám đốc thị trường của một công ty phân bón cho rằng, các công ty nhỏ có ưu thế là bộ máy nhỏ gọn và chi phí thấp đã áp dụng các các chính sách về bán hàng cũng như chiết khấu cho đại lý cao hơn, chính điều này đã ảnh hưởng đến doanh số của các doanh nghiệp lớn trong ngành sụt giảm.
Hiện nay, VN đang là nước có mật độ sử dụng phân bón vơ cô rất cao, chỉ đứng sau Trung Quốc và cao hơn nhiều so với các quốc gia lân cận. Trong khi các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững với việc ít sử dụng phân bón hóa học đang được nhân rộng trên toàn thế giới. Với xu thế tiêu dùng nông sản ngày càng đòi hỏi về mức độ an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường nhiều hơn là yếu tố sẽ khiến các doanh nghiệp đối mặt với rủi ro dài hạn. Điều này buộc các doanh nghiệp trong ngành này cần có sự ứng xử kịp thời đối với chiến lược phát triển sản phẩm cũng như khâu phân phối, tiêu thụ nếu không muốn bị tụt hậu.
“Đây là giai đoạn thể hiện năng lực nội tại thực sự của các doanh nghiệp”, Bộ phận phân tích FPTS đánh giá.
Hoàng Trung
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.