Platinum vẫn theo đuổi Vinamilk
Song song với việc F&N Dairy Investments liên tục tăng sở hữu tại Vinamilk (VNM) thì quỹ ngoại Platinum Victory Pte.Ltd cũng không ngoại lệ.
Mới nhất, quỹ từ Singapore đã mua thành công 8,35 triệu cổ phiếu VNM để nâng sở hữu lên gần 154 triệu cp, tương đương 10,61% vốn. Với vùng giá trung bình hơn 170.000 đồng/cp trong tháng vừa qua thì Platinum đã chi ra hơn 1.400 tỷ đồng.
Kể từ khi ôm trọn lô 48,3 triệu cổ phần Vinamilk đấu giá của SCIC vào tháng 11 năm ngoái thì Platinum liên tiếp tăng sở hữu tại VNM lên 154 triệu cp như hiện nay.
Cả 2 nhóm nhà đầu tư đang không ngừng gom thêm cổ phiếu VNM. Platinum đã đăng ký mua thêm 14,5 triệu cổ phiếu trong thời gian 13/6-12/7 nhằm tăng sở hữu lên 168,5 triệu cp, ứng với 11,61% vốn. Trong khi F&N trước đó cũng thông báo muốn đầu tư mua thêm 14,5 triệu cp để tăng tỷ lệ sở hữu lên 18,31% vốn, tương đương với 265,8 triệu cp trong khoảng 6/6-5/7.
Pyn Elite bán mạnh bất động sản
Công bố giao dịch của Pyn Elite Fund cho thấy quỹ đầu tư Phần Lan đã thực hiện bán ròng mạnh các khoảng đầu tư của mình.
Đáng chú ý nhất là việc thoái 2,4 triệu cổ phiếu Tập đoàn C.E.O (CEO) vào hôm 6/6, giảm sở hữu xuống 22 triệu cp, ứng với 14,29% vốn.
Pyn Elite bắt đầu đầu tư vào CEO kể từ 2015 và đạt tỷ suất sinh lợi 130%. Trước khi bán bớt phần vốn, khoản đầu tư vào CEO chiếm 2,9% tổng tài sản của quỹ ngoại. Từ đầu năm 2018 đến 15/5, CEO là khoản đầu tư lời thứ 4 của quỹ với 3,45 triệu USD.
Bên cạnh đó, quỹ ngoại này cũng thực hiện thoái vốn tại 2 doanh nghiệp bất động sản khác là CII và HBC. Hiện Pyn Elite chỉ còn nắm 26,8 triệu cp CII (10,9%) và 22 triệu cp HBC (17%).
Trong danh mục của Pyn Elite, các doanh nghiệp bất động sản đóng góp 7/12 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ bao gồm HBC, CII, KDH, VCG, NLG, CEO, FCN. Trong khi đó, quỹ ngoại này cũng đẩy mạnh đầu tư vào ngân hàng với 2 khoản lớn nhất là HDB và TPB.
Norges Bank và VinaCapital cũng bán ròng
Chung xu hướng với Pyn Elite, các quỹ thuộc VinaCapital và Dragon Capital thực hiện thoái vốn đầu tư.
Norges Bank – quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới có liên quan đến nhóm Dragon đã hoàn tất thoái 153.000 cổ phiếu Tập đoàn Hà Đô (HDG) và 85.000 cổ phiếu Vĩnh Hoàn (VHC) cùng ngày 7/6.
Trong khi đó, Quản lý quỹ VinaCapital liên tiếp thoái vốn Tasco (HUT) và mới nhất đã bán xong 500.000 cổ phiếu. Sau giao dịch cả nhóm quỹ chỉ còn sở hữu 37,5 triệu cp, tương ứng 14,94% vốn.
Nhiều quỹ khác mua ròng
Ngược lại với nhóm quỹ có vốn hóa lớn, các quỹ đầu tư khác lại đẩy mạnh mua vào. Đáng kể nhất là Konex Limited cổ đông lớn nhất của Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) đã mua xong 2,5 triệu cp để gia tăng quyền kiểm soát lên 22,41%.
Quỹ đầu tư Konex bất ngờ thay đổi kế hoạch đầu tư khi chuyển từ thoái vốn toàn bộ sang tăng sở hữu tại QNC dẫu công ty đang thua lỗ liên tiếp 2 năm qua. Do đó, không bất ngờ khi Konex lại đăng ký mua thêm 940.000 cổ phiếu QNC thời gian tới.
Mặc dù đăng ký mua 3,5 triệu cổ phiếu VNR nhưng Quỹ đầu tư giá trị Bảo Việt chỉ có thể mua được 612.700 cổ phiếu do điều kiện thị trường không phù hợp. Tại VNR, quỹ còn có liên quan đến Phó Chủ tịch Phan Kim Bằng, người đang sở hữu 12 triệu cp, tỷ lệ 9,18%.
Tại mã chứng khoán NGC, TCM Investment Funds Luxembourg sau khi mua vào 246.000 cổ phiếu vào 24/5 đã quay sang bán 60.000 cổ phiếu hôm 5/6, tỷ lệ sở hữu còn 9,3% vốn công ty. Trong khi đó Intereffeki Investment Funds lại bán ra toàn bộ 246.000 cổ phiếu NGC.
Bên cạnh đó, KWWE Beteiligungen AG – công ty con của Corisol Holding AG đã mua thêm 101.060 cổ phiếu VSC. America LLC mua 3.300 cổ phiếu PMB. Trong khi AFC Vietnam Fund lại thoái toàn bộ 342.400 cổ phiếu STC hôm 24/5.
Trong thời gian 13/6-12/7, Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital) đăng ký mua vào 700.000 cổ phiếu Tổng Công ty Gas Petrolimex (PGC) để tăng sở hữu lên 3,46 triệu cp và trở thành cổ đông lớn nắm giữ 5,7% vốn.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.