Chia sẻ:

Chuyển động quỹ đầu tư: Chốt deal

Dragon nhắm vào DIG

 

Nhóm Dragon Capital đã mua ròng 31 triệu cp Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG)từ ngày 30/11-05/12. Với mức giá khoảng 20.000-21.000 đồng/cp, số tiền mà nhóm Dragon đã chi ra cho thương vụ này vào khoảng 635 tỷ đồng.

 

Trong đó, Amersham Industries Limited gom 26,2 triệu cp để trở thành cổ đông lớn của DIG với 11% vốn. Bốn quỹ khác cũng mua vào đó là Aquila SPC, Idris, Grinling International và DC Developing Markets Strategies.

 

Mặc dù vậy, Vietnam Enterprise Investments lại bán ra 3 triệu cp, giảm tỷ lệ sở hữu về 4,56% và không còn là cổ đông lớn. Tính chung, quỹ lớn nhất của Dragon này đã liên tiếp bán ra 8 triệu cp DIG từ ngày 23/11.

 

Như vậy, nhóm Dragon hiện nay sở hữu 54,88 triệu cp DIG, tương đương với 23,05% vốn và là cổ đông lớn nhất tại DIG sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn. Hai cổ đông lớn khác mới xuất hiện tại DIG còn có Tae Kwang Vina Industrial đến từ Hàn Quốc nắm 22,3 triệu cp (10,21% vốn) và CTCP Đầu Tư Phát triển Thiên Tân gom thêm 3 triệu cp, tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,88% lên 6,14% vốn điều lệ.

 

Ngoài ra, nhóm Dragon cũng có giao dịch đáng chú ý tại 2 mã chứng khoán khác. Cụ thể, nhóm này đã bán ra 218.100 cp Tổng Công ty Viglacera – CTCP (HNX: VGC), giảm tỷ lệ sở hữu xuống 16,99%, tương ứng 72,57 triệu cp. Ngược lại, DC Developing Markets Strategies lại nhận chuyển nhượng 400.000 cp CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vào hôm 06/12 và KB Vietnam Focus Balanced Fund gom 600.000 cp CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (HoSE: CII).

 

PYN Elite bán hàng loạt cổ phiếu, dồn tiền cho thương vụ TPBank

 

Trong thời gian qua, gần như các giao dịch lớn của quỹ đầu tư đến từ Phần Lan này là các thương vụ thoái vốn tại các mã hot như MWG, HBC, KBC, DIG,.. và “để dành” quỹ tiền mặt lên đến 8%NAV đã được các nhà phân tích dự báo là dồn tiền cho 1 thương vụ lớn.

 

Với việc tích lũy lượng lớn tiền mặt từ thoái vốn, PYN Elite Fund đã ký hợp đồng mua 4,99% vốn của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), trị giá của thương vụ góp vốn là 40 triệu USD, tương đương 907 tỷ đồng.

 

Thương vụ này đánh dấu lần đầu tiên PYN Elite Fund đầu tư vào một ngân hàng Việt Nam. Đây cũng là khoản đầu tư mới lớn nhất mà quỹ từng thực hiện tại thị trường này.

 

Trở lại với việc thoái vốn, tuần này PYN Elite lại tiếp tục thoái thêm gần 1,24 triệu cp DIG, giảm tỷ lệ sở hữu về 5,95% vào hôm 06/12. Tuần trước, PYN Elite cũng đã thoái 839.810 cp DIG và chuyển nhượng hơn 2,13 triệu cp MWG, giảm quyền chi phối tại MWG còn 4,66%, tương ứng 14,3 triệu cp; đồng thời không còn là cổ đông lớn.

 

Cuộc chiến quỹ ngoại tại Vinamilk

 

Tại CTCP Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) đã chính thức hình thành cuộc đua của 2 quỹ ngoại đến từ Singapore là Platinum Victory và F&N Dairy.

 

Liên tiếp thất bại trong việc gom thêm cổ phiếu VNM, F&N Dairy Investments đã chính thức quay trở lại cuộc hành trình của mình tại Vinamilk. Theo đó, quỹ này vừa mua thêm 4,74 triệu cp VNM để nâng tỷ lệ sở hữu lên 237,5 triệu cp, nắm quyền kiểm soát 16,36%. Không những thể, quỹ này cũng tiếp tục đăng ký mua vào 21,77 triệu cp VNM trong thời gian 08/12-05/02/2018.

 

Trong khi đó, cái tên Platinum Vicory Pte.Ltd đã cho thấy quyết tâm tăng đầu tư vào Vinamilk khi thông báo hoàn tất mua 6,35 triệu cp để nâng sở hữu lên 145,6 triệu cp, ứng với 10,03%. Như vậy, Platinum chính là đối trọng nước ngoài lớn nhất cạnh tranh với F&N Dairy tại VNM và cuộc chiến cạnh tranh quyền chi phối này sẽ còn tiếp diễn.

 

Platinum chính là cái tên gây bất ngờ nhất trong thời gian qua khi là tổ chức duy nhất đấu giá thành công trọn lô cổ phần mà SCIC bán đấu giá với mức giá lên đến 186.000 đồng/cp. Hiện nay cổ phiếu VNM đã lên 190.000 đồng/cp, thậm chí có phiên vượt qua 200.000 đồng/cp.

 

VinaCapital thoái VGC, tăng đầu tư PVS

 

Cùng hành động với nhóm Dragon, nhóm VinaCapital cũng đã bán ra 707.000 cp VGC. Như vậy sau giao dịch nhóm VinaCapital chỉ còn sở hữu 20,66 triệu cp, tương đương tỷ lệ 4,84% và không còn là cổ đông lớn tại VGC.

 

Trong khi đó, nhóm này lại dành tiền để tăng sở hữu tại Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) lên 27,53 triệu cp, ứng với quyền chi phối 6,16%. Trong đó, VOF Investment Limited mua vào 300.000 cp và Quản lý quỹ VinaCapital gom thêm 500.000 cp PVS.

 

Các thương vụ lớn khác

 

Asean Deep Value Fund vừa chính thức thoái vốn tại CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (HNX: VIG) khi bán toàn bộ hơn 4 triệu cp VIG. Ngược lại, quỹ này vẫn tiếp tục theo đuổi CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) khi đã mua 15.000 cp, tăng sở hữu lên 6,3 triệu cp và lại đăng ký mua thêm 30.000 cp trong thời gian 06/12-29/12.

 

Sau khi thoái 300.000 cp DHG trong tháng 10, nhóm FTIF-Templeton Frontier Markets Fund lại tiếp tục thoái vốn tại một công ty dược khác là CTCP Dược phẩm IMEXPHARM (HoSE: IMP). Cụ thể, nhóm quỹ này đã bán ra tổng cộng 1,2 triệu cp, giảm tỷ lệ sở hữu từ 11,17% về 8,36%, tương đương còn 3,6 triệu cp IMP.

 

Quỹ từ Hàn Quốc là KITMC Vietnam Growth Fund vừa mua vào 500.000 cp CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC); qua đó, tổng nhóm quỹ này đã nâng sở hữu tại SMC lên 2,14 triệu cp, tương đương 5,1% và trở thành cổ đông lớn tại SMC.

 

MB Capital vừa thoái 712.030 cp Tổng Công ty Gas Petrolimex-CTCP (HoSE: PGC), giảm sở hữu về 3 triệu cp; đồng thời quỹ này cũng đăng ký bán tiếp 333.560 cp PGC trong thời gian 07/12-05/02/2018.

 

VietNam Holding Ltd bán 120.000 cp PAC và bán 38.140 cp VSC; ngược lại quỹ này mua vào 160.490 cp PC1.

 

 

Diễn biến đăng ký giao dịch trong thời gian tới.

 

 

THIẾU CUNG


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.