Chia sẻ:

Chúng ta không cần bán vốn nhà nước bằng mọi giá!

Trước những câu hỏi của thị trường về kết quả chào bán cạnh tranh cổ phiếu Vinamilk và việc hàng loạt CP lớn lên sàn có gây ra hiệu ứng cung vượt cầu ảnh hưởng đến thị trường hay không, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn đã có câu trả lời.

 “Nhà nước đang chuẩn bị niêm yết và bán vốn ở một loạt các doanh nghiệp lớn có gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán không khi lượng cung cổ phiếu đưa ra thị trường tăng mạnh, trong khi lượng cầu tăng thấp thậm chí các nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng rút vốn? Thị trường chứng khoán năm 2017 sẽ như thế nào?” là những câu hỏi mà rất nhiều nhà đầu tư đã đặt ra cho ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn trong những ngày qua.

Liên tục các câu hỏi được gửi vào hòm thư tin nhắn trên trang cá nhân của ông Hưng cho thấy tâm lý các nhà đầu tư khá dao động trước những diễn biến của thị trường chứng khoán trong 1 tháng trở lại đây.

 Theo ông Hưng, thị trường chứng khoán được lập ra với mục tiêu quan trọng nhất là để huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng. Để nhà đầu tư có thể yên tâm tham gia thị trường thì các công ty niêm yết phải phát triển tốt, hoạt động minh bạch, tăng trưởng bền vững.

Việc giá cổ phiếu tăng và thanh khoản tốt là hệ quả của kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, kỳ vọng tương lai của doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp cũng như với ổn định của nền kinh tế.

Việc hàng loạt công ty lớn hiện nhà nước đang nắm chi phối niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ giúp các công ty hoạt động minh bạch hơn do phải tuân thủ các quy định của thị trường chứng khoán, áp lực từ nhà đầu tư cũng như từ truyền thông, qua đấy các công ty hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cả nhà nước và các nhà đầu tư.

Các công ty như VNM, FPT, BBC, NSC, DHG, TRA… vốn là những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá và niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện đang hoạt động hiệu quả và tăng trưởng tốt hơn rất nhiều trước đây khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Đây là những ví dụ minh chứng cho những lợi ích của việc cổ phần hoá và niêm yết các công ty lớn của nhà nước đang nắm giữ.

Tăng nguồn cung hàng hóa chất lượng cho thị trường

Khi thị trường có nhiều loại cổ phiếu tốt, minh bạch, có nền tảng tốt của những doanh nghiệp lớn các nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn để đầu tư.

Bên cạnh đó, khi thị trường có nhiều hàng hoá chất lượng thì uy tín của thị trường sẽ tăng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ an tâm nắm giữ cổ phiếu lâu dài, họ tránh được những công ty không minh bạch trên thị trường mà hiện tại do không có nhiều lựa chọn họ buộc phải giải ngân do mục tiêu đầu tư ở thị trường Việt Nam, dẫn đến thất bại ảnh hưởng tiêu cực đến đánh giá, nhìn nhận của nhà đầu tư về thị trường, mất niềm tin với thị trường Việt Nam.

Ông Hưng cho rằng việc niêm yết ồ ạt các doanh nghiệp lớn có thể ảnh hưởng ngắn hạn đến giá cổ phiếu của các công ty đang giao dịch trên thị trường. Cổ phiếu các công ty đang có tỷ lệ PE cao hơn mức trung bình của ngành, của thị trường sẽ giảm, đặc biệt những công ty hoạt động không minh bạch sẽ bị các nhà đầu tư bán để lấy tiền đầu tư những cổ phiếu an toàn hơn.

Nhưng, những bước đi này là cần thiết để chúng ta tăng hiệu quả cho nền kinh tế và có thể xây dựng được thị trường chứng khoán mà ở đấy nhà đầu tư có thể an tâm đầu tư giữ tài sản chứ không chỉ là nơi lướt sóng để thắng thua trong ngắn hạn.

Không cần bán vốn nhà nước bằng mọi giá

Theo ông Hưng, chúng ta không cần bán vốn nhà nước bằng mọi giá, chỉ khi niêm yết giao dịch cổ phiếu trên thị trường nhu cầu của nhà đầu tư đáp ứng các tiêu chí kỳ vọng của Chính phủ thì mới thực hiện thoái vốn.

Niêm yết nhằm minh bạch tăng hiệu quả cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế mới là mục tiêu quan trọng nhất, việc thoái vốn trên thị trường chứng khoán sẽ minh bạch tránh bị thất thoát tài sản quốc gia, chứ không phải niêm yết chỉ với mục tiêu phục vụ thoái vốn nhà nước.

Ông Hưng cho rằng, rõ ràng hiệu quả trong khu vực kinh tế tư nhân cao hơn nhiều trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp nhà nước sử dụng lượng vốn và tài nguyên rất lớn nhưng hiệu quả lại rất thấp.

Vấn đề đang tranh cãi hiện nay chỉ là phương pháp nào để tối ưu hoá tài sản của nhà nước và tránh thất thoát trong quá trình triển khai cổ phần hoá hay bán cổ phần thuộc sở hữu nhà nước, đây cũng là lý do để các cơ quan liên quan hiện đang nắm quyền kiểm soát trực tiếp các doanh nghiệp nhà nước phân vân trì hoãn tiến trình cổ phần hoá.

Nhưng thực sự nếu công khai minh bạch thông tin quá trình này và kéo dài thời gian công bố thông tin để nhiều nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia đấu giá thì có thể hạn chế được hầu hết sự thất thoát.

Mặt khác cũng phải chấp nhận một số mặt trái của sự chuyển đổi sở hữu để có thể cải cách tăng năng suất lao động nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Khi ấy hiệu quả phần vốn nhà nước còn giữ lại cũng sẽ được đưa lên mức ngang bằng với hiệu quả sử dụng vốn của thị trương. Doanh nghiệp khoẻ, hiệu quả sử dụng vốn tăng thì nền kinh tế mới hiệu quả mới khoẻ được.

Cơ hội đầu tư dài hạn

Theo ông Hưng, năm 2017 sẽ là năm khó khăn nếu chúng ta nhìn theo hướng kỳ vọng vào dòng vốn ngoại, với chính sách đồng Đôla mạnh, phản đối toàn cầu hoá của tổng thống trúng cử Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Nếu loại trừ một số mã cổ phiếu bất thường tăng nhiều trong thời gian qua, Vn-Index thực sự đã giảm gần 20% so với đỉnh điểm năm 2016. Năm nay nền kinh tế phát triển sẽ dựa vào nội lực, thị trường trong nước với 90 triệu dân sẽ bù đắp thâm hụt và nâng đỡ thị trường xuất khẩu.

Với thị trường chứng khoán, vốn ngoại chủ yếu đến từ các nhà đầu tư chiến lược sẽ chỉ tìm đến các công ty cụ thể phù hợp với tiêu chí đầu tư lâu dài hoặc mục tiêu của từng nhà đầu tư. Dòng vốn ngắn hạn sẽ bị hạn chế đầu tư vào các thị trường chậm phát triển như Việt Nam, và sẽ tăng khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào thị trường mới nổi (MSCI Emerging Market).

Việc niêm yết các công ty lớn và thoái vốn nhà nước song hành cùng minh bạch hoá thị trường là các bước đi cần thiết để hướng tới đích ấy. Còn với các nhà đầu tư trong nước đây là cơ hội để chọn đầu tư nắm giữ lâu dài cổ phần của các công ty phát triển cơ bản bền vững sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, an toàn hơn nếu tham gia lướt sóng theo phong trào.

 

Ông Nguyễn Duy Hưng

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.