Chia sẻ:

Chứng khoán Việt Nam có thể giữ vững đà tăng trong vài năm nữa

Cả khu vực công và khu vực tư nhân đều đang thúc đẩy phát triển thị trường vốn và kinh tế của Việt Nam, Bill Stoops, giám đốc đầu tư (CIO) của quỹ Dragon Capital cho biết.

 Trong cuộc phỏng vấn ngày 10/4 với hãng CNBC, ông Bill Stoops, giám đốc đầu tư (CIO) của quỹ Dragon Capital chia sẻ những phân tích của mình và lý do tại sao ông cho rằng Việt Nam là một thị trường mới nổi đầy hấp dẫn.

Bill Stoops: Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển thị trường vốn và cổ phần hóa DNNN là dấu hiệu rõ nhất cho thấy nỗ lực này. Trong khi đó, khu vực tư nhân cũng đang phát hành chứng khoán mới dưới hình thức IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) hoặc phát hành riêng lẻ.

 Phóng viên: Tình hình hiện đang rất tốt nếu nói về quá trình cổ phần hóa. Các công ty cũng đang lần lượt ra thị trường. Nhưng liệu đà phát triển này có kéo dài được mãi không?

Bill Stoops: Hiện nay, tăng trưởng lợi nhuận tại Việt Nam đang rất mạnh mẽ, khoảng 17 – 18% trong năm nay. Trong khi đó, thị trường vẫn còn rẻ, PE khoảng 13 lần (so với những thị trường khác). Nếu so sánh những con số này với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đang làm tốt hơn Philippines, Trung Quốc, Indonesia. Vì vậy, VN có thể giữ vững đà này chừng nào lợi nhuận còn tiếp tục tăng trưởng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang áp dụng chiến lược đẩy mạnh cổ phần hóa thị trường vốn nên tôi nghĩ Việt Nam có thể giữ vững đà này trong vài năm nữa.

 Phóng viên: Tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu) của thị trường Việt Nam là 20%. Không thị trường nào có thể duy trì được phong độ đó mãi. Việt Nam thì sao?

Bill Stoops: Không phải mãi mãi nhưng xu hướng rất tích cực. Nhiều yếu tố đang đẩy mạnh tăng trưởng, bao gồm quá trình đô thị hóa, tăng trưởng nhóm dân số thu nhập trung bình, nền kinh tế tiêu dùng, xuất khẩu. Đó là những gì tôi thích về Việt Nam. Cùng với chiến lược của Chính phủ, những yếu tố này sẽ mở rộng và phát triển thị trường vốn của đất nươc.

Phóng viên: Nhưng Việt Nam không phải là một nền kinh tế tự do và tiền Đồng phần lớn vẫn đang bị Nhà nước kiểm soát. Tại sao ông lại lạc quan như vậy?

Bill Stoops: Hiện tại, Việt Nam không còn là nền kinh tế tập trung nữa rồi. Tất nhiên khu vực nhà nước vẫn chiếm khoảng 40% nền kinh tế nhưng tăng trưởng không phụ thuộc vào nhóm này. Tiền đồng thực ra được hỗ trợ từ những nguồn lực vĩ mô mạnh mẽ như lãi suất thực cao hay thặng dư cán cân thanh toán. Nhìn chung, chính sách vĩ mô của Chính phủ đảm bảo rằng tiền Đồng sẽ tiếp tục được giữ ổn định như giai đoạn sau khi thị trường chứng khoán lao dốc năm 2011. Tại thời điểm đó, trong khi đồng tiền của những nước khác trong khu vực dao động thì tiền Đồng vẫn ổn định.

 

Trang Hồ/ Theo CNBC

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc